Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Độc đáo “Rừng cảnh tiên”: Đề xuất Phia Oắc - Phia Đén trở thành vườn quốc gia

(00:31:42 AM 03/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Trong chuyến khảo sát tháng 10 vừa qua, chuyên gia lâm nghiệp Vũ Văn Dũng đánh giá với lợi thế về địa hình, khí hậu và điều kiện nhân văn, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái, Phia Oắc – Phia Đén có đủ các tiêu chí, thậm chí thừa tiêu chí, để trở thành vườn quốc gia thứ 31 của Việt Nam.

>>Kỳ 1: Độc đáo “Rừng cảnh tiên” Phia Oắc – Phia Đén Tin ảnh

>>Kỳ 2: Rừng Phia Oắc - Phia Đén: Mất dần những động vật quý hiếm

>>Kỳ 3:Độc đáo “Rừng cảnh tiên”: Đánh thức Phia Oắc – Phia Đén 

 


Việc điều tra, đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội vùng Phia Oắc-Phia Đén là rất cần thiết nhằm đánh giá chính xác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đa dạng sinh học; xác định và khoanh vùng các hệ sinh thái đặc thù; các loài động vật quý hiếm và đặc hữu đang bị đe dọa nghiêm trọng

 

Theo quy định hiện hành, các khu rừng quý phải có diện tích từ 15.000ha rừng trở lên thì Chính phủ mới công nhận là rừng đặc dụng (sau đó có thể xây dựng vườn quốc gia). Còn theo Quyết định số 194/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký ngày 9/8/1986 “Khu bảo tồn thiên nhiên” núi Phia Oắc – Phia Đén được thành lập bao gồm sáu đơn vị hành chính gồm thị trấn Tĩnh Túc và các xã Quang Thành, Phan Thanh, Vũ Nông, Thành Công, Hưng Đạo (thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nhằm bảo vệ khu rừng “á nhiệt đới lá rộng xen lá kim núi thấp”, phân bố chủ yếu từ độ cao 1000m đến 1931m (đỉnh Phia Oắc). Diện tích ghi trong quyết định là 10.000ha. Còn theo số liệu do ông Long Văn Bằng, Giám đốc Rừng Đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén, cung cấp thì diện tích rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén là 10.261ha (theo quy hoạch phân chia 3 loại rừng năm 2008 của tỉnh).

 

Hiện nay ở Việt Nam có 12 bộ thú trên cạn. Ở rừng núi Bắc Bộ có 10 bộ thì vùng núi Phia Oắc-Phia Đén đã xác định sự hiện diện các loài thuộc 8 bộ, chiếm 66,7% số bộ thú của Việt Nam; với số loài đã biết là 87 loài/300 loài, chiếm 29% tổng số loài thú trên cạn của cả nước. Nếu so với một số vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) có 52 loài; vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) 65 loài; khu bảo tồn Hữu Liên (Lạng Sơn) có 73 loài, thì đa dạng thành phần loài thú Phia Oắc là rất cao. Trong số đó có ít nhất 24 loài thú thuộc diện quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh mục Đỏ Thế giới năm 2011 và trong các phụ lục IB, IIB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP, Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Cùng với đó là 11 loài chim quý hiếm, 14 loài bò sát và 7 loài côn trùng quý hiếm. Đây chính là di sản, là báu vật của núi rừng Phia Oắc cần được ưu tiên bảo tồn.

 

Theo đánh giá của các nhà khoa học, Phia Oắc – Phia Đén là khu rừng còn giữ được nhiều nét nguyên sinh, bởi các hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi cao, rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, cấu trúc bốn tầng với độ che phủ lớn. Đặc biệt có một số hệ sinh thái đặc trưng cho vùng núi cao như hệ sinh thái rừng lùn, rừng rêu. Trong thảm cỏ hàng nghìn loài thực vật, trong đó có một số loài cây có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như cây gù hương hay còn gọi là re hương; lát hoa, sến mật, nghiến, dẻ tùng, cùng với nhiều cây thuốc quý, quần thể phong lan đa dạng, cây cho quả, như trám trắng, trám đen, bứa, dọc, dâu da, vải, nhãn rừng, sung, vả, me... với các thảm xanh bốn mùa tươi tốt, là nơi tạo điều kiện sinh tồn cho khu hệ động vật hoang dã.

 

Dựa theo các tiêu chí phân cấp vườn quốc gia tại điều 17, Luật Đa dạng Sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008 được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 4, nhóm tác giả đã đề xuất xây dựng thành vườn quốc gia Phi Oắc – Phia Đén có diện tích là 20.480 ha trong đó rừng nguyên sinh là 9.500ha trên địa phận của các xã Ca Thành, Triệu Nguyên, Vũ Nông, Mai Long, Phan Thanh, Quang Thành, Thành Công, và thị trấn Tĩnh Túc.

 

Vùng đề xuất xây dựng vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén là vùng núi có địa hình phân cắt phức tạp với các dãy núi nhấp nhô uốn lượn vòng cung, núi đá dựng đứng hiểm trở trùng điệp nối tiếp nhau, được che phủ gần như hoàn toàn bằng những thảm rừng nguyên sinh mưa mùa và mưa ẩm á nhiệt đới xanh ngút ngàn. Vùng đề xuất xây dựng thành vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén là nơi sinh sống thường xuyên không chỉ của một loài mà 16 loài thực vật và 56 loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao.

 

Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng, đề nghị các nhà khoa học cần xem xét lại diện tích, nếu trên 20.000 thì cao quá mà chỉ từ 13.000 đến 14.000ha thì dễ quản lý hơn. Trong vùng Phia Oắc – Phia Đén dân số năm 2010 là 32.064 người. Mật độ dân số trung bình là 50,6 người/km2 (trừ xã Bình Lãng của huyện Thông Nông). Hai thị trấn Tĩnh Túc, Nguyên Bình và các xã Thái Học, Vũ Nông, Thể Dục, Mai Long, Minh Thanh, Tam Kim có mật độ dân cư cao, lớn hơn mật độ trung bình của vùng, đó cũng là các khu vực có đất nông nghiệp nhiều, dân cư tập trung thành từng cụm lớn với sản xuất nông nghiệp là chính. Trong vùng dân tộc Dao nhiều nhất, chiếm 48,62%; Nùng 23%; Tày, 14%; Mông 1%.

 

Đánh giá sau chuyến khảo sát thứ sáu kết hợp các ý kiến tại hội thảo “Phia Oắc-Phia Đén – Báu vật thiên nhiên quốc gia” diễn ra trong tháng 10 ở Cao Bằng, các nhà khoa học, nhà bảo tồn, và các chuyên gia lâm nghiệp đều có chung nhận định rằng nơi đây hoàn toàn xứng đáng quy hoạch thành vườn quốc gia.

 

 Các nhà khoa học, nhà bảo tồn, và các chuyên gia lâm nghiệp đều có chung nhận định rằng Phia Oắc – Phia Đén hoàn toàn xứng đáng quy hoạch thành vườn quốc gia

 

Ông Long Văn Bằng, Giám đốc Rừng Đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén, cho biết qua khảo sát thực tế kết hợp với những tài liệu thu thập được, các nhà khoa học đánh giá hiện nay rừng bị chặt phá ngày càng mạnh mẽ, khai thác quặng, đa dạng sinh học vùng Phia Oắc – Phia Đén đã và đang bị suy giảm đáng kể. Nếu không kịp thời ngăn chặn nạn “quặng tặc” hoặc các giải pháp quản lý, bảo vệ và bảo tồn theo các quy chế của vườn quốc gia không sớm được quy hoạch và quyết định thì các báu vật  của Phia Oắc – Phia Đén, đặc biệt sản phẩm du lịch cực kỳ quý giá sẽ bị suy giảm hoặc mất mát.

 

Việc điều tra, đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội vùng Phia Oắc-Phia Đén là rất cần thiết nhằm đánh giá chính xác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đa dạng sinh học; xác định và khoanh vùng các hệ sinh thái đặc thù; các loài động vật quý hiếm và đặc hữu đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, có thể đề xuất các giải pháp, hoạch định bảo tồn, bảo vệ những giá trị quý giá của tài nguyên đa dạng sinh học mà thiên nhiên đã ban tặng Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng nói riêng và vùng Đông Bắc Việt Nam nói chung.

 

Ông Long Văn Bằng chia sẻ: Trải qua hơn 20 năm công tác tôi đã đi hầu hết các huyện trong tỉnh Cao Bằng (trước đây tôi công tác ở Đoàn điều tra quy hoạch Lâm nghiệp Cao Bằng) chưa thấy nơi nào có rừng phân bố tập trung với diện tích lớn (trên 7.000 ha) như ở khu rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén. Tôi cũng có nhiều đợt đi tuần tra ở nhiều khu vực, địa điểm khác nhau trong khu rừng thấy tính đa dạng sinh học ở đây rất cao, nhiều loài cây có thể chưa biết tên, cấu trúc rừng nhiều tầng, đặc biệt là rừng rêu ở phía trên đỉnh Phia Oắc có lẽ ít nơi nào có được, rừng nguyên sinh khu vực Ca Mi – Tĩnh Túc, Khuổi Má - Thành Công có cây cao tới 30-35m đường kính 50 - 60 cm. Nhiều cây có tên trong sách đỏ như cây gù hương, theo người dân địa phương gọi là cây mạy vác thì hiện nay cây còn sống là không tồn tại, nhưng theo đoàn Phân viện Điều tra Quy hoạch Đông Bắc Bộ khảo sát tháng 5/2012 (để xây dựng dự án bảo vệ và phát rừng đặc dụng giai đoạn 2013 -2020) thì khẳng định cây gù hương hiện nay vẫn còn cây gỗ lớn và cây tái sinh. Ngoài ra còn có cây bảy lá một hoa, lan kim tuyến cũng có tên trong sách đỏ, cây thảo quả, xa nhân…. Về chim thì có gà so ngực gụ cũng có tên trong sách đỏ. Về côn trùng có cua bay hoa, bọ hung sừng chữ Y, bọ hung ba sừng, cặp kìm sừng đao, bọ lá có tên trong sách đỏ và nhiều loài bướm lạ, đẹp chưa biết tên. Qua một thời gian chưa phải là nhiều tôi cũng biết được đôi chút về khu rừng Phia Oắc - Phia Đén, để biết được nhiều bí ẩn về khu rừng Phia Oắc - Phia Đén phải nhờ đến nhiều nhà khoa học, nhiều nhà nghiên cứu và thời gian dài thì câu trả lời sẽ rõ.

 

Theo đánh giá của ông Bằng, đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam xây dựng là rất khả thi. Các nhà khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam và Trung tâm Địa Môi trường&Tổ chức Lãnh thổ đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu có quy mô, đánh giá được thực trạng đa dạng sinh học, các giá trị đặc biệt thiên nhiên hiện có. Nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ và trong “Nghị định 32” chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhiều khu rừng đặc dụng lân cận; Thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên đáp ứng được các tiêu chí theo Nghị định số 117/2010/NĐ – CP, ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng và Luật Đa dạng Sinh học năm 2008 đủ cơ sở khoa học để xây dựng vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén.

Bài và ảnh: Mạnh Cường