Trong vai người đang có vài chục buồng chuối cần bán ở Hưng Yên, tôi tìm đến chợ Long Biên và nhanh chóng nhận được chia sẻ về "bí kíp dấm chuối xanh non" chín đều chỉ trong hai ngày.
Tình cờ gặp chị Kiều (dân buôn chuối), tôi được chị dẫn đến địa chỉ số 34, Bạch Đằng, Hoàn Kiếm (Hà Nội) để mua loại thuốc này với giá 4.000 đồng/2 lọ, mỗi lọ 2ml. Đúng là thuốc hiếm khó tìm. Trước khi đi mua thuốc, chúng tôi đã ghé qua trên năm nhà buôn chuối, đu đủ, song nhà nào cũng từ chối khéo và bảo mới hết mấy ngày trước.
"Để mua được đất đèn dấm xoài thì dễ, nhưng để mua được thuốc này thì cần có mối hoặc người quen do thuốc không bán ngoài thị trường. Dân buôn hoa quả mua được qua mối quen ở chợ biên giới từ Trung Quốc chuyển về" - chị Kiều bộc bạch.
Theo hướng dẫn của "người đi trước", đầu tiên, chỉ cần đổ một nửa lọ ethrel vào chậu với 2-4 lít nước (tương đương một chậu nước nhỏ). Hòa tan thuốc vào nước, đợi khoảng năm phút sau cho vào bình phun đều hoặc dội cả chậu nước lên buồng chuối, nhưng phải đảm bảo thuốc phải ướt đều khắp quả.
Tiếp theo, ủ kín chuối bởi một lớp chăn nhung, sau 2-3 ngày thì mở ra. Trong quá trình ủ, không được để chuối hở và không nên mở. Chuối dấm không được quá non, nếu không sẽ bị héo quắt hoặc thối nhũn.
Với đu đủ, chỉ cần nhỏ một giọt ethrel vào đầu cuống, sau một ngày quả đu đủ xanh sẽ chín vàng, trông rất đẹp. Chị Hằng - một tiểu thương bán hoa quả chợ Long Biên, tiết lộ, nếu nhỏ thuốc không trúng vào cuống thì ngay hôm sau, quả đu đủ sẽ bị thối.
"Thần dược" này xuất xứ từ Quảng Tây (Trung Quốc), dân buôn bán thường gọi là thuốc Tàu. |
Tương tự với hồng ngâm, công thức pha cũng như cách làm với chuối. Các cửa hàng hoa quả tại chợ Long Biên thưởng chỉ ngâm sau nửa ngày là thuốc ngấm. Để qua một ngày, một đêm hồng sẽ chuyển mầu xanh thành mầu vàng đậm (trạng thái chín dần); sau hai ngày, khi thuốc đã ngấm thì toàn bộ chất nhũ trong quả hồng sẽ tự phân tán. Trung bình một ngày thay nước một lần và thay vào ban đêm, tức là nếu ngâm hồng vào buổi sáng thì 12 giờ đêm thay nước, nhờ đó thuốc mới ngấm hết vào trong quả.
Loại hoá chất này ban đầu chỉ được các tiểu thương dùng cho một số quả, nhưng hiện tại, nó được sử dụng tràn lan từ chuối, xoài, đu đủ đến hồng ngâm, ổi, mít... bởi những lời lãi mà nó mang lại. Điều đáng nói, trên bao bì của tất cả các hộp thuốc này chỉ ghi hạn dùng hai năm kể từ ngày sản xuất, nhưng không hề có ngày sản xuất trên bao bì cũng như trên ống thuốc, chỉ có vài dòng chữ Trung Quốc.
Khi bán trên thị trường, người tiêu dùng thường lựa chọn các loại quả này vì cảm quan là rất ngon, bắt mắt, nhưng ăn vào mới thấy hầu hết ổi, đu đủ, xoài... đều nhạt thếch, thậm chí còn sực mùi thuốc do không thể khử hết mùi trong thời gian ngắn với số lượng quá lớn. Người mua cần hết sức thận trọng vì trên thực tế, đã có những trường hợp bị tiêu chảy liên tiếp sau khi ăn phải các loại hoa quả phun thuốc trên. Đó là chưa kể những tác động lâu dài tới sức khỏe mà người tiêu dùng không lường trước được.
Ethrel thực chất là tên thương mại của hoạt chất ethephon (đây cũng không phải là tên chính thức, tên này do Viện Tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ - ANSI - đặt cho nó, là một chất phôtpho hữu cơ được Cục Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng với liều lượng thích hợp để dấm trái cây như cà chua, dâu, táo... và được nhiều nước (ngay cả những nước phát triển như Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, Hà Lan) sử dụng để làm chất điều hòa tăng trưởng và dấm chín trái cây nhằm làm trái cây chín đồng đều, rút ngắn thời gian chín và giảm tổn thất sau thu hoạch. Việc sử dụng ethrel để dấm hoa quả có thể được xem là an toàn, tuy nhiên hành vi bơm trực tiếp chất này vào trái cây cần phải được nghiêm cấm do nó có thể gây tồn dư cục bộ ethrel tại một vài nơi nhất định trong trái cây và có thể gây ảnh hưởng sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một vấn đề khác cần quan tâm là độ tinh khiết của ethrel nhập từ Trung Quốc: nó có thật sự tinh khiết không, những tạp chất độc hại khác nếu có là gì? Các khuyến cáo cho thời gian, liều lượng sử dụng như thế nào? Thời gian từ khi dấm đến khi người tiêu dùng sử dụng bao nhiêu lâu thì an toàn? Điều đáng ngạc nhiên là tuy ethrel đã được đưa vào VN từ khoảng hai năm nay và được nhiều công ty, viện nghiên cứu thử nghiệm ở quy mô khá lớn, nhưng việc sử dụng hóa chất này trên hoa quả cho đến nay là không được phép tại VN vì ethrel (ethephon) không nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng (theo các quyết định 867/QĐ-BYT ngày 4-4-1998 và 305/2000/QĐ-BYT ngày 2-2-2000 của bộ trưởng Bộ Y tế), đồng thời nó cũng "nằm ngoài danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở VN" đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết. Theo Tuổi Trẻ |