Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chuối cũng... cô đơn Tin ảnh

(23:03:01 PM 31/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Hiện có khoảng 200 loài chuối được con người trồng, tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Phần lớn các loài chuối trồng hiện nay đều từ chuối rừng qua lai tạo chọn lọc mà có. Chuối có đặc điểm chung: mọc thành bụi và hoa có màu đỏ, trừ chuối... cô đơn!

 Chuối cô đơn có chiều cao thân 3 – 4m, gốc phình rất to. Lá thuôn, có phiến to dài đến 1,5m, màu xanh đặc trưng. Sự khác biệt đầu tiên giữa chuối nhà và chuối cô đơn là phiến lá dày, khá bền chắc. Khi trổ hoa, chuối rừng cũng như chuối nhà có hoa màu đỏ, chuối cô đơn thì hoa màu xanh, buồng chuối dài hơn 1m được bao quanh là lá bắc dạng mo hình bầu dục, xếp chồng lên nhau. Những chiếc mo hình lá bắc này không rụng, mặc dù trái bên trong cứ to dần lên, đến khi những quả chuối này chín chúng mới thay đổi hình dáng. Cứ đếm thấy bao nhiêu lá bắc là bấy nhiêu nải chuối bên trong (ảnh 1, 2).

 


Ành 1


Ảnh 2

 

Những chiếc mo hình lá bắc có tác dụng như cánh cửa ngăn chặn không cho các loài chim, thú nhỏ đụng chạm vào các quả chuối khi chúng còn xanh (ảnh 3). Thế nhưng khi chuối già chín tới, toả mùi thơm phức, những chiếc mo này già đi, teo lại như cánh cửa được mở ra mời gọi các loài chim, thú nhỏ vào ăn chuối. Sau đó các thực khách này sẽ vô tình gieo hạt đi khắp nơi, giúp chuối cô đơn có cơ hội mọc thành cây mới để duy trì nòi giống... cô đơn.

 

Ảnh 3

Hoa chuối nở trong nhiều tháng, khi nải chuối đầu tiên bắt đầu già hạt thì hoa vẫn nở đều, như cố tạo càng nhiều quả càng tốt để duy trì sự tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên (ảnh 4, 5).

Ảnh 4

Ảnh 5

 

Một bụi chuối nhà tối thiểu phải có cây mẹ cùng vài ba lớp cây con. Còn chuối cô đơn mọc đơn độc, quả thuôn dài, kích thước 10 – 12 x 3,5cm. Hạt ít, cỡ 1cm, có màu đen tuyền, rốn lõm sâu. Vì không nhân đàn tạo con như những loài chuối khác nên chuối cô đơn có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Hạt chuối cô đơn chỉ nảy mầm trong môi trường độ ẩm cao không trũng nước.

 

Ở Việt Nam, theo các tài liệu đã công bố thì chuối cô đơn chỉ tìm thấy ở vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ, Hoà Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và một số tỉnh phía Bắc. Nhưng theo tài liệu của công ty Điện Ảnh Thiên Nhiên Việt Nam thì chuối cô đơn còn tìm thấy ở phía Nam tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Núi Trang của tỉnh Bình Thuận. Ở núi Tà Cú, tuy chuối cô đơn không nhiều nhưng mọc san sát nhau (ảnh 6). Hy vọng trong một tương lai không xa, chuối cô đơn sẽ thành rừng để không còn đơn độc như tên của chúng.

 

Ảnh 6

Bài và ảnh: Lê Hoài Phương (SGTT)