Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sự cố ở một nhà máy điện nguyên tử Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần khủng khiếp hôm 11-3 khó có khả năng nghiêm trọng như thảm họa Chernobyl cách đây đúng 25 năm. Quan trọng hơn, sự cố nổ này sẽ không có khả năng xảy ra đối với nhà máy điện nguyên tử mà Việt Nam chuẩn bị xây dựng. Phỏng vấn PGS.TS. Vương Hữu Tấn, Viện trưởng VAEC.
Khác xa vụ nổ ở Chernobyl
Thưa ông, vu nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima liệu có nguy cơ trở nên nghiêm trọng như vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô cũ năm 1986.
PGS.TS. Vương Hữu Tấn: Trước hết cần hiểu rõ về bản chất vụ nổ trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima để giải thích cho mọi ngưởi hiểu, để tránh xem đây như vụ nổ của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Liên xô năm 1986.
Đây là vụ nổ do hydro phát ra từ lò phản ứng do tiếp xúc với ôxy trong không khí ở trong toà nhà bao bên ngoài toà nhà bảo vệ lò phản ứng. Toà nhà này không phải là toà nhà bảo vệ chịu được áp lực cao. Tuy nhiên vụ nổ cũng chỉ làm hỏng tường và phần mái của nó, trong khi khung thép của mái toà nhà này vẫn không ảnh hưởng gì. Còn vụ nổ không làm ảnh hưởng đến toà nhà bảo vệ lò phản ứng chịu áp lực.
Xét về cấu trúc của nhà máy điện hạt nhân thì bên trong là thùng lò phản ứng (RPV) dày 20 cm bằng thép, sau đó là toà nhà bảo vệ lò phản ứng chịu áp lực (RBC) bằng bê tông cốt thép dày hơn 2 m. RPV và RBC là các cơ cấu chịu áp lực trong nhà máy điện hạt nhân. Khi xảy ra động đất, lò phản ứng tự động dừng lò, nhưng lượng nhiệt dư (chiếm khoảng 10%) cần phải được lấy đi để giữ cho tâm lò không bị cháy.
Tuy nhiên hệ thống bơm giải nhiệt của nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố do máy phát diezel cấp điện bị hỏng do sóng thần sau động đất gây lên. Điều này dẫn đến nước trong thùng lò giảm do bốc hơi và làm nhiệt độ thanh nhiên liệu tăng, dẫn đến nóng chảy thanh nhiên liệu. Áp suất trong lò tăng và hydro được tạo ra do tác dụng của nước và Zr trong thanh nhiên liệu.
Khi áp lực trong thùng lò phản ứng (RPV) cao quá mức cho phép, sẽ dẫn đến phải xả áp vào toà nhà bảo vệ. Cuối cùng áp suất trong toà nhà bảo vệ cũng tăng lên đến 840 kPa (viết tắt đơn vị đo áp suất - kilopascal) trong khi giá trị bình thường là 400 kPa. Vì vậy Công ty Điện lực Tokyo (chủ nhà máy) đã quyết định xả có kiểm soát không khí và hơi nước ra khỏi toà nhà bảo vệ lò phản ứng vảo trong toà nhà bao bên ngoài.
Khi đó hydro đi kèm theo với không khi và hơi nước từ lò phản ứng đã được thoát ra ngoài vào toà nhà bao quanh và gặp ôxy trong không khí gây nổ. Vì hơi nước là từ lò phản ứng nên nó có kèm theo chất phóng xạ cesium-137 (Cs-137) và iodine-131 (I-131). Do đó, khi xảy ra vụ nổ, có một lượng phóng xạ thoát vào không khí.
Sự cố này, theo đánh giá của Nhật bản, thuộc vào mức số 4 trong thang sự cố hạt nhân gồm bảy mức của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Để có thể hình dung về mức độ của sự cố này, có thể thấy tại nạn Chernobyl của Liên xô năm 1986 thuộc mức số 7 và sự cố Three Mail Island ò Mỹ năm 1979 là xếp ở mức số 5.
“Nếu xảy ra sự cố tương tự như vừa xảy ra ở nhà máy Fukushima, nhà máy điện nguyên tử mà Việt Nam sắp xây sẽ tự động xử lý hiện tượng giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên, không cần tác động của con người cũng như không cần sử dụng nguồn điện bổ sung”, PGS.TS Vương Hữu Tấn.
Lò ở VN sẽ an toàn hơn
Được biết, theo chỉ đạo của Bộ Khoa học&Công nghệ Việt Nam, VAEC đã yêu cầu hai đơn vị của minh tổ chức quan trắc phóng xạ môi trường tại hai trạm quốc gia do hai đơn vị này quản lý. Ngoài cái đó ra, VAEC có được yêu cầu tìm hiểu kỹ sự cố trên không?
Như tôi đã nói trên Tiền Phong, nếu có bất cứ sự bất thường nào, hai đơn vị được giao phải thống báo ngay cho VAEC. Đến chiều nay, vẫn chưa có bất kỳ bất thường nào về phóng xạ tại hai trạm của VAEC đặt ở Đà Lạt và Hà Nội.
Còn về vụ nổ, tất nhiên VAEC cũng được chỉ đạo ngay từ đầu tổ chức nghiên cứu sâu sắc bản chất của sự cố để có thể rủt ra các bài học kinh nghiệm cho mình trong chương trình phát triển điện hạt nhân. Việc này cần có thời gian và nguồn thông tin đẩy đủ.
Liệu có một cơ chế làm nguội lò an toàn hơn không khi chẳng may xảy ra tình huống như ở nhà máy Fukushima như hôm 12-13/3 vừa rồi? Và đột nhiên tôi liên tưởng đến kiểu lò hạt nhân mà Việt Nam sắp xây dựng.
Sơ bộ có thể thấy rằng, thiết kế của toà nhà lò phản ứng của Nhật Bản là tương đối tốt, chịu được động đất lớn đến 9 độ richter và sóng thần.
Song điểm yếu của hệ thống giải nhiệt dư của nhà máy Fukushima là vẫn sử dụng nguyên lý an toàn chủ động (active safety features), tức là hệ thống làm nguội lò phản ứng phải sử dụng nguồn năng lượng điện từ máy phát diezel trong trường hợp khẩn cấp. Những nhà máy này được xây dựng vào những năm 1970 và 1980, cho nên nguyên lý an toàn thụ động chưa được áp dụng.
Đối với Việt Nam, nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định phải sự dụng thế hệ lò phản ứng hiện đại, đảm bảo độ an toàn và kinh tế. Những lò phản ứng thế hệ thứ ba mà chúng ta lựa chọn sẽ có đặc tính án toàn thụ động. Khi đó, nếu xảy ra sự cố tương tự như vừa xảy ra ở nhà máy Fukushima, nhà máy điện nguyên tử mà Việt Nam sắp xây sẽ tự động xử lý hiện tượng giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên, không cần tác động của con người cũng như không cần sử dụng nguồn điện bổ sung.
Cám ơn ông.
Thảm hoạ nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26-4-1986 khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết) bị nổ. Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông và Tây Âu, Scandinav, Anh Quốc, và đông Hoa Kỳ. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus. Một nửa lượng phóng xạ đã rơi xuống bên ngoài lãnh thổ ba nước cộng hoà Xô Viết. Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima. (Theo Wikipedia) |