Ông Lê Văn Ửng, một người tham gia vớt cá xởi lởi: “Cá điêu hồng bị sổng hàng chục tấn, mỗi lần dùng vợt tôi vớt được vài chục con. Còn người nào dùng lưới chài thì thu được cả tấn như chơi”.
Ông Lê Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: “25 bè cá bị nhấn chìm có khoảng 150 tấn cá điêu hồng trong giai đoạn từ 1-3 tháng tuổi, 4 ao cá giống có khoảng 30 tấn. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 10 tỉ đồng”.
Anh Đỗ Thành Đức, chủ các bè cá thẫn thờ: “Tối 29-10, tôi nghe một tiếng đùng thì chạy ra thấy một đoạn đê bao bị sụp xuống sông. Sau đó, 8 bè cá của gia đình tôi với khoảng 80 tấn bị trôi ra sông. Bao nhiêu công sức giờ chẳng còn gì!”.
Người dân vây bắt cá điêu hồng trên sông Tiền
Theo nhiều người dân ở cồn An Bình, nguyên nhân gây sạt lở đê bao là do tình trạng khai thác cát gần bờ.
“UBND tỉnh Vĩnh Long có quy định, phương tiện khai thác cát phải cách cồn 500 m nhưng buổi tối là các phương tiện này tiến sâu vào cách cồn chỉ khoảng 60-70 m”, một người dân cho biết.
Sau khi xảy ra sự cố, các ngành chức năng ở Vĩnh Long đã cho tạm dừng 3 phương tiện khai thác cát và đã làm việc với các tài công để có hướng xử lý.
Sáng ngày 31-10, ông Phan Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã dẫn đầu đoàn công tác đến hiện trường vụ sạt lở. Tại đây xuất hiện nhiều vết nứt mới ăn sâu vô đất liền khoảng 5 m, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở trong thời gian tới.
Ông Vũ nói: “Chúng tôi đã giao cho các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở. Đồng thời, sẽ nắm tình hình khó khăn của bà con để tìm biện pháp tháo gỡ”.