Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Không chỉ được mọi người biết đến là một "ông trùm" về sưu tầm tiền cổ, cụ Nguyễn Bá Đạm (SN 1922, thường được mọi người gọi là cụ giáo Đạm, phố Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) còn nổi danh là người sở hữu rất nhiều đồ cổ bằng gỗ vô cùng quý giá.
Cụ Đạm bắt đầu chơi đồ cổ từ năm 20 tuổi, đến nay, cụ được coi là một "ông vua đồ cổ", là lão làng trong giới chơi đồ cổ Hà Nội. Dù ở cái tuổi ngoài 90, cụ vẫn tinh tường mọi việc, ánh mắt sáng, khuôn mặt rạng ngời vẻ thông tuệ. Thậm chí, từng chi tiết nhỏ về hành trình "săn" được một món hiện vật cổ đều được cụ kể lại tỉ mỉ, rành mạch theo từng giai đoạn.
Cụ Nguyễn Bá Đạm cùng bức bình phong của tổng đốc Hoàng Cao Khải
Tình cờ sở hữu bức bình phong của Hoàng Cao Khải
Trong số những đồ cổ bằng gỗ sưu tầm được, cụ Đạm đặc biệt thích bức bình phong của gia đình Hoàng Cao Khải. Đây là bức bình phong mà cụ có được khá tình cờ. Cụ bảo: "Chơi đồ cổ phần nhiều là do cơ may của mỗi người. Có nhiều người săn tìm hàng mấy chục năm, chờ đợi mãi mà không mua được món đồ yêu thích. Quanh quẩn một hồi, món đồ cổ ấy bỗng dưng lại vào tay mình. Ngoài ra, cũng một phần là do sự kiên trì, nhẫn nại để có được món đồ như mong muốn, người sưu tầm có khi phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tâm trí và tiền bạc để săn tìm".
Vừa chỉ tay về phía bức bình phong cổ, cụ giáo Đạm cho biết, đây chính là bức bình phong của gia đình Hoàng Cao Khải (một quan triều đình dưới thời vua Khải Định). Thời đó, Hoàng Cao Khải giữ chức quận công triều đình, chức này tương đương với chức nhất phẩm triều đình. Năm 1897, Nha Kinh lược Bắc Kỳ bị bãi bỏ, Hoàng Cao Khải được điều về Huế lãnh chức thượng thư bộ Binh và làm phụ chính đại thần cho vua Thành Thái, hàm Thái tử Thái phó, Văn minh điện Đại học sĩ. Ông chính là viên Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng của triều Nguyễn. Hai con trai của ông là Hoàng Mạnh Trí và Hoàng Trọng Phu đều từng giữ chức tổng đốc tỉnh Hà Đông (Hà Nội).
Xưa kia, gia đình Hoàng Cao Khải vốn là một dinh cơ đồ sộ xây kiên cố, xung quanh là hàng rào, bên trong được xây hình lăng mộ giống như triều đình Huế.
Năm 1954, nhà cửa bị lấn dần, gia đình Hoàng Cao Khải phải sơ tán, bình phong của gia đình cũng bị thất lạc từ đó. Vốn dĩ biết cụ Đạm thích sưu tầm đồ cổ, vào khoảng những năm 1980, nhân một dịp tình cờ, người bạn tên Quế của cụ Đạm (lúc đó là giám đốc nhà máy may ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có mách: "Ông chơi đồ cổ như vậy thì có thích đồ gỗ không? Hiện ông Vũ Đình Huỳnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang giữ một bức bình phong cổ rất đẹp".
Trước đó, ông Vũ Đình Huỳnh có đi cắt tóc trên phố Hàng Khay (Hà Nội), tại đây, vô tình ông nhìn thấy một bức bình phong bị mạng nhện chằng chịt tại đây, chỉ cần quệt nhẹ tay cũng làm bong cả lớp bụi dày đặc, đen đúa. Thấy vậy, dù chưa biết đây là bức bình phong cổ, ông Huỳnh vẫn ngỏ lời mua, gia đình chủ hiệu cắt tóc đã đồng ý bán.
Biết được thông tin về đồ cổ, cụ Đạm lập tức tìm đến tận nơi mục sở thị và rất kinh ngạc khi biết rằng đây chính là bức bình phong của gia đình quan Hoàng Cao Khải. Tuy nhiên, phải mất chừng 5 năm sau, sau nhiều hồi thuyết phục, săn đón, cụ giáo Đạm mới mua lại được chiếc bình phong này với giá 280 nghìn đồng. "Lương công nhân ngày đó chỉ được 50.000- 60.000 đồng/tháng, để mua được chiếc bình phong này phải mất gần 5 tháng lương nhưng mua được là may mắn lắm rồi", cụ Đạm tự hào nói.
Được đặt tại vị trí trang trọng trong phòng khách, bức bình phong như là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử cụ thể với những nhân vật tiêu biểu. Bình phong có chiều dài chừng 1,7m, rộng chừng 80 phân, đỉnh hình tròn. Hai bên bình phong được trạm trổ hoa văn với những nét kiến trúc tinh xảo, cầu kỳ. Đây là loại bình phong một tấm, làm bằng gỗ kiểu cuốn thư, được làm chắc chắn, có chân cố định, khi di chuyển phải di chuyển nguyên tấm.
Trải qua thời gian, bức bình phong từ màu gụ càng trở nên tối hơn, Tuy nhiên, bình phong không hề bị mối mọt hay nứt toác. Trong không gian tĩnh mịch lúc nhập nhoạng tối của căn nhà, tiếng kể trầm đều của cụ Đạm cùng với vẻ trầm bí, mê hoặc của bức bình phong dường như làm tăng thêm vẻ ma mị, thần bí của thuật phong thủy về cách bài trí bình phong.
Theo cụ Nguyễn Bá Đạm, do ảnh hưởng sâu sắc của văn minh Trung Hoa và học thuyết phong thủy, chiếc bình phong đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong ngôi nhà của các viên quan xưa. Bình phong có tác dụng ngăn cản bớt hỏa khí xâm nhập trực diện từ phía trước gây hại cho gia chủ. Cụ Đạm đặc biệt trân trọng bức bình phong này, hễ có khách tới nhà, cụ đều dành nhiều thời gian nói về món đồ cổ độc nhất này.
Cận cảnh bức bình phong cổ
Săn được đồ cổ cũng là cái duyên
Cụ Đạm cho biết: Săn được đồ cổ cũng là cái duyên của người sưu tầm. Mỗi một hiện vật cổ trong gia đình cụ đều có những cái duyên riêng. Trong quá trình sưu tầm đồ cổ, có rất nhiều hiện vật không thể mua được khi chủ nhân còn sống vì họ không đồng ý bán. Chỉ đến khi chủ nhân qua đời, chờ hết tang thì gia đình mới đồng ý chuyển nhượng. Những người đam mê với đồ cổ và sưu tầm như cụ Đạm luôn kiên trì theo một hiện vật cổ có giá trị dù phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục.
"Tôi nhớ gia đình ông Trần Anh (Phùng Hưng, Hà Nội) có giữ được một chiếc bàn từ thời triều đình Huế rất quý giá. Tiếc rằng gia đình nhất định không bán mà đem vào Huế hiến tặng", cụ Đạm bày tỏ sự tiếc nuối.
Hiện riêng bộ sưu tập đồ gỗ của cụ Đạm có chừng 7 hiện vật quý giá, tuy nhiên, khách đến thăm cụ chỉ có may mắn chiêm ngưỡng bức bình phong, còn lại hương án thờ, bàn cổ thì rất ít người được mục sở thị. Quý nhất trong số đó phải kể tới bộ hương án thờ của Nghiêm Xuân Quảng, từng giữ chức quan Tuần phủ Lạng Sơn.
Thời đó, cụ Đạm có quen biết với cụ Nghiêm Xuân Mễ (con trai của quan tuần phủ Nghiêm Xuân Quảng). Dù cụ Mễ hơn cụ Đạm chục tuổi nhưng hai người vẫn khá thân thiết. Khi tới nhà cụ Mễ, thấy bức hương án cổ và quá đẹp nhưng lại không được gia chủ chú ý về niên đại cũng như giá trị, cụ Đạm đã bông đùa hỏi mua. "Lúc ấy, tôi chỉ hỏi cho có vì tôi nghĩ rằng hương án của người cha vô cùng quý giá thì cụ Mễ đời nào chịu bán. Nào ngờ, vừa dứt lời thì cụ Mễ đồng ý bán lại cho tôi, giá cũng không quá đắt, chỉ chừng vài trăm ngàn đồng", cụ Nguyễn Bá Đạm cho biết.