Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mỹ “dung túng” cho Zing.vn?

(19:12:48 PM 30/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Sau khi đăng tải thông tin hai công ty Coca-Cola và Samsung rút quảng cáo khỏi Zing.vn vì biết trang mạng này cho phép tải "lậu" các bài hát Việt và phương Tây, ngày 30-10, AP tiếp tục đăng tin với nội dung nghi ngờ Đại sứ quán Mỹ “bắt tay” với trang web này.

 

Theo bài báo trên AP, lâu nay, Zing.vn vẫn là một trang web tải nhạc và xem phim không có bản quyền. Chính điều này đã góp phần “bóp nghẹt” thị trường âm nhạc châu Á và gây thiệt hại cho doanh số bán hàng trực tuyến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một sự thật đáng kinh ngạc đã được AP tiết lộ: Chính phủ Mỹ cũng có một tài khoản trong trang mạng Zingme.
                



Các thí sinh Vietnam Idol mặc áo có dòng chữ "nghe có ý thức", cổ vũ nghe nhạc có bản quyền. Ảnh: Tr.Thắng
                                                    
Washington là một trong những nước ủng hộ mạnh quyền sở hữu trí tuệ và một trang web như Zing đáng lẽ phải bị ngăn chặn ở Mỹ. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ đã sử dụng tài khoản “Zingme” của mình để tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với giới trẻ ở Việt Nam.
                                                                
Sự hiện diện của Đại sứ quán Mỹ ở trang Zing cho thấy các trang mạng “đạo nhạc” đã trở nên đại trà thế nào tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải Washington đang hợp pháp hóa cho một trang web đang khiến rất nhiều ca sĩ, hãng đĩa và các tập đoàn bức xúc với những bản nhạc, phim vi phạm bản quyền?
                 
Đại sứ quán Mỹ cho biết trên AP rằng họ nhận thức được những lo ngại vi phạm bản quyền từ phía Zing.vn nhưng cho rằng có thể liên hệ với những người quản lý trang web để giảm lượng truy cập, cũng như hạn chế các hoạt động vi phạm bản quyền. Đôi khi, họ đã dùng tài khoản Zingme của mình để đăng bài cảnh báo về vi phạm bản quyền. Đại sứ quán Mỹ còn cho biết Zing.vn đã gỡ bỏ các phim – nhạc vi phạm bản quyền theo yêu cầu của họ.
                                      
Mimi Nguyễn, một người Mỹ đang nỗ lực yêu cầu Zing.vn gỡ 10.000 bài hát mà gia đình cô đang sở hữu, bày tỏ: “Giờ đây, trong khi các công ty Mỹ đang nỗ lực đàm phán đâu ra đó với một trong những “kẻ trộm” lớn nhất ở Việt Nam thì Đại sứ quán Mỹ lại bày tỏ sự ủng hộ bằng cách đứng về phía họ. Thật buồn khi biết rằng Đại sứ quán Mỹ cũng sử dụng trang mạng này”.
           
Zingme khá giống với Facebook, trang mạng xã hội của Mỹ mà theo một nghiên cứu gần đây đã vượt mặt Zingme về số lượng truy cập ở Việt Nam. Zingme không bao giờ bị chặn và đã dần trở nên phổ biến hơn đối với những người Việt trẻ tuổi và có trình độ học vấn không cao. Hiện Đại sứ quán Mỹ có đến 18.000 “bạn” trên Zingme, trong khi trên Facebook chỉ có 12.000.
 
Nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung, người dẫn đầu cuộc vận động “Nghe có ý thức”, bày tỏ quan điểm trên AP: “Zing đang hủy hoại nền công nghiệp âm nhạc và họ biết rõ điều đó. Chúng ta cần mọi người trả tiền cho âm nhạc chứ không phải cứ nhắp chuột vào rồi tải về. Đây là vấn đề bây giờ hoặc không bao giờ nữa”.
 
Hiện tại, Zing.vn vẫn chưa cho gỡ các nội dung vi phạm bản quyền xuống vì lo sợ người dùng sẽ truy cập sang trang web của các đối thủ cạnh tranh. Một số trang web khác cho phép tải không giới hạn các bộ phim của Hollywood với mức phí thấp, khoảng 2 USD/tháng, thu hút được rất nhiều khán giả và đang hướng đến việc trở thành những nhà cung cấp hợp pháp.
 
Trong buổi tọa đàm “Nhạc số Việt Nam – thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Công ty MVCorp tổ chức ngày 15-8, tại TPHCM, một số website cung cấp nhạc lớn hiện nay: Zing.vn, Nhaccuatui.com, Nhac.vui.vn, Socbay.com, nghenhac.info thỏa thuận từ ngày 1-11 đồng loạt thực hiện thu phí dịch vụ tải nhạc trực tuyến. Mức phí khoảng 1.000 đồng/lần tải nhạc hoặc thu theo thuê bao hằng tháng (việc nghe nhạc trực tuyến vẫn hoàn toàn miễn phí).

Thời gian dài qua, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên mạng và di động gây nhiều tranh cãi. Ông Trần Chiến Thắng - Chủ tịch hiệp hội ghi âm Việt Nam lúc đó cho biết: “Ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên mạng và di động. Sản lượng băng đĩa của Hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới, vì sẽ nắm chắc phần thua lỗ”.

Theo thống kê do công ty MVCorp thực hiện dựa trên nhiều nguồn, Việt Nam có hơn 150 trang web kinh doanh nhạc số vi phạm bản quyền, hầu hết trong số các trang web đó đều không được cấp phép trong việc cho người dùng tải về các sản phẩm âm nhạc. 
 
Việt Nam có đến ¼ dân số (hơn 20 triệu người) thường xuyên truy cập vào các trang web trực tuyến tải và nghe nhạc. Tuy nhiên, chỉ có 5% trong số đó đồng ý trả tiền, 85% không trả tiền và số còn lại đang phân vân giữa trả tiền hay không.
 
 
K.Khánh/NLĐ (theo AP)