Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khai thác bauxite ở Tây Nguyên nói chung và Đăk Nông nói riêng sẽ như trái bom bùn treo lơ lửng, đe doạ các tỉnh vùng cực Nam Trung bộ.
Là khu vực có trữ lượng bauxite khổng lồ, Đăk Nông có thể nhanh chóng trở thành tỉnh giàu có, tuy nhiên, khi khai thác, tỉnh có thể phải đối mặt với quả bom bùn, nhấn chìm cả khu vực rộng lớn.
Một hồ chứa bùn đỏ ở Ấn Độ từ khai thác bauxite (ảnh: redmud.org) |
Lưu vực Sông Đồng Nai có thể bị ngập trong bùn đỏ nếu…
Vietnamnet dẫn lời TS Nguyễn Thành Sơn nói ở Việt Nam, nếu chế biến bauxite thành alumina trên Tây Nguyên sẽ bắt buộc phải tạo ra các hồ chứa bùn đỏ thường xuyên đe dọa tình hình an ninh trên địa bàn (các hồ “red mud” có thể bị biến thành bom bẩn “mud bomb”). Lượng bom bẩn tạo ra trên Tây Nguyên sẽ lớn gấp ba lần lượng alumina thu được từ Tây Nguyên để xuất khẩu. Ngoài ra, còn phải thường xuyên tồn chứa một lượng lớn hoá chất độc hại (để chế biến bauxite) trong các kho trên Tây Nguyên.
Bùn đỏ (red mud) gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, không biến chất và tồn tại mãi mãi như Hematit (Fe2O3), Natri silico aluminate, Canxi titanat, Monohydrate nhôm (Al2O3.H2O), Trihydrate nhôm (Al2O3.3H2O)…
Theo ước tính để được một tấn alumin thành phẩm, sẽ có ba tấn bùn đỏ thải ra môi trường. Như vậy, cứ mỗi năm trong giai đoạn 2007 - 2015 (thực hiện theo quy hoạch khai thác 6,6 triệu tấn), lượng bùn thải ra môi trường đạt 20 triệu tấn.
“Trên đất có quặng bauxite không thể trồng cây” Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông (ảnh) cho biết: “Đúng là khi triển khai có thu hồi đất và di dời dân nhưng phương án của TKV là sẽ làm cuốn chiếu, làm xong nơi này mới chuyển sang nơi khác nên không phải di dân đồng loạt. Riêng về môi trường họ cũng đã có tính đến các giải pháp công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm”. * TS Nguyễn Thành Sơn phản bác gần như hoàn toàn các dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên. Ông thấy ý kiến này như thế nào? - Đã là hội thảo phải có phản biện, trong đó có những ý kiến đúng cần phải nghiên cứu. Nhưng không phải vì thế mà anh cứ cực đoan lên, cứ vì môi trường, vì chuyện này chuyện khác mà không làm. Vấn đề chính là lợi ích lâu dài, toàn cục. Đăk Nông nếu không khai thác dưới tầng đất không thể tận dụng một cái gì nữa. Nếu cứ để 1.000 năm nữa trên đó cũng không thể mọc thành rừng, không thể trồng gì khác. Mà như thế là lãng phí tài nguyên của đất nước. Tôi không nghĩ là sai lầm, vì khai thác khoáng sản để phát triển kinh tế là việc nên làm. Với việc khai thác bauxite mỗi năm ngân sách có thêm khoảng 1.500 tỉ đồng. * Nhưng ông Sơn khẳng định lợi ích kinh tế của khai thác bauxite không thể sánh bằng việc phát triển các cây công nghiệp chủ lực như cao su, cà phê hiện nay? - Tôi xin nói trên đất có quặng bauxite không thể trồng được gì vì bản thân dưới đó là tầng quặng dày 10m mà không loại cây gì có thể sống được. Trên đó nếu trồng được dân đã trồng hết rồi.
Khi xảy ra tình huống xấu nhất là vỡ đập hay lũ hớn, hàng chục triệu tấn bùn đỏ sẽ tràn ra khỏi nơi chứa, đổ xuống hạ lưu lấp toàn bộ ruộng vườn, nhà cửa. Nếu vỡ đập, lưu vực Sông Đồng Nai nhiều khả năng cũng bị ngập trong bùn.
Báo Đất Việt dẫn lời giáo sư, tiến sĩ Hồ Sỹ Giao (Hội Khoa học Mỏ Việt Nam) đưa ra một số nguy cơ lớn khi khai thác bauxite như phát tán các chất độc hại ra môi trường khu vực và vùng lân cận (bao gồm các hóa chất sử dụng, quặng đuôi sau tuyển, bùn đỏ và bùn oxalat); biến đổi thời tiết, khí hậu vùng do thu hẹp diện tích rừng đầu nguồn, dẫn đến gia tăng lũ lớn vào mùa mưa, hạn hán kéo dài vào mùa khô...
TS Nguyễn Thành Sơn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than&Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng lo ngại việc bố trí bãi chứa bùn đỏ ở một thung lũng không thể nào ngăn được nước mưa tràn vào.
“Bùn đỏ không như xăng dầu chảy đi mà có thể hốt lại được, chỉ cần thoát ra ngoài kim loại nặng thấm vào nước ngầm hoặc theo sông đổ về hạ lưu là vô phương cứu chữa” - ông Sơn cảnh báo.
Bùn đỏ là dạng chất thải không thể hoà tan, không biến chất, và tồn tại mãi mãi. TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định chưa có nước công nghiệp phát triển nào (kể cả Mỹ) xử lý được bùn đỏ một cách hiệu quả.
Lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường
Tại hội thảo khoa học tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác và chế biến quặng bauxite, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ diễn ra hai ngày 22 và 23/10, ông Đặng Đức Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, đánh giá, nền kinh tế Đác Nông có điểm xuất phát thấp và mang nặng tính thuần nông, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Báo Nhân Dân dẫn lời ông Đặng Đức Yến nói, việc phát huy các tài nguyên tiềm năng hiện có, đặc biệt là triển khai dự án khai thác bauxite, luyện alumin, sẽ tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo chiều hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo ông Trần Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than&Khoáng sản Việt Nam, đây là nguồn lực chính để phát triển kinh tế xã hội trung và dài hạn, sẽ làm thay đổi Đăk Nông từ một tỉnh nghèo thành một tỉnh công nghiệp hiện đại và giàu có trong tương lai.
Một số vấn đề tiêu cực nảy sinh khi khai thác bauxite tại Đăk Nông được ông Yến nêu ra tại hội thảo.
Thứ nhất, khi khai thác bauxite sẽ phải chuyển đổi có thời hạn một số vùng sản xuất của người dân, chặt hạ diện tích một số rừng, tạo ra ảnh hưởng đối với một số bộ phận dân cư, tình hình kinh tế xã hội vùng dự án sẽ có nhiều thay đổi.
Thứ hai, việc bào mòn, rữa trôi trên mặt đất và tình trạng giảm mực nước ngầm có thể xảy ra. Sau quá trình khai thác, đất bề mặt có nhiều thay đổi về tính chất, độ cao..., phải tái tạo lại hoàn toàn cây trồng, công trình dân sinh trên mặt đất.
Thứ ba, trong quá trình khai thác, sản xuất sẽ đưa ra môi trường một số loại chất thải có nguy cơ ô nhiễm cao, ảnh hưởng rất lớn đế môi trường sinh thái. Đặc biệt, khi thực hiện khai khoáng sẽ phải di dời, tái định cư cho dân sống trong vùng mỏ, sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến văn hóa, quan hệ xã hội và kinh tế của dân địa phương.
Bài toán môi trường chưa có lời giải
Báo Tiền Phong dẫn theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án đã triển khai do chính đơn vị trực thuộc TKV thực hiện chỉ trình bày đơn giản những giải pháp bảo vệ môi trường trong chu vi xây dựng nhà máy. Còn những bài toán nan giải nhất trên toàn khai trường rộng hàng vạn cây số vuông tới nay chưa có lời đáp.
Tập đoàn TKV, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư với nhiều lượt trình bày, thuyết minh vẫn chưa đưa ra được giải pháp thuyết phục trước những chất vấn: Tổng cộng bao nhiêu diện tích đất sẽ bị cày xới?
Bao nhiêu tài nguyên rừng sẽ bị xâm hại? Bao nhiêu hộ dân phải di dời và tái định cư? Khả năng hoàn thổ, trồng lại rừng, phủ xanh lại thảm thực vật đa tầng đa dạng, trả lại cân bằng sinh thái trên địa hình cao nguyên rất dễ bị xói mòn, cuốn trôi qua mỗi mùa mưa này đến đâu?
Xử lý cách gì với hàng chục triệu tấn bùn đỏ gấp nhiều lần dung tích các hồ chứa sẽ thải ra môi trường hàng năm?
Tuyển luyện alumin tiêu tốn rất nhiều nước, lấy nước từ đâu để không làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu nước xảy ra thường xuyên trên Tây Nguyên vào mùa khô hàng năm?
Làm thế nào để các hóa chất độc hại không làm ô nhiễm nguồn nước ngầm Tây Nguyên và nước lưu vực các sông Đồng Nai, Sêrêpôk từ trên mái nhà của đồng bằng Nam Trung bộ?
Bauxite là một trong những khoáng sản kim loại phổ biến trên bề mặt trái đất và là một trong những tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn ở Việt Nam. Trữ lượng bauxite ở Việt Nam vào khoảng 2,4 tỷ tấn (quặng tinh), trong đó 91,4 phần trăm trữ lượng bauxite nói trên đang nằm dưới lớp đất đỏ bazan của Tây Nguyên. Riêng tỉnh Đăk Nông có trữ lượng khoảng 1,4 tỷ tấn. Theo quy hoạch đến năm 2015, các mỏ bauxite Tây Nguyên phải đảm bảo sản lượng khoảng 54 - 75 triệu tấn quặng nguyên khai nhằm thu hồi 21,5 đến 30 triệu tấn quặng tinh cung cấp cho các nhà máy để sản xuất 7,2 - 8,3 triệu tấn alumin. Để có sản lượng như vậy, diện tích đất rừng bị chiếm dụng để phục vụ khai thác ở thời điểm 2015 lên tới khoảng 1.600 ha một năm. Trong năm 2008 có hai dự án khai thác bauxite và sản xuất Alumin tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm được phép triển khai tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông). Những dự án liên quan đang tiếp tục nghiên cứu và xúc tiến có dự án mỏ 1/5, mỏ Quảng Sơn (Đăk Nông), bauxite Bình Phước, Măng Đen (Kon Tum), dự án xây dựng tuyến đường sắt, dự án Cảng biển tại mũi Kê Gà (Bình Thuận) v.v… |
Mai Anh (tổng hợp)