Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chưa có không gian trưng bày
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang “ăn nhờ ở đậu” trong khuôn viên viện Khoa học và công nghệ Việt Nam.
|
Sau sáu năm kể từ khi được thành lập, cán bộ công nhân viên bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bao phen mừng hụt vì chuyện cấp đất xây bảo tàng. Bốn lần Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ định địa điểm cho bảo tàng, bốn lần các chuyên gia gật đầu nhưng cả bốn lần vẫn… chưa có đất. “Một bảo tàng được xây ra thì phải có người tới xem và nghiên cứu. Muốn vậy, bảo tàng phải gần dân, nghĩa là gần trung tâm. Nếu chúng tôi cách xa trung tâm Hà Nội 20km trở lên thì ai sẽ đến bảo tàng?”, PGS.TS Phạm Văn Lực, giám đốc bảo tàng nói.
Theo ông Lực, một yếu tố nữa là ít nhất phải có 10ha diện tích mới có thể “tải” hết bức tranh thiên nhiên Việt Nam. Không có đất, chưa có không gian trưng bày, vì thế tất cả các đơn vị của bảo tàng vẫn làm việc trong tinh thần… chuẩn bị. PGS.TS Đinh Thị Phòng, trưởng phòng phân loại học thực nghiệm và đa dạng nguồn gen chia sẻ: “Chúng tôi có đủ khả năng thực hiện các công việc theo đúng quy trình chuẩn quốc tế về phân loại cũng như các công việc cần thiết như xây dựng ngân hàng mô, kiểm định… Nhưng hiện nay chúng tôi chỉ mới làm một phần nhỏ cá thể sinh vật mà anh em cho rằng cần khẩn trương làm vì hiếm và quý”. Chuyên viên Trần Văn Sáng nói thêm: “Đã là bảo tàng thì phải có không gian trưng bày. Mẫu vật làm ra là để đặt vào không gian trưng bày chứ không phải cất trong kho”.
Bao giờ mới được ra riêng?
Đến thăm các chuyên gia ở bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, sẽ cảm nhận được không khí chờ đợi của những người làm khoa học. Ai cũng chờ, và chờ mà chẳng biết tới lúc nào, nên ai cũng sốt ruột. Chuyên gia sinh học phân tử Đinh Thị Phòng bức xúc: “Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về bảo tàng này. Nó không phải một công trình ra đời cho oai hay để khoe rằng nước tôi có một thiên nhiên đa dạng và phong phú như thế. Mà quan trọng hơn, bảo tàng tự nhiên là nơi để kết nối các đơn vị nghiên cứu, các nhà nghiên cứu khắp nơi cùng bảo tồn những giá trị tự nhiên của quốc gia cũng như góp phần tích cực cho cân bằng tự nhiên thông qua chức năng giáo dục và nghiên cứu. Chúng ta đang hẫng quá nhiều về vấn đề này. Mà càng chậm nhận thức và hành động ngày nào, cái sự hẫng đó càng lớn. Đó là hẫng về hiểu biết tự nhiên của chính đất nước mình, hẫng về hành vi ứng xử với tự nhiên và nguy hại hơn là hẫng về mẫu vật – chúng ta phá quá nhiều rồi, chậm nữa thì tìm lại sao được”.
Mặc dù có chuyên môn tốt, các chuyên gia bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vẫn phải làm việc trong điều kiện khá thiếu thốn. Trong ảnh là chuyên gia đang nghiên cứu thực vật trong phòng thí nghiệm bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
|
Tin vui đúng dịp chúng tôi đến bảo tàng là viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đã cho phép bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam xây dựng một khu vực trưng bày trên diện tích 300m2 nằm trong viện. PGS.TS Phạm Văn Lực cho biết: “Đây sẽ là một môđun trưng bày của bảo tàng sau này. Chúng tôi đã mời chuyên gia Nhật Bản thiết kế và bắt đầu triển khai thi công. Đây là phòng triển lãm đầu tiên của bảo tàng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế với chỉ một chủ đề là Tiến hoá của sinh giới. Bên cạnh đó sẽ có phòng chiếu phim 3D. Dự kiến cuối năm 2013 mở cửa”. Một dự án thu thập mẫu vật quốc gia với kinh phí hàng trăm tỉ đồng cũng đã được phê duyệt và sẽ khởi động vào năm 2013. “Song song với phân loại, chế tác và xây dựng các bộ sưu tập từ nguồn mẫu bảo tàng đang có, dự án lớn này sẽ thúc đẩy công việc thu thập mẫu vật trước khi rất nhiều mẫu vật không còn tồn tại. Kết hợp với phòng trưng bày Tiến hoá xây xong, chúng tôi sẽ đưa các mẫu vật phù hợp vào trưng bày luôn”, PGS Lực nói.
Theo các chuyên gia của bảo tàng, phòng trưng bày này có thể xem như lời xin lỗi của các nhà khoa học về việc chưa có được một nơi trưng bày cho công chúng. Nhưng họ cũng hy vọng đây sẽ là “cú hích” để những người có trách nhiệm thúc đẩy việc cấp đất và xây dựng bảo tàng. Theo tính toán của các chuyên gia, từ khi có đất xây dựng cho tới khi mở cửa chính thức sẽ mất khoảng… 30 năm!
Xin được kết thúc loạt bài này bằng lời chia sẻ của giáo sư Robert J. Koestler, giám đốc viện Bảo tồn bảo tàng Smithsonian (Mỹ): “Bảo tàng là một thiết chế khoa học và giáo dục. Lợi ích kinh tế không phải mục đích của nó. Nhưng sự ra đời của nó đem lại cho xã hội những lợi ích dài lâu. Bởi nó chính là cái phanh hãm cần thiết để một quốc gia phát triển được bền vững”.