Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Theo tôi không nên hoãn việc tăng lương

(11:12:45 AM 30/10/2012)
(Tin Môi Trường) - “Nếu người ta không đi làm vì lương, mà vì chức quyền (để hưởng lợi từ chức quyền), thì chống tham nhũng sẽ rất khó..”- TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.

 

 

Chống tham nhũng được khi người ta làm vì lương



PV: - Chính phủ đã báo cáo ra UBTVQH năm 2013 chưa thể cân đối đủ nguồn để bố trí 60.000 tỷ đồng tăng lương tối thiểu lên 1,3 triệu đồng từ tháng  5 năm sau, do khả năng cân đối ngân sách khó khăn. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?



TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Không có tiền thì đành phải chịu thôi! Tuy nhiên, nếu tăng được lương thì rất tốt. Thứ nhất, kinh tế đang khó khăn vì hàng tồn kho lớn. Tăng lương cũng là một cách để khích cầu.

 

 

TS Nguyễn Sĩ Dũng


Thứ hai, chúng ta  chỉ có thể chống tham nhũng hiệu quả được nếu như đội ngũ công chức làm việc vì lương, tự hào vì được nhận lương xứng đáng. Nếu người ta không đi làm vì lương, mà vì chức quyền (để hưởng lợi từ chức quyền), thì chống tham nhũng sẽ rất khó.

 

Thứ ba, rõ ràng những người làm công, ăn lương đang cung cấp nhiều dịch vụ hết sức cần thiết cho xã hội... Thử tưởng tượng, nếu tín hiệu đèn giao thông hỏng, mà không có cảnh sát giao thông đứng ở đó, thì tắc đường sẽ nan giải biết bao?

 

Trong nền kinh tế thị trường, bạn trả cho cái bạn mua. Bạn trả giá rẻ, thì bạn mua cái kém chất lượng. Bạn trả đúng giá thì bạn nhận đúng chất lượng. Đó là quy luật khách quan. Vì vậy, chất lượng các dịch vụ công, chất lượng công việc của các quan chức sẽ rất thấp, nếu lương trả cho họ không đủ sống.

 

PV: - Nhưng tiền lấy ở đâu để chi trả cho bộ máy công chức khổng lồ như hiện nay, thưa ông?

 

TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Có vẻ như tiền lấy ở đâu ra là một câu hỏi muôn thủa và là một câu hỏi không dễ trả lời. Nếu không có nguồn thu thì chỉ còn cách điều chỉnh các khoản chi thôi.

 

Có lẽ, nên xem chúng ta có thể tiết kiệm chi thường xuyên được không hay cắt giảm những khoản chi cho hội họp, lễ lạt, các chuyến đi công tác nước ngoài?  

 

Những khoản chi cho các công trình nghiên cứu “nghệ thuật giết rồng” hay nghiên cứu chứng minh “Trái đất tròn” cũng có thể cắt giảm.

 

Không lạm thu sẽ có nguồn thu nhiều



PV: - Theo ông, sự việc này tác động ra sao đến giá cả thị trường?



TS Nguyễn Sĩ Dũng:  - Tăng lương thì tăng khả năng chi. Nghĩa là cầu tăng, cầu tăng thì giá tăng. Đó quy luật của kinh tế thị trường. 

 

Thế nhưng, trong trường hợp tồn kho đang lớn như hiện nay, đây không phải là vấn đề lớn. Có thể có những hàng hóa, dịch vụ sẽ bị nâng giá theo kiểu “tát nước theo mưa”, nhưng cuối cùng thì làm điều này là rất rủi ro trong một thị trường cạnh tranh.

 

Anh nâng giá, mà người khác không nâng giá là anh chết. Thực ra, không có độc quyền, nâng giá không phải bao giờ cũng dễ.

 

PV: - Trên thực tế, giá không chờ lương tăng và người tiêu dùng bắt buộc phải thắt lưng buộc bụng, sao chúng ta không vận động người dân thắt lưng buộc bụng, thưa ông?


TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Làm kinh tế là chuyện rất khó. Thắt lưng buộc bụng là cần thiết trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng thắt lưng, buộc bụng lại làm cho kinh tế không có động lực để phát triển vì cầu giảm.

 

Thực chất, anh tiết kiệm để sau đó đầu tư thì kinh tế mới phát triển được. Ngược lại, anh tiết kiệm theo kiểu chôn vàng xuống đất, thì kinh tế không thể phát triển được. 



PV: - Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, mặc dù cố gắng, nhưng thu ngân sách năm 2012 có khó khăn. Thưa ông, năm 2012 khó khăn, liệu có đảm bảo rằng năm 2013, năm 2014 chúng ta hết khó khăn? Và việc Bộ trưởng Bộ Tài chính lặp lại tuyên bố "không có tiền" trong một vài năm tới là hoàn toàn có  thể? Có ý kiến cho rằng Chính phủ tiết kiệm đầu tư, chi tiêu cũng đủ để tăng lương, ông nghĩ sao?



TS Nguyễn Sĩ Dũng: -  Rõ ràng làm gì cũng phải tính đến nguồn thu của ngân sách. Tăng lương cũng vậy. Tuy nhiên, phân bổ ngân sách trước hết là chuyện xác lập các ưu tiên. Nếu lương cần được ưu tiên hơn, thì buộc lòng chúng ta phải cắt giảm các khoản chi khác để chuyển sang cho việc chi lương.

 

Thông thường, việc này (việc xác lập các ưu tiên) mang tính chính trị rất cao. Ưu tiên của người này chưa chắc đã là ưu tiên của người khác. Vấn đề là chúng ta phải tranh luận và quyết định theo đa số.



PV: - Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, có nghệ sĩ đã chia sẻ: "Lương thấp, chi phí đủ đường nhưng tôi sợ “các ông ấy” tăng lương lắm, bởi lương tăng 1 thì vật giá tăng 3. Tăng lương là ban phát bằng biện pháp hành chính nhưng bên ngoài, cái ban phát thực tế lại bằng quyền lực của đồng tiền, nên tôi sợ  tăng lương lắm, chẳng thà đừng tăng…" - Ông nghĩ gì về điều này?



TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Tôi nghĩ, như vậy là hơi cực đoan. Thực ra, thì nhờ tăng lương mà mức sống của công chức, viên chức đã được tăng lên rất đáng kể so với trước đây rồi chứ.



Nên cắt bỏ những thứ ăn theo lương ngân sách



PV: - Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần chịu đau một lần để cắt giảm thực bộ máy hành chính đang quá cồng kềnh, trên cơ sở đó, tăng lương cho công chức, thanh lọc bộ máy hành chính một lần nữa (vừa cắt giảm, vừa thay thế) trong khi không chỉ duy trì mà còn tiến hành nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Ông có đồng tình với cách khắc phục này không? Và vì sao vậy?



TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Bây giờ muốn để cắt giảm bộ máy thì phải làm rõ Nhà nước làm gì và không nên làm gì. Nếu xác định rõ được cái gì Nhà nước làm, cái gì xã hội làm thì mình thiết kế bộ máy mới chuẩn.

 

Tôi nghĩ có rất nhiều thứ xã hội phải chi, chứ không phải Nhà nước phải chi. Ví dụ, những tổ chức thuộc xã hội dân sự như các hội, các hiệp hội… là xã hội phải chi.

 

- Xin cảm ơn TS! 

(Nguồn: Phụ nữ Today)