Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khai thác bauxite ở Tây Nguyên - Lúng túng chế ngự bom bùn

(00:08:26 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Khi hàng loạt dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên bắt đầu triển khai vẫn chưa có giải pháp chế ngự ô nhiễm môi trường nào được đưa ra.

Khi hàng loạt dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên bắt đầu triển khai vẫn chưa có giải pháp chế ngự ô nhiễm môi trường nào được đưa ra.

 

>> Khai thác bauxite ở Đăk Nông - Bom bùn khổng lồ treo trên đầu

 

Bom bùn trực chờ phát hỏa

 

Theo nhóm khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, các dự án khai thác đều cần đến những diện tích đất lớn làm bãi thải bùn. Kết quả tính toán cho thấy, để chế biến được một tấn alumin từ bauxite, các nhà máy phải thải ra môi trường ba tấn bùn đỏ.  

Mặt bằng và hồ chứa bùn đỏ của Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) đang được TKV gấp rút triển khai. Ảnh: Thanh Tùng.

Kết quả khảo sát của nhóm các nhà khoa học của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho thấy, toàn tỉnh Đăk Nông có 13 mỏ bauxite với tổng trữ lượng quặng nguyên khai khoảng 3,4 tỷ tấn, trải đều ở các huyện nằm ở thượng nguồn hai hệ thống sông lớn là Srepok (gồm các nhánh Krông Bông, Krông Păk, Krông Ana, Krông Nô - đổ vào dòng chính sông Mekong) và Đồng Nai (gồm các nhánh chính là Đăk Huýt, Đăk Glun, Đăk Rtit, Đăk Nông - đổ vào sông Đồng Nai).

 

Phần diện tích sông Srepok trên địa bàn Đăk Nông là 3.583km2 (chiếm 50 phần trăm diện tích tỉnh), sông Đồng Nai là 2.934,4km2 (chiếm 45 phần trăm diện tích tỉnh). Thượng nguồn của cả hai hệ thống sông này đều có địa hình thuận lợi, tạo thành các hồ chứa bùn.

 

Như vậy, cứ mỗi năm trong giai đoạn 2007 - 2015 (thực hiện theo quy hoạch), các dự án ở Tây Nguyên sẽ sản xuất 6,6 triệu tấn alumin và lượng bùn đỏ là 20 triệu tấn.

 

Các hồ chứa quá mong manh trước biến cố thiên tai như lụt, lũ quét… sẽ là nguyên nhân dẫn đến thảm họa môi trường trong tương lai!

 

Nguy cơ nổ tung của quả bom bùn nặng 20 triệu tấn san phẳng một vùng đồng bằng rộng lớn lúc nào cũng sẵn sàng. Thảm họa sẽ khủng khiếp hơn hơn khi hạ lưu sông Đồng Nai và các dòng chảy đổ vào sông Mekong bị bùn đỏ vùi lấp

 

Lúng túng chế ngự bom bùn

 

Một trong những dự án khai thác bauxite đầu tiên được triển khai ở tỉnh Đăk Nông là Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Tại công trường thi công, ông Nguyễn Phú Dương, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than&Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết diện tích hồ chứa bùn đỏ là 200ha, gấp ba lần diện tích mặt bằng nhà máy.

 

Hồ chứa bùn chỉ có một cửa để tránh bị vỡ do biến cố thiên tai. Ông Dương nêu ra các yếu tố an toàn khác như toàn bộ diện tích 200ha đáy hồ được nện đất sét và lót bạt chống thấm… Tuy nhiên, những giải pháp này bị giới khoa học phản bác quyết liệt.

 

Thật trớ trêu, ý kiến gay gắt nhất lại đến từ TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc CTNLSH của TKV: “Chỉ riêng dự án của Công ty Cổ phần Nhân Cơ, phần đuôi quặng nước thải và bùn đỏ có khối lượng hơn 11 triệu tấn/năm. Dung tích hồ thải bùn đỏ 15 năm là 8.754.780m3. Tổng lượng bùn thải vào hồ là 1.733 tấn/ngày. Lượng nước thải phải bơm đi từ hồ là 5.959.212m3/năm. Với quy mô như vậy, nguy cơ vỡ đập và hậu quả của nó là không thể lường hết được.

 

Một dự án khác ở Tân Rai (Lâm Đồng) có khối lượng bùn đỏ thải ra môi trường là 826.944m3/năm. Khối lượng quặng bauxite khai thác của dự án này lên đến 2,23 triệu m3/năm dẫn đến nguy cơ tổng lượng bùn đỏ phải tích tụ thường xuyên trên cao nguyên Lâm Đồng là 80 - 90 triệu m3 (trong khi tổng dung tích hồ chứa của dự án chỉ là 20,25 triệu m3)…”.

 

Đưa ra các số liệu như thế nhưng TS Nguyễn Thành Sơn và phần lớn các nhà khoa học tên tuổi đã thật sự lúng túng trong việc đưa ra giải pháp hữu hiệu chế ngự bom bùn… Ông Sơn dẫn chứng một số quốc gia như như Pháp, Áo phải xử lý vấn đề bùn đỏ bằng cách rẻ tiền là đổ ra khu vực gần biển…

 

Sự lúng túng của các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có cơ sở khi chính họ đang rất hoài nghi về thiện chí cùng khả năng tài chính của TKV.

 

Chi phí cho việc chôn cất vĩnh viễn bùn đỏ bằng công nghệ tiên tiến lên đến hàng trăm triệu USD trong khi đó, báo cáo và cam kết của chủ đầu tư TKV lại không dành trọng tâm cho vấn đề quan trọng bậc nhất này.

(Theo Báo Đất Việt)