Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rượu dỏm “giết” người

(07:37:19 AM 30/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Men rượu Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường và từng ngày từng giờ, rượu dỏm từ loại men này đang hủy hoại sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng

 

 


Những loại men Trung Quốc dùng làm rượu dỏm. Ảnh: HỒNG ÁNH - KỲ NAM

 

Sau cuộc nhậu của 5 người vào ngày 24-10 tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, đến ngày 28-10 đã có 2 người tử vong, 1 người đang nguy kịch. Qua truy xét, cơ quan chức năng phát hiện tại lò sản xuất rượu mà nhóm người này uống có men nấu rượu nguồn gốc từ Trung Quốc. Dù đã được cảnh báo nhiều, song qua quan sát thực tế của phóng viên Báo Người Lao Động, có thể nói men rượu Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường và từng ngày từng giờ, rượu dỏm từ loại men này đang sát hại người dùng Việt Nam.

 

Men Trung Quốc đầy chợ

 

Trưa 29-10, chúng tôi đến một cơ sở bán men nấu rượu nằm sát chợ Quảng Ngãi. Chủ cơ sở không ngần ngại quảng bá về loại men Trung Quốc: “Nếu mua men thường từ Thái Bình, giá sẽ thấp hơn một tí, còn mua men Trung Quốc giá cao hơn. Đặt hàng nhiều có giảm giá và mua bao nhiêu cũng có”. Tại chợ Thành (huyện Diên Khánh - Khánh Hòa), men rượu Trung Quốc được nhiều đại lý bày bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, người bán gọi loại này là “men gạo sống”, có dạng bột mịn cục nhỏ, mùi hắc. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, loại men này khá thông dụng, nhiều chợ vẫn bán tràn lan.

 

Tại TP Đà Nẵng, đội ngũ bán dạo men rượu Trung Quốc còn đến tận các cơ sở nấu rượu để tiếp thị với hai loại: dạng viên nhỏ màu trắng và loại thuốc nước. Chỉ cần lấy nước lạnh hoặc nước sôi để nguội cho vào ít “men” Trung Quốc là biến thành rượu. Theo nhiều chủ cơ sở nấu rượu gạo trên địa bàn TP Đà Nẵng,  gần đây còn xuất hiện thêm loại men bột và loại này được chủ lò lựa chọn. Bà Phan Thị Dung, quận Thanh Khê - Đà Nẵng, cho biết rượu men bột  có nồng độ cao nhưng uống vào lại đau đầu nên khách ít chuộng. “Tuy nhiên, vì lợi nhuận đành phải nấu rượu men bột” - bà Dung nói.

 

Anh Cường, một người nấu rượu ở TP Quảng Ngãi, cho biết nấu rượu bằng men Trung Quốc có lãi gấp 2 lần so với men gia truyền. “Trước đây, người ta nấu rượu lãi rất ít, chủ yếu lấy hèm nuôi heo. Nhưng bây giờ, với men Trung Quốc, nấu rượu không chỉ để nuôi heo mà còn để làm giàu. Bởi vậy, nhiều người nấu rượu bây giờ chủ yếu dùng men Trung Quốc” - anh Cường nói.

 

Bà P.T.L, một người chuyên nấu rượu đế đã bỏ nghề ở xã Long Điền, huyện Đông Hải - Bạc Liêu, phân tích: “Rượu đế kiểu truyền thống phải qua nhiều công đoạn: nấu chín gạo thành cơm, làm men, ủ men với cơm rồi đem chưng cất khoảng 15 ngày. Cứ 1 kg gạo chưng cất theo kiểu truyền thống thì ra 1 lít rượu. Với giá gạo như hiện nay thì việc kiếm được rượu đế “sạch” để uống là rất khó”. Bà L. cho biết sở dĩ  bà giải nghệ vì thấy nghề làm rượu dỏm quá thất đức.

 

Kỹ nghệ làm rượu dỏm

 

Theo những người chuyên nấu rượu thì sản phẩm rượu từ men Trung Quốc chứa nhiều độc tố. “Vào mùa cưới hỏi, có khi một lò nấu rượu phải nhận cùng lúc nhiều đơn đặt hàng cùng một thời điểm với số lượng hàng trăm lít. Thường trước khi làm đám khoảng 7-10 ngày, người ta mới đặt hàng, không đủ thời gian nấu thêm rượu vậy mà các lò vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Dễ hiểu họ đã làm ra rượu bằng cách nào” - bà L. dẫn chứng.

 

Tại một lò rượu ở tỉnh Bạc Liêu, do một phụ nữ tên Tú làm chủ, chúng tôi đã chứng kiến công nghệ rượu dỏm vào hàng siêu đẳng. Cơ sở nấu rượu của bà Tú là một gian nhà nhỏ không có lò và củi lửa mà chỉ có vài cái thùng phuy chứa nước cùng một ngăn tủ chất đầy cồn công nghiệp và nhiều bịch chứa những viên thuốc màu trắng bằng chiếc cúc áo mà bà Tú cho rằng đó là men.  Cách làm rượu của bà Tú vô cùng đơn giản.

 

Từ thùng phuy chứa nước, bà cho nước cồn công nghiệp và những viên men màu trắng vào tùy theo lượng nước, khi các viên men hòa tan hết là đã có rượu để bán. Thấy vậy, tôi đề nghị bà Tú bỏ cách chế biến rượu độc hại có thể gây chết người này thì bà trả lời vô tư: “Rượu làm theo cách nào không quan trọng, chủ yếu là uống say thôi. Nhiều người uống rượu của tôi còn khen ngon chứ có thấy ai chết đâu”. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng chỉ làm để bán chứ gia đình không ai dám uống.

 

Tại xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa - Phú Yên, rượu Quy Hậu nhiều năm qua nổi tiếng khắp chốn. Nhưng chẳng mấy người biết hiện nay, phần lớn rượu ở đây nấu bằng men rượu Trung Quốc. Ông P.X (SN 1953) hành nghề nấu rượu hơn 30 năm cho biết  5 năm qua, ông chuyển sang dùng men rượu Trung Quốc. Ông vào nhà cầm ra 2 bịch men rượu không có nhãn hiệu (loại 100 g/bịch) khoe: “Loại men Trung Quốc này hay lắm, cho được nhiều rượu, 1 kg gạo cho đến 2 lít rượu. Rượu chẳng chua, chẳng khê gì cả.

 

Giờ cả làng nấu rượu bằng loại men này”. Bà B.T.C (60 tuổi), ở làng Quy Hậu, cũng cho biết có một loại men rượu Trung Quốc khác còn thần kỳ hơn. “Một can nước lã 5 lít, bỏ viên men bằng ngón tay vào, để vài giờ là đã có một can rượu nồng độ cao. Nhưng tôi không dám dùng vì sợ có bề gì thì khốn” -  bà C. nói thêm.

 

Bà Trần Thị Ngưng, chủ lò rượu ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên - An Giang, cho biết không có gì khó để phát hiện rượu độc hay không độc. Loại rượu dùng men Trung Quốc có nồng độ không cao nhưng mùi vị rất lạ và rất khó uống. Còn rượu pha cồn thì khi uống vào làm đau cổ họng, nhức đầu; nếu uống nhiều sẽ dẫn đến co giật hoặc mê man.

 

Tổn hại thương hiệu rượu Bàu Đá

 

Rượu Bàu Đá được mệnh danh là “đệ nhất tửu” của Bình Định do được nấu từ nguồn nước ở xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn. Nay nơi này chỉ còn hơn 30 hộ sản xuất rượu Bàu Đá chính gốc với sản lượng hơn 300 lít/ngày, trong khi đó “rượu Bàu Đá” xuất ra ngoài tỉnh lên đến hàng ngàn lít/ngày.

 

Rượu Bàu Đá được bán ngay tại nơi sản xuất có giá 20.000 đồng/lít, còn giá bán lẻ ở ngoài thị trường chỉ khoảng 16.000-18.000 đồng/lít bởi đây là rượu Bàu Đá giả bằng cách dùng men Trung Quốc. Một số nơi mua mật rỉ ở nhà máy đường về pha với nước, phẩm màu, thêm hương vị vào là thành rượu Bàu Đá xanh, đỏ, vàng, tím đủ màu. Thậm chí, có người còn mua cồn pha với nước để thành… rượu. Chỉ cần 2 lít cồn hòa với 48 lít nước cùng với men là thành 50 lít rượu! Với những loại “rượu” sản xuất theo công nghệ trên, nhiều người mua thêm ít rượu Bàu Đá chính gốc về pha trộn để thành “rượu Bàu Đá” bán ra thị trường.

 

Một số vụ tử vong vì rượu

 

- Vào tháng 8-2011, 4 người bị ngộ độc rượu vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, trong đó 1 người thiệt mạng.

 

- Ngày 16-10-2011, sau khi uống rượu tại một tiệc cưới ở xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, đã có 2 người chết và 38 người khác phải nhập viện.

 

- Ngày 7-1-2012, sau khi uống rượu tại một đám giỗ, hơn 20 người xã Ân Tín, Hoài Ân - Bình Định phải đi cấp cứu, trong số đó có ông Huỳnh Xuân Tùng tử vong.

 

- Ngày 23-10-2012, ông Phan Văn Ríp (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức - Long An) tử vong vì “đấu” rượu với ông Phan Văn Thắng (ngụ cùng ấp); còn ông Thắng phải vào viện cấp cứu.Vụ mới nhất xảy ra tại TP Vũng Tàu ngày 24-10 làm 2 người chết.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN (NLĐ)