Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Kiên Giang hiện có đến 4.656 ha lúa mùa gieo cấy bằng giống đặc sản, chủ yếu là một số xã dọc tuyến ven biển thuộc địa bàn hai huyện An Biên, An Minh bị chết đồng loạt do gieo cấy trên nền đất bị nhiễm mặn.
Đây là vùng đất mới đưa vào luân canh một vụ tôm một vụ lúa cách đây vài năm. Do nông dân vừa chủ quan, vừa không nắm vững kỹ thuật nên không xử lý triệt để nguồn nước mặn còn ngấm sâu trong đất do hậu qủa của vụ nuôi tôm trước đó để lại, dẫn đến lúa chết hàng loạt.
Chỉ tính riêng công làm đất, công gieo cấy thóc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ban đầu, thiệt hại đã lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đó là chưa kể sản lượng lúa trong vùng sẽ mất đi vài chục ngàn tấn, do không thể gieo cấy lại lần hai, bởi đây là loại lúa mùa dài ngày, cây lúa phát triển phụ thuộc vào nguồn nước mưa, trong khi mùa mưa năm 2008 sắp kết thúc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 40.000 ha đất chuyển đổi tự phát từ đất nông nghiệp sang mô hình luân canh một vụ tôm một vụ lúa, nhưng tỷ lệ thành công có lãi từ mô hình trên chỉ chiếm khoảng 20 phần trăm, 40 phần trăm hòa vốn, còn lại khoảng 40 phần trăm thường lỗ vốn, nhất là vụ tôm nuôi.
Một phần do vốn kỹ thuật trong nông dân còn hạn chế, một phần do thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng vuông, bao thủy lợi đúng mức.
Đáng quan tâm hơn, việc phát triển nhanh nuôi tôm tự phát đang làm hệ sinh thái ngọt bị thu hẹp, nước mặn đe dọa không những cây lúa, mà còn cả cây ăn trái, hoa màu, vật nuôi khác, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
(Theo Báo TN&MT)