(Tin Môi Trường) - Do ảnh hưởng của bão Sơn Tinh (bão số 8), Hoàng Sa đã có gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 24m/s (cấp 9), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh 13m/s, giật 17m/s (cấp 7), ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) gió mạnh 13m/s, giật 18m/s (cấp 8).
Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 30 - 50mm; một số nơi mưa lớn hơn như TP.Huế 73mm; Quảng Ngãi 126mm; Lý Sơn 65mm…
Đường đi và vị trí cơn bão Sơn Tinh - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương
Đà Nẵng: vẫn còn tàu cá ở vùng biển nguy hiểm
Sáng 27-10, do ảnh hưởng của bão số 8 khiến thời tiết tại Đà Nẵng có gió giật mạnh và mưa to. Dọc các tuyến ven biển như Mỹ Khê, Mân Thái, Nguyễn Tất Thành… sóng đánh rất mạnh và tiến sâu vào bờ khiến bà con ngư dân phải rất vất vả kéo tàu cá và các ngư cụ lên bờ.
Sáng cùng ngày, Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung-Tây Nguyên đóng tại Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo của bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận thì các địa phương này đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 1.857 tàu/16.165 ngư dân hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Tuy nhiên hiện nay tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn còn 2 tàu và 28 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi. 5 tàu khác đã về đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi ) an toàn. Tại các vùng biển khác, có 724 tàu/4.997 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi.
Ngư dân Đà Nẵng đang gấp rút đưa tàu thuyền lên bờ để tránh bão - Ảnh: Đoàn Cường
Bộ tư lệnh Quân khu 5 cũng đã có cuộc họp khẩn nhằm triển khai công tác phòng chống bão số 8 nhằm chuẩn bị sẵn sàng xử lý khi bão vào đất liền.
Hà Tĩnh: khẩn trương di dời dân
Sáng nay 27-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão số 8 tại tỉnh Hà Tĩnh. Bộ trưởng đánh giá, đây là cơn bão mạnh, tốc độ lớn, ảnh hưởng ven biển và gây ảnh hưởng rất nặng nề. Tỉnh Hà Tĩnh phải triệt để phòng chống, ứng phó, nhất là sắp xếp tàu thuyền, bảo vệ đê biển, chủ động sơ tán người dân để đối phó kịp thời với diễn biến bão.
Người dân xã Cẩm Nhượng khẩn trương di dời tài sản - Ảnh: Văn Định
Sáng cùng ngày, chính quyền xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng lực lượng công an, biên phòng đóng trên địa bàn đã tiến hành di dời khẩn hơn 20 hộ dân có nhà có nguy cơ ngập trong nước biến ở Cửa Nhượng. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, phó chủ tịch xã Cẩm Nhượng, ngoài những hộ dân sống ở Cửa Nhượng phải di dời, còn có 120 hộ dân nằm trong lệnh phải di dời ngay trong chiều nay. Ngay trong sáng nay xã Cẩm Nhượng đã hướng dẫn, chỉ đạo cho 163 tàu thuyền vào trú bão an toàn.
Đi dọc đê kè ven biển xã Cẩm Nhượng, chúng tôi ghi nhận người dân sống dọc đê kè đang khẩn trương chằng chéo nhà cửa, di dời tài sản đến những nơi an toàn. Tại biển Cẩm Nhượng đã có gió bão giật cấp 4, cấp 5. Những cơn sóng đánh vào đê kè cao 2-3m.
Nhiều ngôi nhà bên đê kè biển Cẩm Nhượng đang được người dân chằng chéo lại - Ảnh: Văn Định
Do ảnh hưởng của bảo, sóng biển đã đánh vào đê kè biển Cẩm Nhượng cao 2-3 mét - Ảnh: Văn Định
Những hộ dân sống ở Cửa Nhượng đang khẩn trương di dời ngay trong sáng nay (27-10) - Ảnh: Văn Định
Người dân Hà Tĩnh đang neo đậu lại tàu thuyền - Ảnh: Văn Định
Ông Bùi Lê Bắc, chánh văn phòng Ban Phòng chống bão lụt Hà Tĩnh, cho biết hiện nay Hà Tĩnh đã chỉ đạo sát sao các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân phải có phương án triển khai kế hoạch sơ tán dân cư ven biển. Chủ động huy động lực lượng và hướng dẫn nhân dân triển khai việc chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện, trạm xá.
Theo ông Bắc, ngoài ra Hà Tĩnh cũng chỉ đạo, các sở ban ngành triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập nhỏ và các tuyến công trình đang dở dang. Đặc biệt bảo đảm an toàn cho các hồ đập xung yếu, công trình thủy điện Hố Hô, Hương Sơn, các Khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo…
Quảng Bình: Vẫn không chủ quan với bão số 8
Dù dự báo bão số 8 đang chuyển dần ra phía Bắc, nhưng ở Quảng Bình, bà con ngư dân đã đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão. Đến 10g ngày 27-10 chỉ còn 9 tàu với 96 thuyền viên đang trên đường vào trú bão ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ.
Tại vùng xung yếu ven biển, người dân xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cũng không chủ quan với bão, vẫn tích cực phòng chống bão cho nhà cửa, di dời thuyền lên xa bờ tránh sóng biển ập vào khi bão đến. Ở các xã ven biển khác như Cảnh Dương, Phúc Trạch (huyện Quảng Trạch), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung... (huyện Lệ Thủy), chính quyền địa phương nghiêm cấm bà con ngư dân cho thuyền nhỏ ra đánh bắt hải sản trên biển, đồng thời có phương án di dời thuyền lên xa bờ và di dời người dân khỏi các cửa sông.
UBND tỉnh đã cử các đoàn kiểm tra, đôn đốc từng địa phương chống bão, có phương án sẵn sàng sơ tán dân, bảo vệ tàu thuyền cũng như chuẩn bị lương thực nếu bão đổ bộ vào tỉnh.
Hồi 10g ngày 27-10, vị trí tâm bão trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 220 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 10 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão trên vùng bờ biển các tỉnh Thái Bình - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (27-10) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, giật cấp 12. Biển động rất mạnh, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội; khu vực Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ đêm nay (28-10) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
|