Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
TTXVN cho biết, trong khuôn khổ kinh phí tài trợ của Quỹ Ford, các chuyên gia tẩy độc của Việt Nam và Mỹ (BEM Systems, inc) thiết kế và triển khai xây dựng một số công trình liên hoàn tại sân bay quốc tế Đà Nẵng với các chức năng đặc thù như chống thấm độc vào nước ngầm; chống rửa trôi lớp đất nhiễm độc bằng cách bêtông hóa bề mặt khu nhiễm ở cuối đường lăn sân bay; kiểm soát, thu gom sạn, huyền phù có trong nước mặt từ khu nhiễm độc bằng việc xây mới hệ thống bể lắng, lọc chuyên dụng...
Các chuyên gia Việt Nam còn kết hợp với công ty Dynamic Sollutions International, LLC, USA tại Việt Nam thử nghiệm mô hình đập tràn với kích thước cho phép, đã cho kết quả khả thi khi khống chế dòng chảy, giảm khả năng cuốn theo trầm tích bị nhiễm trong Hồ Sen bằng đập tràn rất tốt.
Cho đến nay, các công trình bể tràn, bể lọc đã đảm bảo được các chỉ số giảm thiểu sự lan tỏa, có khả năng thanh lọc khoảng 50-80% các thành phần không tan có trong nước trước khi chảy ra môi trường.
Sân bay Đà Nẵng thời chiến tranh từng là kho chứa, bãi đóng nạp, bãi tẩy rửa các phương tiện phun rải chất diệt cỏ của quân đội Mỹ. Bởi vậy, việc áp dụng các giải pháp công nghệ để ngăn chặn tạm thời sự lan tỏa đất nhiễm dioxin là cấp thiết nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân sống xung quanh khu vực.
Công trình liên hoàn đã được triển khai lần đầu từ tháng 9/2007, với gần 6.900 m2 trên tổng diện tích 63.000 m2 khu nhiễm độc ở cuối đường lăn sân bay.
Bề mặt khu nhiễm nặng được phủ một lớp bêtông cốt thép dày 15cm, có khả năng chống thấm khá tốt, độ bền cơ học cao, lớp bêtông hoàn toàn có thể ngăn không cho nước mưa thấm qua tầng đất nhiễm, cuốn theo chất độc ngấm sâu vào lòng đất làm ô nhiễm tầng nước bán ngầm.
Lớp bêtông còn bảo vệ không cho nước mưa bào mòn và vận chuyển đất nhiễm độc lan ra các vùng lân cận.
1,6 triệu USD xử lý ô nhiễm chất độc tại sân bay Đà Nẵng
Trước đó, ngày 1/10, Chính phủ Hoa Kỳ công bố một dự án phục hồi môi trường trị giá 1,69 triệu USD nhằm giúp Việt Nam xử lý ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã trao hợp đồng cho CDM International thực hiện dự án “Khắc phục môi trường tại sân bay Đà Nẵng: Đánh giá, lập kế hoạch và thiết kế công trình”.
Trong khuôn khổ dự án, Chính phủ Việt Nam và USAID tiến hành đánh giá về tác động môi trường và xây dựng đồ án công trình, các thông số kỹ thuật và kế hoạch. Dự án sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam về phương pháp thực hiện chi tiết.
Dự kiến, dự án được hoàn thành trong một năm. Kết quả dự án sẽ là cơ sở cho những nỗ lực tiếp theo để xây dựng một địa điểm chôn lấp an toàn và bóc tách đất và cát bị ô nhiễm tại các điểm nóng rồi cô lập số đất, cát đó tại nơi chôn lấp.
Cũng theo thông cáo, với khoản tài trợ này, Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết chi hơn 2/3 trong tổng số 6 triệu USD ngân sách của Quốc hội Hoa Kỳ dành cho các hoạt động y tế và khôi phục môi trường bị ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.
Đà Nẵng hợp tác với Nhật cải tạo đất nhiễm dioxin
Theo Vietnamnet, ngày 10/9, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo TP đồng ý cho Sở Tài nguyên&Môi trường (TN-MT) hợp tác với Trường Đại học Kitakyushu (Nhật Bản) nghiên cứu, khảo sát lập dự án “Cải tạo đất nhiễm dioxin thành đất trồng trọt, đồng thời đảm bảo vệ sinh khu đô thị Đà Nẵng”.
Dự án dự kiến triển khai tại khu vực sân bay Đà Nẵng, nơi trước đây là căn cứ quân sự của quân đội Mỹ, nơi nạp chất diệt cỏ có chứa dioxin để đi phun rải ở nơi khác.
Tại đây sẽ xây dựng lò đốt đất nhiễm chất độc da cam/dioxin sử dụng khí gas có quy mô 2,4 tấn/ngày; xây dựng hệ thống phân huỷ rác hữu cơ thành khí gas để sử dụng cho lò đốt dioxin.
- Theo kết quả các công trình nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Việt Nam được tiến hành từ năm 2000 - 2004, hàm lượng trung bình của dioxin ở sân bay Đà Nẵng là 35ppb TEQ (phần ngàn tỷ) - cao gấp 35 lần cho phép đối với đất phi nông nghiệp được quy định ở Mỹ.
Kết quả nghiên cứu của Công ty Tư vấn Môi trường Hatfield (Canada) cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm dioxin cao nhất trong mẫu đất ở sân bay Đà Nẵng là 365ppb; trong mẫu máu của người dân sống gần sân bay là 1.220ppt và của hai người dân khác sống ở khu vực lân cận khoảng 600ppt, cao hơn nhiều lần so với mức cho phép hàm lượng dioxin trong người của các nước công nghiệp phát triển trên thế giới.
Hiện khu vực bị ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng đã được xây dựng hàng rào phong toả nhằm ngăn chặn sự lan toả của chất độc ra môi trường.