Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nửa đêm “chạy” về nhà bố mẹ vì sợ kiến
“Ngày đầu sau cưới, tiệc tùng mệt mỏi tối cả hai vợ chồng về đến nhà là nằm vật ra giường ngủ say như chết, không biết gì. Sáng hôm sau trên tay xuất hiện vài nốt đốt mình cứ đinh ninh là muỗi vì nhà mới, tường còn ẩm. Đến ngày thứ hai, sau khi đi làm về, dọn dẹp, ăn uống xong xuôi đã gần 10h đêm, hai vợ chồng vừa ngồi xuống sofa để xem ti vi thì thấy chi chít nốt đen, lúc đầu còn tưởng bụi. Nhưng khi ngước lên đèn thì thôi rồi, kiến bay vù vù trước bóng đèn. Vào phòng ngủ cũng thấy chi chít muỗi dưới sàn nhà. Hai đứa hoảng hồn, không biết là kiến gì. Ngồi bàn tính một lúc, rồi nhà mới chưa kịp mua màn, hai đứa thống nhất “chạy” lên nhà bố mẹ tá túc”, chị Phương ở CT5 Xa La (Hà Nội) - chia sẻ:
Kiến ba khoang chi chít dưới sàn nhà chị Phương. Ảnh: P.T
Đến khi đi làm, chia sẻ với mọi người, rồi tìm hình ảnh trên Internet chị mới biết đó là kiến ba khoang. Mọi người cùng phòng đều chia sẻ với chị, nhà nào cũng phát hiện kiến này, nhất là những nhà ở gần cánh đồng, vùng đất trống nhiều cỏ mọc, lúc nào cũng nơm nớp lo đốt trẻ nhưng cũng chỉ biết cách phòng tránh bằng cách không bật điện sáng trong phòng, bật điện hành lang, ban công để “hút” kiến.
“Mình chẳng biết gì. Đến nhà mới là khu chung cư mới ở còn mở toang tất cả các cửa, bật sáng trưng đèn các phòng cho… thoáng. Trong khi xung quanh nhà là các bãi đất trống, cỏ mọc um hoặc khu đất đang xây dựng. Báo hại, nửa đêm hôm qua khi “chạy” về nhà còn “phàn nàn” với bảo vệ, khu này vệ sinh, dịch tễ kém, xuất hiện con kiến lạ bay chi chít trong phòng”, chị Phương ngại ngùng nói.
Cũng trong khu đô thị Xa La, nhà anh Cương (CT 7A) tối nào cũng bắt được 4 - 5 con kiến trên sàn nhà. “Nhà thì lại có trẻ, thằng cu đã 2 tuổi cứ thấy bố mẹ tắt đèn, bật đèn ban công là gào khóc. Bật lên thì kiến lại xuất hiện, chỉ sợ đốt con. Cứ lúc nào rảnh là lại đi khắp nhà, nhìn chăm chăm xuống đất, kiểm tra giường chiếu gì sợ kiến đốt con”, anh Cương nói.
Ngay ở khu vực nội thành, kiến ba khoang cũng xuất hiện dày đặc. Chị Tú ở chung cư trên đường Đê La Thành chia sẻ: “Lâu nay đọc báo đều biết về kiến ba khoang nhưng không nghĩ nhà mình có vì ở giữa khu phố đông đúc, lại ở tận tầng 10. Thế mà hôm qua, mình phát hiện 4 con liền trong phòng khách, rồi cả trên ghế sofa, con gái thì bị đốt hai nốt ở tay. Vào phòng tắm lấy khăn lau mặt mũi cho con, vừa cho khăn rửa mặt vào bồn rửa thì thấy con khiến ba khoang nổi lên. Sợ quá, nếu con kiến không rơi ra, cứ thế rửa mặt cho con, chà sát vào mặt thì nọc độc kiến sẽ gây sưng đau cho con”.
Cận cảnh con kiến ba khoang bắt được tại nhà chị Tú ở Đê La Thành. Ảnh: H.Hải
“Nhà có đến hai đứa nhỏ nên mình phải rất cảnh giác, liên tục dặn bà giúp việc quét nhà thường xuyên, phủi giường trước khi bé ngủ. Quần áo sau phơi khô cất cần rũ mạnh vì nhỡ kiến bâu vào, trước khi mặc đồ cũng phải rũ mạnh quần áo cho cháu và trong nhà thì cố gắng hạn chế bật đèn, chỉ bật đèn ban công. Còn nếu bật đèn mình chọn giải pháp an toàn, đóng chặt các cửa chính, cửa phòng rồi bật điều hòa cho con chơi bên trong”, chị Tú chia sẻ các phòng kiến ba khoang tại gia đình.
Tại khu chung cư này, nhiều phòng cũng phản ánh bắt được kiến ba khoang trong nhà, ai cũng lo sợ vì nhà nào cũng có con nhỏ, chỉ sợ đốt gây đau, ngứa cho bé.
Đang “mùa” kiến ba khoang
Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết, kiến ba khoang được xếp vào loại côn trùng và thời điểm này tại miền Bắc là mùa các loài côn trùng đang phát triển nên kiến ba khoang xuất hiện nhiều hơn.
Đang mùa kiến ba khoang nên loài kiến này được phát hiện ở nhiều nơi.
Trong ảnh, kiến ba khoang bắt được tại một nhà dân. Ảnh: CTV
Bà cho biết thêm, kiến ba khoang đã tồn tại từ lâu đời nay. Người dân Việt Nam ít người không biết loại kiến này bởi sự hiện diện quá quen thuộc. Tuy nhiên gần đây kiến ba khoang xuất hiện nhiều hơn, đốt người gây ngứa, nổi bọng nước, viêm loét da. Nguyên nhân kiến ba khoang nhiều lên có thể vì loài kiến này ăn rầy nâu, khi nguồn thức ăn này phong phú (người dân phun hóa chất bừa bãi, nên rầy nâu kháng thuốc rất nhiều), vì thế số lượng kiến ba khoang cũng nhiều lên.
“Kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng. Trong khi đó, đặc điểm của loài côn trùng này là ưa ánh sáng, người dân có thể dựa vào đặc tính này để hạn chế kiến ba khoang vào nhà. Riêng ở khu khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý, chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng”, TS Khoa khuyến cáo.
Ngoài ra, có thể dùng lưới chống muỗi để ngăn kiến ba khoang bay vào nhà. Trước khi đi ngủ nên quét dọn nhà cửa, rũ giường, buông màn. Còn không may bị đốt, cần rửa thật sạch vết đốt với xà phòng, sau đó có thể bôi bằng hồ nước, các thuốc có chứa corticoid chỉ định cho các loại côn trùng đốt…