Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trước tiên, nhìn phóng sự ảnh quần đảo sông Tích tận diệt cá hôm 22/10, người ta thấy choáng váng vì khí thế rầm rộ của các lão nông. Thôi thì đủ các loại dụng cụ đánh bắt cá được huy động, nào lưới nào vó nào dậm nào vợt, thậm chí cả tay không, cùng các phương tiện hiện đại như thuốc cá, như kích điện.
Làm kiếp cá Thủ đô thật không sung sướng gì. - Ảnh: VNN
Đối tượng tham gia cũng phong phú không kém: Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, kẻ đi thuyền kẻ lội chân không. Nhìn dòng sông nêm chặt “hạm đội thuyền nan”, những người mê Tam Quốc hẳn không thể kìm lòng mà nhớ tới đoàn thuyền trăm vạn quân của Tào Tháo trong trận Xích Bích.
Nếu ai đã từng nghĩ rằng ý chí phấn đấu, cạnh tranh của người Việt Nam ta đã suy nhược vì đủ các lí do trên trời dưới biển, thì nhìn bức ảnh này, hẳn sẽ thấy mình lầm to. Bấy lâu nay, người ta vẫn bán tín bán nghi khi đọc trên báo những câu chuyện dân ta đánh nhau sứt đầu mẻ trán, thậm chí đánh đuổi cả lực lượng chức năng đi để hôi cổ vật dưới đáy biển Quảng Ngãi, tìm trầm hương trên rừng Khánh Hòa.
Bán tín bán nghi là phải, bởi dù là cổ vật hay trầm hương cũng đều có giá trị không xoàng, là một động lực hết sức to lớn, mà lòng tham của thiên hạ thì đâu cũng như nhau cả, thấy món hời to mà không động lòng thì phải là bậc thánh nhân. Nhưng với bức ảnh 4 cái vợt cùng nhao vào một con cá chép, thì ta có thể khẳng định như đinh đóng cột rằng tinh thần chiến đấu của người Việt ta còn lâu mới nguội được.
Các cụ nhà ta đã có vô số lời hay ý đẹp để nói về những thứ được đưa vào mồm con người, nào miếng ăn quá khẩu thành tàn, nào miếng ăn là miếng nhục, hẳn cũng chả phải nhắc lại làm gì cho quý vị rầu lòng. Nhưng thật khó mà không lăn tăn một câu hỏi: Sao dân mình lại hăng say như thế với mấy con cá?
Chúng ta có thể tìm thấy lý do khả dĩ đầu tiên tại Hội trường Quốc hội, khi tại đây, Bộ Tài chính cho biết rất khó có thể tăng lương tối thiểu trong năm 2013, vì chưa cân đối được 60 nghìn tỷ trong ngân sách. Cách đấy mấy ngày, một vị lãnh đạo nọ đã đặt ra một câu hỏi được nhiều bài báo giật lên thành tít: Không tiền lấy gì đi chợ?
Phải rồi, ta cứ kêu gọi sống thanh bạch, không coi trọng tiền bạc, biết đủ thì tâm thường an, nhưng hãy thử đói rách mà xem, hãy thử đặt mình vào vị trí một bà nội trợ cầm cái ví lép kẹp ra chợ với nhiệm vụ nặng nề lo thực đơn cho kha khá những cái tàu há mồm, bạn sẽ thấy làm theo những lời đẹp đẽ đó chẳng dễ dàng gì.
Chà chà, giữa thời buổi khốn khó “sớm trưa dưa muối cho qua bữa” này, mấy con cá chưa biết gọi mẹ có lẽ cũng quý hóa lắm, chuyện ông phó ban phòng chống tham nhũng bị mất trộm cái xe ô tô bạc tỷ trong cái biệt thự bạc tỷ là chuyện xa xôi ở đâu ở đâu đấy chứ!
|
Đại lộ Thăng Long - đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam. - Ảnh: VNE |
Nhiều anh hùng bàn phím đã nhanh chóng khẳng định người duy nhất biết trả lời câu hỏi hóc búa ở trên là nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh, với quan điểm “cạp đất mà ăn” đã đưa tên tuổi nàng lưu danh thiên cổ.
Nhưng tiếc thay, các bác nông dân ở ven sông Tích lại không mấy khi đọc báo mạng, giá đất xứ Đoài sau một hồi Hà Tây nhập vào Hà Nội cũng đã hết sốt, nên có lẽ câu trả lời duy nhất là đổ xô ra bờ sông Tích chăng?
Đặt câu chuyện đang bàn cạnh vụ hôi tiền rơi tại một ngân hàng ở Bình Định mấy hôm trước, ta có thể tìm thấy lý do thứ hai. Bản tin trên các báo gọi là hôi tiền rơi cho lịch sự, còn muốn sát với bản chất hơn, các nhà báo có thể dùng cụm từ tranh thủ cướp ké, khi hai người phụ nữ cầm 1,2 tỷ đồng bị giằng giật và đám người vô can gần đó lao vào kiếm chác.
Quý vị thử nghĩ mà coi, giữa thanh thiên bạch nhật mà những người lương thiện cũng bỗng dưng không kìm nổi lòng tham trước tiền có chủ hẳn hoi, thì bỏ qua món hời chim trời cá nước có phải là đắc tội với trời đất không?
Học theo thế giới, người Việt Nam ta ngày nay cũng mở mồm ra là nói chuyện cao xa, nào phát triển bền vững, nào tăng trưởng xanh, nào bảo vệ môi trường, toàn những từ ngữ đẹp như trăng rằm cả.
Khốn khổ thay, nếu tôi nghĩ đến cháu tôi mà thả lại con cá bé bắng ngón tay này xuống nước, thì cái lũ người đang ào ào như sôi kia hẳn sẽ không tha. Như các cụ nhà ta nói, biết sống đến mai mà dành củ khoai đến tối, huống hồ thiên hạ đang kèn cựa tranh cướp giành giật nhau từng mẩu cái thứ được gọi là vật chất?
Kẻ viết bài này vốn chẳng biết gì về thơ ca hò vè, cuộc sống cơm áo gạo tiền cũng khiến chút lãng mạn thời trẻ dại mất sạch tự thủa nào, nhưng nhìn dân Hà Nội nô nức đánh cá trên sông cũng chẳng thể kìm nổi được tiếng thở dài.
Tích Giang là một nhánh của dòng sông Đáy – con sông đã từng khiến nhà thơ xứ Đoài Quang Dũng nhớ thương không biết ngần nào khi chậm nguồn quanh phủ Quốc trong những đêm trăng khuya khoắt sáo diều; cũng là con sông chảy qua vô số những cái tên nghe đã thấy lòng người ta dịu lại như nhớ về một thời tươi đẹp ngày xưa: nào Đường Lâm làng cổ, nào Sơn Tây thành xưa, nào đền Và thờ thánh Tản Viên…
Theo Wikipedia, lễ hội đền Và mùa thu có nghi thức chính là đánh bắt cá ở sông Tích để chọn ra 99 con cá trắng to chế biến thành các món tế Thánh. Việc tế cá xuất phát từ truyền thuyết Thánh Tản Viên dạy dân kéo vó và bắt được 100 con cá, sau đó ngài phóng sinh một con cá trê đang có mang, về sau con cá này sinh được 9 con, đều hoá đá, đầu chầu về hướng đền.
Bốn năm sau khi xứ Đoài về với Hà Nội, người dân ven sông Tích xem ra đã tiến một bước dài so với cha ông họ thời thánh Tản Viên mấy nghìn năm trước, khi tuyệt nhiên không để thoát bất kỳ sinh vật nào sống được dưới nước. Trên đầu họ, chạy qua dòng sông là đại lộ Thăng Long – tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam.