Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đường đi của sừng tê giác

(18:21:09 PM 21/10/2012)
(Tin Môi Trường) - LTS: Từ lâu, sừng tê giác đã được đồn đoán là có tác dụng chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo. Khi số lượng tê giác ở Việt Nam bắt đầu cạn kiệt, thì các tay săn lậu chuyển mục tiêu qua Nam Phi - đất nước có số lượng tê giác lớn nhất thế giới. Và từ đó, một đường dây săn bắn, vận chuyển sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam đã bắt đầu hình thành, de dọa sự tồn tại của loài động vật quý hiếm này. Tin Môi Trường xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về mối liên hệ buôn bán sừng tê giác giữa Việt Nam và Nam Phi, dựa trên báo cáo của tổ chức Traffic.

 >>Nam Phi ngừng cấp phép săn bắn tê giác cho người Việt Nam

 

Kỳ 1: Chính sách bảo tồn “ngược đời” nhưng hiệu quả

 

 

Loài tê giác trắng Ceratotherium simumsimum ở Nam Phi

 

Nam Phi là một quốc gia rộng lớn trải dài khắp phần dưới của lục địa Châu Phi. Đất nước này được ghi nhận là thành công nhất thế giới về bảo tồn tê giác. Năm 2011, chỉ tính riêng quốc gia này đã bảo tồn được 83% tê giác ở Châu Phi và gần ¾ tê giác hoang dã trên toàn thế giới. Với tư cách là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới, Nam Phi từ lâu đã thúc đẩy việc bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hiến pháp Nam Phi bảo vệ những nguyên tắc, bằng việc kêu gọi cho “một quốc gia thịnh vượng, có ý thức bảo vệ môi trường, đất nước của những con người sống chung hài hòa với môi trường tự nhiên, quốc gia nhận được những lợi ích lâu dài từ công cuộc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn đa dạng sinh học phong phú”.

 

Chính phủ Nam Phi cho phép thành lập những trại nuôi thuộc quyền sở hữu tư nhân cho mục đích săn bắn từ những năm 1960. Ngày nay, các trại nuôi thuộc sở hữu tư nhân đã bao phủ một diện tích chiếm ¾ tổng diện tích các khu bảo tồn cấp quốc gia và địa phương do nhà nước sở hữu. Các loài động vật nói chung và tê giác nói riêng được hưởng lợi ích to lớn từ chính sách này.

 

Nam Phi hiện đang bảo tồn 18.800 con tê giác trắng miền nam (tên khoa học là Ceratotherium simumsimum), tương đương với 95% tổng số tê giác trắng tại Châu Phi. Chương trình “Operation Rhino” của Ban quản lý Công viên Natal đã phục hồi đáng kể loài tê giác trắng miền nam.  Đây là chương trình tiên phong trong việc di chuyển địa điểm các loài động vật hoang dã. Cùng với các chiến lược quản lý quan trọng khác, chương trình này vẫn là một trong những thành tựu bảo tồn thành công nhất thế giới.

 

Riêng việc bảo tồn loài tê giác đen (tên khoa học là Diceros bicornis) cũng đạt được những thành tựu đáng tự hào. Năm 1960, số lượng tê giác đen ở Nam Phi ước tính khoảng 100 000 con, do phải đối diện với nạn săn bắt tràn lan, đến năm 1995, chỉ còn khoảng  2410 con được ghi nhận. Ngay sau đó, chính phủ bắt đầu vào cuộc và đã nhanh chóng có được những kết quả khả quan. Nam 2010, đã có 4880 con tê giác được bảo vệ. 

 

Việc cho phép tư nhân được quyền sở hữu và bảo tồn tê giác trong các khu đất của họ là một chính sách cực kỳ có hiệu quả. Thống kê năm 2010 cho thấy gần 25% tổng số tê giác trắng và 22% tổng số tê giác đen ở Nam Phi  thuộc quyền sở hữu tư nhân được chăm sóc và bảo tồn tốt hơn so với khu vực nhà nước.

 

Bộ môn săn bắn tê giác được chính phủ Nam Phi cho phép  từ năm 1968, khi mà số lượng tê giác tại nước này chỉ là 1800 con. Đáng ngạc nhiên là, thay vì kìm hãm sự phát triển, thì bộ môn quý tộc này lại là động lực giúp loài tê giác tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hoạt động săn bắn đã thúc đẩy việc thành lập các khu bảo tồn, mở rộng địa bàn, tạo nguồn thu cho các cơ quan bảo tồn. Ngành công nghiệp săn bắn còn tạo ra việc làm cho khoảng 700.000 người dân, chủ yếu là khu vực nông thôn. Từ đó, người dân Nam Phi có ý thức hơn đối với việc bảo tồn động vật hoang dã, để tạo ra công việc và nguồn thu ổn định của chính bản thân mình.

 

Theo thống kê của chính phủ, chỉ tính từ năm 2008- 2011, việc bán tê giác cho săn bắn đã thu về hơn 35,5 triệu USD cho các tổ chức kinh doanh động vật hoang dã.

 

Việc cho phép tư nhân thành lập các khu bảo tồn và săn bắn tê giác tưởng chừng sẽ đặt dấu chấm hết cho loài động vật này, tuy nhiên, với những gì đã diễn ra, Nam Phi cho thấy được tầm nhìn xa và sự đúng đắn của chính sách này với việc bảo tồn tê giác. Và, thực tế là loài tê giác ở đất nước này vẫn đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng vì vấn nạn săn bắt trộm và buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác.

 

Kỳ 2: Nạn săn trộm và buôn bán bất hợp pháp tê giác tại Nam Phi

TMT (Nguồn: Traffic)