Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hiểm họa "phóng xạ" từ khai thác titan

(21:33:17 PM 20/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Trong khai thác, chế biến titan, nếu chỉ chú ý đến lợi nhuận, môi trường sẽ phải trả giá đắt.

 

Những bài học nhãn tiền

Dù biết rằng, việc khai thác titan đang giúp các địa phương như Bình Thuận, Bình Định… xây được trường học, đường giao thông, nhiều người có công ăn việc làm song mặt trái của nó cũng đang gặm nhấm cuộc sống của người dân từng ngày.

Hiện Bình Thuận đối mặt với hậu họa từ khai thác titan. Tại các công trường khai thác titan, các trận gió cát đang làm cuộc sống của người dân nơi đây đảo lộn. Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng ô nhiễm phóng xạ đang rình rập khắp nơi. Nguyên nhân chính là do các “ông chủ” chỉ chọn titan và phớt lờ các quy định về bảo vệ môi trường.

Theo khảo sát của Sở KH&CN Bình Thuận, độ phóng xạ tại các vùng khai thác titan đang vượt trên mức cho phép. Trên các trục đường ven biển từ Mũi Né ra Bắc Bình và từ Phan Thiết vào La Gi, khi mưa lớn, cát trên các triền đồi trong khu vực công trường khai thác theo dòng nước tràn xuống nhà dân, chảy thẳng ra đường.

Theo kết quả khảo sát môi trường khai thác titan  tại vùng động cát ven biển ở các xã Hồng Phong, Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, các mẫu phân tích quan trắc môi trường đều cho thấy hoạt độ phóng xạ Alpha, Bêta trong các mẫu nước biển ven bờ cao hơn so với quy chuẩn từ 3 - 9 lần. Phông phóng xạ Gamma tại nơi chứa trữ sa khoáng titan cao gấp 26 - 36 lần so với phông phóng xạ tự nhiên. Nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm mặn đến độ sâu hơn 10 mét. Khai thác ồ ạt titan thô phớt lờ các quy định về bảo vệ môi trường như thời gian qua tại tỉnh Bình Thuận, đã và đang để lại những nguy cơ khó lường.
 

Phớt lờ các quy định về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp khai thác titan đang gây họa cho người dân. ảnh Ngọc Sơn

Tại Bình Định, khi Sở KH&CN tiến hành đo mức phóng xạ tại các khu khai thác quặng titan, các nhà khoa học kết luận vùng ô nhiễm phóng xạ (vượt quá tiêu chuẩn an toàn cho phép) bao quanh thân quặng có dạng kéo dài với bề rộng từ 200 – 500m, dài hơn 6km.

TS Võ Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định công bố công trình nghiên cứu "Đánh giá mức độ ô nhiễm phóng xạ do sa khoáng titan vùng ven biển tỉnh Bình Định” cho thấy: quá trình khai thác, chế biến, sử dụng các sa khoáng dẫn đến sự làm giàu, tăng khả năng xâm nhập của các nguyên tố phóng xạ vào môi trường xung quanh gây ô nhiễm phóng xạ.

Theo TS Ngọc Anh, người dân sinh sống ở vùng có quặng sa khoáng titan, công nhân làm việc ở xưởng tuyển có nguy cơ nhiễm xạ cao hơn những vùng khác.

TS. Nguyễn Văn Nam, Liên đoàn Địa chất xạ hiếm cho biết, trong sa khoáng titan có các hợp chất cơ bản gồm Ilmenite, Zircon, Monazit, Manhetit và Rutin. Trong quặng Ilmenite, Zircon có các khoáng vật chứa phóng xạ, đặc biệt khoáng vật Monazit có hàm lượng phóng xạ cao, rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Trước đây, các chuyên gia Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử quốc gia từng cảnh báo phải quản lý chất Monazit thải ra trong khi khai thác, chế biến titan như một chất phóng xạ. Thời gian bán rã của Monazit có thể kéo dài hàng trăm năm nên bãi chứa chất thải phóng xạ phải đặt xa khu dân cư, nguồn nước và phải chứa trong các hầm bê tông.

Càng chế biến sâu, càng nguy cơ ô nhiễm

Theo GS.TS Phùng Viết Ngư, Hội Khoa học đúc luyện kim, nếu đầu tư công nghệ để chế biến ti tan lên một cấp cao hơn nữa thì phải là chế biến ra bột titan đioxit (TiO2). Thế nhưng, cứ sản xuất ra một tấn TiO2 sẽ phát sinh thêm 10 tấn axit phế thải có nồng độ 10-15% axitsunfuaric và hơn 1 tấn axit sắt. “Nếu không lựa chọn công nghệ chuẩn, đồng bộ, có phương án xử lý phù hợp sẽ gây thảm họa cho môi trường”, GS Ngư nói.

Vấn đề là chọn công nghệ nào? Theo các chuyên gia, hiện Trung Quốc chủ yếu phát triển công nghệ cổ điển. Điều đáng lo ngại là các axit phế thải sẽ không biết đổ đi đâu. GS Ngư lo ngại: “Một phép tính đơn giản nếu sản xuất 5 vạn tấn TiO2 sẽ có hơn 5 vạn tấn FeSO4 cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Ngoài ra để có 1 tấn TiO2 cần có 5 tấn hóa chất H2SO4. Đây là bài toán khá đau đầu. Còn nếu áp dụng phương pháp clorua hóa thì cũng cần có clo nhưng phương pháp này có thể tuần hoàn được và cho sản phẩm chất lượng cao hơn. Song vấn đề đòi hỏi thiết bị rất phức tạp, cồng kềnh hơn, đặc biệt là phải đồng bộ”.

VN có trữ lượng khoảng  564 triệu tấn titan, đứng thứ 6 thế giới. Để quản lý, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Titan giai đoạn 2007-2015, định hướng đến năm 2025; Bộ Công Thương quy định phẩm cấp chất lượng cho các loại khoáng sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (XK) trong giai đoạn chưa đầu tư chế biến sâu, hạn chế và dừng hẳn việc XK tinh quặng Ilmenite; đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc đầu tư nhanh các dự án chế biến sâu để sản xuất các sản phẩm có chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Tuy nhiên, GS Ngư cảnh báo, dù là khai thác hay chế biến sâu cũng cần chú ý tới công nghệ. Phải hướng đến chất lượng phải cao hơn mới cạnh tranh được với thế giới. “Nếu một lần nữa lơ là trong việc nhập công nghệ, thảm họa môi trường sẽ không thể lường hết được”, GS Ngư nói.
(Nguồn: Bích Ngọc/ Báo Đất Việt)