Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hàng loạt hợp tác xã... rã đám

(11:47:20 AM 20/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Hàng loạt hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới như vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), bưởi năm roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long)... ra đời những năm trước đây nay trong tình trạng thoi thóp chờ “chết”.


 

Nhà đóng gói của HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim thường xuyên đóng cửa vì không có hàng - Ảnh: THANH TÚ

 

 

Thống kê sơ bộ cho thấy tỉnh Trà Vinh có 13 HTX bị giải thể; Tiền Giang hiện có 36/46 HTX hoạt động bình bình, trong đó hai HTX sắp giải thể; Đồng Tháp có đến 5 HTX giải thể, 14 HTX ngưng hoạt động.

 

Có GlobalGAP cũng chết

 

 

"Nhà nước chỉ hỗ trợ bước đầu và chính quyền địa phương không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của HTX. Phải trả HTX lại cho xã viên để xã viên tự quyết định sự tồn tại của mình. Có như thế HTX mới hoạt động ổn định và phát triển được"

Ông Trịnh Công Minh (phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang)

HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim được xem là điển hình của mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới. Được tỉnh Tiền Giang dốc tâm huyết đầu tư, hỗ trợ để ra đời năm 2008, sau đó tiếp tục nuôi dưỡng bằng việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ quy trình sản xuất và chứng nhận GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc), xây dựng nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn quốc tế... Thế nhưng HTX này chỉ sống được chừng một năm, khi chứng chỉ GlobalGAP hết hạn thì HTX không có kinh phí tái kiểm tra công nhận nên bỏ luôn. Mặc dù xã viên HTX cũng canh tác theo quy trình GlobalGAP nhưng chỉ bán sản phẩm với giá tương đương vú sữa thường. Thậm chí nhiều lúc thương lái “đánh úp” bằng cách mua giá cao hơn vài nghìn đồng/kg. Thế là xã viên quay lưng với HTX.

 

 

Lúc đỉnh điểm, HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim có 102 xã viên với 174ha, đến nay HTX không nắm được số xã viên và diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Mạnh ai nấy làm. Có người mang danh xã viên nhưng không gắn với HTX. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Ngàn thừa nhận: “HTX không đảm bảo được quyền lợi của xã viên thì họ quay lưng với mình”.

 

Ông Đoàn Văn Mỹ - nông dân xã Bình Trưng, huyện Châu Thành - là một trong những người đầu tiên gia nhập HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim vì sản xuất tiêu chuẩn GlobalGAP được hứa hẹn bao tiêu giá cao. Tuy nhiên, canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP rất công phu, nhưng khi thu hoạch ông đành đưa ra chợ bán với giá bằng với vú sữa canh tác bình thường. Bức xúc vì việc này, ông Mỹ và rất nhiều người khác xin ra khỏi HTX. “Thà là mình tự làm để rồi mình muốn bán đâu thì bán. Còn hơn là ở trong HTX phải chờ đợi khi nào HTX nói không mua mình mới được quyền bán thì ức lắm” - ông Mỹ nói.

 

Ông Ngàn cho biết thêm hiện nay ban chủ nhiệm HTX đang bối rối không biết nên tiếp tục duy trì hay giải thể. Chứng chỉ GlobalGAP đã hết hạn, HTX không có tiền tái chứng nhận. Nhà đóng gói thì hết hạn thuê đất nhưng không có tiền để gia hạn hợp đồng thuê. Đáng lo là nhà xưởng đóng gói đã xây xong trên đất thuê không biết di dời đi đâu. Xã viên sau một thời gian hứng khởi gia nhập nay rã đám.

 

Tương tự, HTX Mỹ Thành ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cũng nổi tiếng những năm 2008 với sản phẩm lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên ở VN. Thế nhưng mấy năm qua, hoạt động của HTX này rất èo uột. Xã viên muốn gặp ban chủ nhiệm HTX cũng không biết tìm ở đâu. Lúa GlobalGAP của HTX cũng không còn sản xuất vì hết hạn chứng nhận và không có ai bao tiêu nữa.


Quản lý yếu kém

 

 

 

Bưởi năm roi Mỹ Hòa cũng là thương hiệu tự hào của người dân Vĩnh Long. Năm 2008, bưởi năm roi Mỹ Hòa được cấp chứng chỉ GlobalGAP và đến năm 2009 đã xuất khẩu hàng ngàn tấn sang thị trường châu Âu. HTX cũng có hợp đồng bán bưởi cho hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry và các siêu thị ở Hà Nội... Thế nhưng, sau khi chứng chỉ GlobalGAP hết hạn, đường ra nước ngoài của bưởi năm roi bắt đầu chông chênh.

 

Đến năm 2011, nhiều xã viên đã kiện HTX đòi tiền mua bưởi. Với vụ lùm xùm này, cơ quan thanh tra vào cuộc và kết luận HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa trong quá trình hoạt động không tuân thủ điều lệ HTX. Nghiêm trọng hơn, HTX không thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê, kiểm toán. Kết quả thanh tra cho thấy chủ nhiệm Trần Văn Sang đã thu giữ của HTX gần 1,5 tỉ đồng và bị buộc phải nộp lại hơn 804 triệu đồng tiền mặt.

 

Các HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, HTX Mỹ Thành ở Tiền Giang thoi thóp như hiện nay cũng vì quản lý yếu kém và “ăn xổi ở thì”.

 

Ông Trịnh Công Minh, phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết nguyên nhân khiến hoạt động của HTX ì ạch là trước đây các HTX được nuôi dưỡng quá mức. Nhiều HTX hoạt động chỉ dựa vào các chương trình, dự án là chính nên hễ đạt được mục tiêu dự án là coi như xong. Hàng loạt HTX được hình thành theo chỉ tiêu của địa phương, không xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã viên nên không chuẩn bị đầy đủ về vốn, nguồn nhân lực để quản trị HTX. “Nhiều nơi lãnh đạo HTX được chỉ định từ ý kiến chủ quan của lãnh đạo địa phương chứ không dựa vào năng lực của cán bộ quản trị HTX nên đã xảy ra tình trạng hỗn loạn ở nhiều HTX” - ông Minh nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một trong những người tiên phong của phong trào xây dựng HTX nông nghiệp ở An Giang trước đây, cho rằng bản chất của HTX nông nghiệp là tập hợp nông dân để làm ăn lớn. Nhà nước chỉ đứng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho HTX hoạt động. Đằng này, thời gian qua phần lớn HTX được “đẻ” ra theo chỉ tiêu của địa phương, chỉ định người quản trị HTX dù họ không đủ trình độ, năng lực nên việc HTX hoạt động không hiệu quả là đương nhiên.

 

Chưa làm được khâu đầu ra

 

Theo ông Nguyễn Minh Châu - viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, HTX nông nghiệp thực tế rất cần với nông dân. Đó là tổ chức đại diện cho dân để giúp họ sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn, VietGAP hay GlobalGAP. Ngoài ra HTX còn đại diện giao dịch, ký hợp đồng mua bán nông sản, vật tư nông nghiệp với các doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên thực tế cho thấy thời gian qua chỉ thấy HTX làm được khâu sản xuất, còn đầu ra chưa làm được. Nếu doanh nghiệp không chủ động liên hệ đàm phán ký hợp đồng với HTX thì... chịu. “Phải tổ chức lại các HTX nông nghiệp. Phải làm sao cho nông dân thấy HTX là của họ, là đại diện cho họ từ việc xây dựng logo, thương hiệu và hướng dẫn quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm” - ông Châu nói.

 

Ông Châu phân tích các HTX cần liên kết với nhau để nâng cao sức cạnh tranh. Có như thế mới tập hợp được sức mạnh, nâng cao được chất lượng, số lượng để cạnh tranh với thương lái bên ngoài.

 

 

Bài học từ HTX Tân Cường

 

HTX Tân Cường ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) được hình thành và nhanh chóng chọn hướng đi riêng cho mình. Đó là vào năm 2008, HTX Tân Cường đã xây dựng đề án “Xây dựng cánh đồng sản xuất lúa hiện đại” theo hướng cơ giới hóa từ khâu gieo sạ đến thu hoạch. Toàn bộ xã viên HTX cùng sản xuất một loại giống chất lượng cao (Jasmine) và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ lúa hàng hóa.

 

Không những vậy, HTX còn là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện mô hình “doanh nghiệp - HTX - xã viên”. Trong đó ban chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm làm đầu mối đàm phán, trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức cho xã viên sản xuất theo yêu cầu của hợp đồng, thực hiện dịch vụ đầu vào như vốn, giống, khoa học kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm lúa hàng hóa.

 

 

(Nguồn: NGỌC HẬU - THANH TÚ /TTO)