Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sản xuất bánh Trung thu tại một cơ sở ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, những công bố về kết quả thanh tra các cơ sở làm bánh Trung thu của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm khiến nhiều người không khỏi giật mình, thảng thốt. Bởi có tới vài chục nghìn cơ sở làm bánh trên cả nước không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hơn 26.000 cơ sở sản xuất vi phạm
Trong dịp Tết Trung thu năm 2012, để quản lý và siết chặt về an toàn thực phẩm, đã có 8 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Trung ương và 9.157 đoàn thanh tra, kiểm tra được thành lập tại các tỉnh, thành phố. Đây là đợt thanh tra, kiểm tra diện rộng được triển khai đồng bộ từ trung ương đến tuyến xã.
Đối tượng được lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, đặc biệt là những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt...
Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Trần Quang Trung cho biết, thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã thanh tra tổng số 121.197 cơ sở và đã phát hiện 26.576 cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (chiếm tỷ lệ 22%), xử lý gần 6.000 cơ sở (chiếm tỷ lệ 5%).
Tổng số tiền phạt lực lượng chức năng thu được trong dịp thanh tra Tết Trung thu là gần 2,2 tỷ đồng. So với năm 2011, số tiền phạt thu được tăng lên rất nhiều.
Năm 2011, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu là hơn 700 triệu đồng.
Ngoài việc xử phạt, nhiều địa phương đã kiên quyết tiêu hủy các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm tránh tác hại cho người tiêu dùng. Đã có 2.555 cơ sở có sản phẩm bị tiêu hủy với tổng số gần 3.000 loại sản phẩm. Trong đó một số địa phương phát hiện và tiêu hủy nhiều sản phẩm không đạt chất lượng như Hà Nội, Thanh Hóa.
Xử phạt vẫn chưa nghiêm
Mặc dù thời gian qua lực lượng chức năng liên ngành đã phát hiện được nhiều cơ sở vi phạm, tuy nhiên ông Trung đánh giá, tình hình xử lý vi phạm tại các địa phương chưa nghiêm. Số cơ sở vi phạm không bị xử lý chiếm tới 76% tổng số vi phạm được phát hiện và tập trung chủ yếu ở tuyến xã và tuyến huyện.
Điển hình như một số địa phương, việc xử lý còn chưa kiên quyết như tỉnh Hải Dương đã thanh tra, kiểm tra gần 7.400 cơ sở, phát hiện gần 1.400 cơ sở vi phạm, phạt cảnh cáo 289 cơ sở, không phạt tiền cơ sở nào.
Lực lượng chức năng tại tỉnh Hưng Yên đã thanh tra hơn 1.700 cơ sở, phát hiện 713 cơ sở vi phạm nhưng chỉ phạt tiền hai cơ sở với số tiền phạt 800.000 đồng.
Tỉnh Phú Yên đã phát hiện 323 cơ sở vi phạm, phạt tiền hai cơ sở với số tiền phạt 400.000 đồng. Hay như tỉnh Yên Bái đã phát hiện 230 cơ sở vi phạm, không phạt tiền cơ sở nào.
Theo đánh giá của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, một số địa phương khác như Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, số cơ sở vi phạm tương đối lớn, tuy nhiên số cơ sở bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền và số tiền phạt đều không đáng kể.
Ngoài các nội dung vi phạm như nêu trên, theo báo cáo của các địa phương trên thị trường trong dịp Tết Trung thu 2012 vẫn còn nhiều mặt hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, một số cơ sở sản xuất thực phẩm sử dụng nguyên liệu, phụ gia quá hạn sử dụng…
Đặc biệt, tỷ lệ vi phạm nhiều nhất trong dịp Tết Trung thu năm 2012 là đa phần các cơ sở chưa khám sức khỏe và tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất (chiếm tỷ lệ 24%). Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương.
Nguyên nhân là do đặc điểm sản xuất thực phẩm trong dịp Tết Trung thu tại một số cơ sở mang tính thời vụ, các cơ sở thường nhận thêm nhân viên hợp đồng tạm thời vào làm, số nhân viên này đều không được khám sức khỏe và tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó có tới 22% cơ sở sai phạm về điều kiện vệ sinh dụng cụ, vệ sinh do nhiều cơ sở sản xuất không bảo đảm theo nguyên tắc một chiều, không tách biệt giữa thực phẩm sống và chín khi bảo quản, thiếu giá kê thực phẩm.
Như vậy, việc có nhiều cơ sở làm "bánh Trung thu bẩn” khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Và câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng mỗi dịp Rằm tháng Tám cận kề.