Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kênh rạch TPHCM bị san lấp vô tội vạ

(10:53:32 AM 20/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Theo số liệu đến đầu tháng 10-2012 của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM, chỉ trong 3 năm gần đây trên địa bàn TPHCM có thêm 41 vị trí kênh rạch bị người dân lấn chiếm, san lấp để xây dựng nhà ở, tập trung chủ yếu trên các kênh rạch: Sông Tân, Cây Me, Bần Đôn, Bến Ngựa, Ông Đội 1, Bà Bướm 2 và 3 (quận 7), Trường Đai 1, cầu Cụt, Chín Xiển, Ông Cự, Bà Ty, Bà Miên, Bên Bồi… (quận Gò Vấp), rạch Lăng, Cầu Bông, Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Cộng Hòa 1 (quận Tân Bình); rạch Dĩa, Cầu Trắng (quận Thủ Đức), Bình Lộc, Phú Lộc (Bình Chánh)…

 

Nhà xây trái phép lấn rạch Xóm Củi (xã Bình Hưng, Bình Chánh, TPHCM)

 

Nguy cơ rình rập

 

Theo quy định của UBND TPHCM, hành lang an toàn đường thủy gồm 4 cấp. Riêng trong phạm vi hành lang an toàn cấp 1 và 2 tính từ mép bờ cao vào bờ 50m, không được phép xây dựng kiên cố, cơi nới đối với những nhà đã có sẵn, quỹ đất này chỉ được sử dụng để xây đê điều, đường giao thông, phòng chống bão lụt, công viên, trồng cây xanh… Quy định đã có nhưng thực tế quy định này vẫn bị nhiều người ngang nhiên vi phạm. Các kênh rạch bị lấn chiếm, gây nghẽn dòng chảy, làm môi trường nước kênh rạch bị ô nhiễm nặng. Thêm vào đó, hàng ngày các hộ dân sống trên kênh rạch còn trút rác thải xuống kênh.

 

Rạch Bà Bướm - nhánh 2, đoạn qua khu phố 2 phường Phú Thuận quận 7 - dài hơn 100m đã bị người dân đóng cừ gỗ, đổ đất, xà bần lấn ra lòng rạch 2,5-3m để xây nhà, khiến dòng chảy ngày càng thu hẹp, tàu ghe qua lại khó khăn. Tối 15-10, khi nước triều dâng cao, ghe máy lưu thông, sóng nước liên tục ập vào muốn xô đổ những căn nhà cất tạm bợ sàn ván, mái tôn ven rạch Bà Bướm, khiến nhiều người ngụ ở các căn nhà lấn rạch lo lắng tháo chạy ra một số nhà dân phía ngoài hẻm xin ở nhờ.

 

Tại cửa xả rạch Bà Bướm - nhánh 3, đoạn qua phường Phú Thuận - nhiều người dân san lấp cửa cống phi 300 để xây nhà, dẫn đến một phần phường Phú Thuận bị ngập sâu mỗi khi mưa xuống. Dọc bờ kênh Đôi đoạn qua phường 4 quận 8 hiện có hơn 400 căn nhà sàn lấn ra gần giữa kênh, khiến việc lưu thông của tàu ghe rất khó khăn, nguy hiểm. Từ năm 2009 đến nay, trên đoạn kênh này xảy ra 3 vụ sạt lở, khiến hàng chục căn nhà lấn kênh bị cuốn trôi, lún nứt. Sau khi sạt lở, nhiều vị trí bờ kênh tiếp tục bị xói mòn dần dần, tạo hàm ếch ăn sâu bên trong.

 

Tại quận Bình Tân, rạch Bà Tiếng - đoạn qua phường Bình Trị Đông B - đã bị nhiều người “xẻ thịt” vô tội vạ. Nhiều đoạn rạch bị san lấp làm nhà, lối đi lại, hoặc lấn chiếm để mở quán ăn nhậu. Mưa xuống, rạch không thoát được nước, nên tuyến đường Hồ Học Lãm chạy song song rạch bị ngập sâu.

 

Cần biện pháp mạnh

 

Do lấn chiếm kênh rạch, nhiều diện tích mặt nước và đất công bị mất, giao thông đường thủy bị cản trở, nghẽn dòng chảy gây ngập lụt triền miên, môi trường ô nhiễm, sức khỏe và tính mạng của người dân sống ven kênh rạch bị đe dọa. Mối nguy này đã được các cấp chính quyền địa phương, sở ngành TPHCM quan tâm và triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn.

 

Thế nhưng trong khi TP đầu tư lớn kinh phí để giải tỏa nhà ven và trên kênh rạch, số vị trí kênh rạch bị lấn chiếm vẫn tăng nhanh. Một bộ phận người dân còn thiếu ý thức, chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt mà quên đi hậu quả và hệ lụy lâu dài của việc lấn rạch. Một số hộ có nhà ven và trên kênh rạch ở nội thành, sau khi được giải tỏa, nhận tiền đền bù, lại ra vùng ven tiếp tục xây cất lấn chiếm kênh rạch để ở.

 

Trong khi đó, các địa phương thiếu quan tâm kiểm tra phát hiện và không kiên quyết xử lý cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm kênh rạch. Nói về giải pháp ngăn chặn tình trạng kênh rạch bị lấn chiếm để san lấp xây dựng, một số địa phương tỏ ra bất lực, thậm chí thờ ơ khi cho rằng nhân lực thiếu, kinh phí không có, hay việc lấp rạch xây nhà chỉ diễn ra vào ban đêm, xử lý không xuể…

 

Thực tế đòi hỏi chính quyền địa phương và các cấp sở - ngành TPHCM cần có nhiều biện pháp căn cơ hơn để ngăn chặn hữu hiệu nạn lấn chiếm kênh rạch; chấn chỉnh tình trạng lỏng lẻo trong công tác quản lý kênh rạch; tổ chức đồng bộ việc phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm giữa các địa phương. Từ ngày 11-3-2010, UBND TPHCM đã có Chỉ thị 09/2010/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng và trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn TPHCM. Nội dung chỉ đạo và các giải pháp của UBND TP đã khá chặt chẽ, vấn đề là cần phải thực hiện nghiêm túc việc xem xét trách nhiệm của chủ tịch UBND các quận - huyện nếu để xảy ra các trường hợp lấn chiếm, san lấp kênh, rạch và xây dựng công trình trái phép trên địa bàn mình quản lý.

Tuấn Vũ (SGGP)