Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách 2012-2013 tổ chức ngày 16.10 tập trung vào các vấn đề như khó khăn trong cân đối thu - chi ngân sách, giải pháp giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, và giải phóng sức mua, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Quan trọng hơn cả là trong số 450.000 DN còn sống thì quy mô giảm bao nhiêu, tác động tới giảm GDP như thế nào. Ủy ban Kinh tế mỗi lần họp không có số liệu để đánh giá, chúng tôi đặt hàng chuyên gia họ cũng không làm được, mà chỉ có người trong cuộc mới có hệ thống dữ liệu đầy đủ |
||
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu |
||
Về kinh tế năm 2012, trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội (QH) đề ra, Chính phủ thực hiện được 2/3 tức 10 chỉ tiêu. Theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) đây là thành quả đáng khích lệ, nhưng khó ở chỗ 5 chỉ tiêu không đạt lại là các chỉ tiêu quan trọng nhất như GDP, tỷ lệ giảm nghèo, thất nghiệp…
Dùng nguồn tăng thu dầu khí để tăng lương
Trong phiên buổi sáng, báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, do ngân sách năm nay và năm tới gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình trong năm tới (vào 1.5.2013). Báo cáo thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng lương tối thiểu đã tăng 8 lần từ tháng 1.2003 đến tháng 5.2012, đồng thời tăng cao trong những năm gần đây, từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng năm 2011 và lên 1.050.000 đồng năm 2012.
Tuy nhiên, tại phiên buổi chiều, một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, nên cân đối các nguồn thu khác để tăng lương, qua đó kích thích tiêu dùng, tăng sức mua, giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, năm nay Chính phủ không hứa hẹn tăng lương, nhưng ông gợi ý có thể rà soát, cắt bớt dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết để bù đắp tăng lương, làm cách này có thể được vì tổng chi không giảm. “Nếu tăng lương từ 1.5.2013 ngân sách phải chi khoảng vài chục nghìn tỉ đồng, trong khi vừa rồi chỉ có mấy ngày mà đầu tư trái phiếu tăng từ 173.000 tỉ lên hơn 180.000 tỉ đồng. Nếu tăng đầu tư trái phiếu thì đầu tư công giảm bớt đi 10.000 tỉ đồng, cộng thêm tăng thu nội địa khoảng 5.000 tỉ, tiết kiệm chi được thêm 10.000 tỉ đồng, tổng cộng cũng được 25.000 tỉ đồng để tăng lương. Tôi lấy ví dụ như vậy để các đồng chí có thể tính xem”, ông nói.
Chủ tịch QH tiếp tục đặt câu hỏi: “Chính phủ đặt ra các mục tiêu vĩ mô, để đạt được phải kích hoạt nền kinh tế thông qua tăng tiêu dùng, đẩy tồn kho, xử lý nợ xấu, nếu không có tiền thì lấy gì kích hoạt. Không có tiền lấy gì đi chợ? Các ủy viên ngồi đây lương 7-8 triệu đồng/tháng nhưng những người thấp hơn khó khăn lắm, đặc biệt cán bộ hưu trí, người có công”.
Ông cũng đề nghị và khuyến cáo: “Nếu giả sử tăng 10% cho các cụ về hưu và người có công thì mức tăng cũng chỉ từ 120.000 đồng đến vài trăm nghìn có nhiều đâu. Các đồng chí thử tính toán xem có được không. Tôi đồ rằng, bây giờ các đồng chí không tính đến khi ra QH sẽ phải tính, lúc đó rơi vào bị động, mà cũng không thể cãi được vì đại biểu nói mình lý luận một đường, làm một nẻo. Lý luận là kinh tế vĩ mô, là an sinh xã hội, lý luận là giải quyết tồn kho, nợ xấu mà không giải quyết được thì không ổn”.
Ngay sau gợi ý của Chủ tịch QH, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS - Phùng Quốc Hiển đồng tình cho rằng, tăng lương là điều kiện để có thể tăng kích thích tiêu dùng. Nguồn ngân sách năm nay khó khăn, tuy nhiên theo dự báo nguồn thu từ dầu thô sẽ tăng vượt dự toán, do giá dầu dự đoán ở mức 90 USD/thùng có thể tăng lên 100 USD/thùng, thậm chí cao hơn. Vì vậy có thể dùng nguồn tăng thu này để tăng lương.
|
“Cách làm có vấn đề gì đó”
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cảnh báo, quý 4 luôn là thời điểm căng thẳng và nhạy cảm nhất của nền kinh tế. Doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, vốn đầu tư, tín dụng tăng nhanh… nếu không cẩn thận trong điều hành thì chính sách vĩ mô sẽ bị đảo lộn.
Ông Giàu cũng cho rằng, cần phải có một báo cáo đánh giá thực trạng 41.000 DN ngừng hoạt động, phá sản, trong đó tác động làm giảm bao nhiêu phần trăm GDP, giảm bao nhiêu tiền thuế, bao nhiêu việc làm. “Nhưng quan trọng hơn cả là trong số 450.000 DN còn sống thì quy mô giảm bao nhiêu, tác động tới giảm GDP như thế nào. Ủy ban Kinh tế mỗi lần họp không có số liệu để đánh giá, chúng tôi đặt hàng chuyên gia họ cũng không làm được, mà chỉ có người trong cuộc mới có hệ thống dữ liệu đầy đủ”, ông nói.
Thảo luận thêm về các giải pháp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần tăng tiêu dùng, mở rộng thị trường để giải quyết tồn kho. Thứ hai, phải giải quyết nợ xấu ngân hàng. “Tăng trưởng huy động 11-12%, mà cho vay ra chỉ có vài phần trăm rất chênh lệch. Cần mở kênh cho vay tiêu dùng như vay làm nhà, mua nhà, dùng xi măng sắt thép làm nhà, làm đường nông thôn”, ông nói.
Về đầu tư công, Chủ tịch QH góp ý, Chính phủ và trực tiếp là Bộ KH-ĐT không thể để chậm trễ việc phân bổ đầu tư công năm 2013 đến tận tháng 8 như năm 2012, phải phân bổ ngay từ bây giờ để đến 31.12.2012 là hoàn thành. Ông nhấn mạnh: “Danh mục dự án, chương trình mục tiêu đã có rồi, năm tới không thể nói chậm giao ngân sách thì chậm phân bổ. Đừng chậm nữa. Khi họp QH cũng đã nhận khuyết điểm rồi phải không anh Bùi Quang Vinh (Bộ trưởng Bộ KH-ĐT - PV), nếu không đại biểu chất vấn là chết. Còn trái phiếu hiện vẫn có câu chuyện bửa ra nhiều công trình quá. Mỗi công trình đầu tư 3.000 tỉ, giải ngân 500 tỉ đồng đổ được ít đá sỏi, lăn lu vài bữa, bắt đầu ô tô chạy qua lại trôi hết, không hiệu quả, công trình không hoàn thành, cần chấn chỉnh”.
Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn chỉ ra rằng, tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt 5,2% trong khi chỉ tiêu là 6-6,5%, đó là một khoảng cách khá xa. Cả Chính phủ và QH đều có khuyết điểm. “Cũng thời điểm này năm ngoái, UBTV ngồi thảo luận, đánh giá, đưa ra chỉ tiêu. Giờ không đạt được thì theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đều có khuyết điểm cả. So với năm ngoái, chủ quan tôi suy nghĩ không có khó khăn gì đột biến mà đã lường trước được khó khăn cả thế giới, trong nước, chúng ta phân tích quá lạc quan dẫn tới chỉ tiêu như thế”, ông nói.
Cũng theo ông Sơn, trong đánh giá của Chính phủ về nguyên nhân có phần yếu kém trong bộ máy quản lý nhưng ông thấy không thỏa mãn vì bộ máy Chính phủ vừa kiện toàn năm 2011 gồm những cán bộ đầy khí thế, có trình độ cao. “Bộ máy vừa mới bổ sung, kiện toàn 2011 toàn những người trẻ, khoẻ mạnh và học hành cao, vì vậy không thể đánh giá bộ máy kém mà là cách làm có vấn đề gì đó mà chúng ta chưa nhận ra được”, ông nói.
Chôn tiền lớn nhất là bất động sản
Trong phiên thảo luận buổi sáng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, hiện nay con số ông nắm được dư nợ ngân hàng là 2 triệu tỉ đồng, trong đó vào bất động sản khoảng 1 triệu tỉ đồng. Ông cũng không giấu được sự sốt ruột khi nhận định nơi “chôn tiền lớn nhất là bất động sản” nhưng chưa được Chính phủ nhìn nhận, phân tích kỹ, cùng với phương án để giải quyết nợ xấu ở lĩnh vực này. “Bao nhiêu sắt thép xi măng chôn đấy, chưa kể đã tồn kho còn nhập về cất tiếp”, Chủ tịch QH nói.
Tuy nhiên trả lời Chủ tịch QH, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, hiện cho vay bất động sản, xây dựng chiếm 5% tổng dư nợ.
Cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 ước đạt 741,5 nghìn tỉ đồng, tăng 1% so dự toán, tương tự tổng chi cân đối ước 904,1 nghìn tỉ đồng, cũng tăng 1% dự toán 2012. Bội chi ngân sách 4,8% GDP. Nhìn con số này, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, chưa năm nào thu ngân sách chỉ có thể đạt hoặc vượt không đáng kể so với dự toán, con số cụ thể là hơn 17.000 tỉ đồng tăng thu trung ương, nhưng địa phương giảm tương tự, nên mức thu chỉ xấp xỉ dự toán, trong khi mọi năm tăng hơn vài chục nghìn tỉ đồng, tương đương tỷ lệ hơn 20%. Kết quả này chứng tỏ tình hình kinh tế năm 2012 vô cùng khó khăn. |