Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mưa sao băng xuất hiện cuối tuần này

(13:30:15 PM 16/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Những người yêu thiên văn sẽ có cơ hội ngắm trận mưa sao băng Orionids đạt đỉnh cuối tuần này.

 

Một trận mưa sao băng Orionid. Ảnh: nightskyhunter.com.

 

Ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn và Vũ trụ Việt Nam cho biết, người quan sát có thể xem Orionids từ ngày 20 đến 25 tháng này, nhưng trận mưa sao băng đạt cực điểm vào tối thứ bảy ngày 20/10, rạng sáng chủ nhật ngày 21/10, với 20 đến 30 vệt/ giờ.

 

Thời điểm thích hợp nhất để quan sát ở Việt Nam là 0h sáng chủ nhật ngày 21/10, lúc này mặt trăng đã lặn xuống phía tây, nên không ảnh hưởng tới việc chiêm ngưỡng mưa sao băng.

 

"Từ 0h, người theo dõi hay nhìn về bầu trời đông sẽ thấy chòm sao Orion - tâm điểm của trận mưa sao băng mọc lên cao", ông Phường nói.

 

Theo các chuyên gia, để xem trận mưa sao băng trên, người quan sát chỉ cần dùng mắt thường, tìm nơi có góc nhìn rộng và trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

 

Mưa sao băng Orionid là “sản phẩm” của Halley – sao chổi mà con người có thể thấy theo chu kỳ 75 tới 76 năm. Trên thực tế, Halley là sao chổi nổi tiếng nhất trong số các sao chổi xuất hiện theo chu kỳ.

 

Sao chổi Halley bay quanh mặt trời. Trong những giai đoạn nhất định, khoảng cách giữa Halley và mặt trời đủ gần, nhiệt từ mặt trời khiến vật chất thoát khỏi sao chổi. Khi địa cầu lọt vào vùng vật chất ấy, các hạt có kích thước lớn lao vào bầu khí quyển với tốc độ lên tới 145.000 km/giờ và bốc cháy trong vài giây, tạo nên những vệt sáng. Người ta gọi hiện tượng này là mưa sao băng Orionids và các vệt sáng dường như xuất phát từ chòm sao Orion (Lạp Hộ). 

(Nguồn: Hương Thu/ VnExpress)