Phát hiện mang tính đột phá này đã được giới thiệu tại một cuộc triển lãm kết hợp nghệ thuật và công nghệ sinh học mang tên "The great work of the metal lover". Theo đánh giá của nhà nghiên cứu có tiếng Adam Brown, nó được xem là "thuật giả kim thời hiện đại".
Vậy loại vi khuẩn có tính năng kỳ diệu này chính xác là gì? Theo khoa học, nó có tên Cupriavidus metallidurans và đặc tính chủ yếu là khả năng sống sót tuyệt vời trong môi trường cực kỳ độc hại. Vài năm trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra loại vi khuẩn này trong các khối vàng được khai thác tại hai mỏ riêng biệt, cách nhau hàng trăm dặm ở Australia.
Thời điểm đó, các nhà khoa học đã nghĩ tới 2 hướng: Loại vi khuẩn này chỉ vô tình sống trong khu vực gần mỏ vàng hay chính nó đã thực sự tạo nên vàng?
Và câu trả lời cuối cùng là: Cupriavidus metallidurans hoàn toàn có khả năng biến hợp chất thành vàng. Kazem Kashefi - trợ giảng khoa vi trùng học và di truyền học phân tử và Adam Brown - giáo sư ngành nghệ thuật điện tử Đại học Bang Michigan nhận thấy, vi khuẩn Cupriavidus metallidurans có thể lớn lên và sinh sôi nếu được đặt trong môi trường vàng clorua - một chất hóa học độc hại, vô giá trị.
Sử dụng một phòng thí nghiệm di động được làm từ loại vi khuẩn trên, một bioreactor (thiết bị nuôi cấy được thiết kế chuyên biệt, nhằm mục đích nhân nhanh một số lượng lớn tế bào, mô… trong môi trường lỏng có hệ thống làm thoáng khí) và ổ cứng mạ vàng 24 carat, nhóm các giáo sư tiếp tục nuôi dưỡng vi khuẩn với "một lượng vàng clorua lớn chưa từng thấy".
Kết quả là, vi khuẩn không chỉ đủ sức kháng cự lại độc tố trong vàng clorua mà chỉ trong vòng một tuần, chúng biến đổi vàng clorua thành vàng nguyên chất 99,9%.
Khi được hỏi về tác động của phát hiện trên đối với ngành công nghiệp sản xuất vàng, các chuyên gia Đại học Bang Michigan đều khẳng định, mặc dù thí nghiệm ban đầu của họ đã thành công nhưng chi phí thực hiện cao tới mức khó lòng mà tiến hành trên diện rộng được. Vì vậy, bạn đừng trông mong một ngày nào đó, có thể tự điều chế vàng tại nhà.