Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chưa bắt hết cá sấu, học sinh phải nghỉ học

(07:53:44 AM 15/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Đến cuối ngày 14-10 đã có 56 con cá sấu sổng chuồng của Công ty TNHH kinh doanh chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (gọi tắt Công ty Quốc Việt) được bắt lại và đưa về “chốn xưa”.

  

Đưa cá sấu bắt được về trại - Ảnh: Tấn Thái

 

Hiện việc tìm bắt những con cá sấu còn lại vẫn đang tiếp tục. Nhóm thợ bắt cá sấu được thuê từ Bạc Liêu xuống Cà Mau đang chia nhỏ từng khu vực lùng sục cá sấu.

Mong manh tường rào 

Chuộc lại cá sấu

Chiều 14-10, đã diễn ra tranh cãi gay gắt giữa nhóm thanh niên con cháu của ông Nguyễn Văn Trạng (nhà ở gần khu vực cá sấu sổng chuồng) với nhân viên Công ty Quốc Việt. Con cháu ông Trạng bắt được con cá sấu ở sân ngập nước trước nhà. Tuy nhiên, nhân viên Công ty Quốc Việt cho rằng cá sấu của mình nên đem về dẫn đến cự cãi. Ông Dương Minh Em cho biết phía công ty đã thỏa thuận và hứa “hỗ trợ” tiền công 1,5 triệu đồng cho nhóm người bắt được cá sấu.

Sáng 14-10, có mặt tại trại chăn nuôi cá sấu của Công ty Quốc Việt ở ấp Cây Trâm A, xã Định Bình, TP Cà Mau, chúng tôi thấy một đoạn tường rào giáp với phía sau Trường tiểu học Kim Đồng và một số hộ dân khác trong khu vực bị sụp ngã hoàn toàn xuống đường mương dài khoảng 35m, đoạn còn lại khá mong manh, chực chờ sụp. Công ty đã lấy lưới B40 và tôn che chắn sát mép ao không cho cá sấu lên bãi phía bên tường rào bị sụp.

 

Gặp chúng tôi tại khu vực trại chăn nuôi cá sấu, ông Nguyễn Văn Dũng, công nhân quản lý chuồng nuôi cá sấu, cho biết tổng số lượng khoảng 580 con, còn số lượng thoát ra bao nhiêu thì không thống kê được. Theo ông Dũng, nhóm bắt cá sấu thuê từ Bạc Liêu xuống, họ dùng xung điện nối với bình ăcquy. Khi dùng đèn rọi thấy cá sấu nổi lên thì chích điện vào chúng. Cá sấu khi bị chích điện bất tỉnh được các nhân viên bắt lên xuồng dùng băng keo bịt miệng lại và di chuyển đến trại chăn nuôi cá sấu của công ty. Cá sấu bất tỉnh khoảng 15 phút sau thì trở lại trạng thái bình thường.

 

Ông Phan Văn Đặng - giám đốc trại nuôi trồng thủy sản của Công ty Quốc Việt - nói: “Hiện công ty đang bơm nước từ ao nuôi cá của Trường tiểu học Kim Đồng ra cho cạn, đồng thời các nhân viên của công ty cũng phát quang một phần bụi rậm bên hông trường và lân cận một số nhà dân. Đêm nay các thợ bắt cá sấu ở Bạc Liêu sẽ bắt hết hai khu vực này. Như vậy cá sấu của trại chúng tôi có thể sẽ bắt lại hết. Còn việc cá sấu có thoát ra nơi khác hay không thì chúng tôi đang theo dõi sát sao”. 

 

Cho học sinh nghỉ học

Sáng 14-10, UBND xã Định Bình có thông báo khẩn yêu cầu công an, quân sự xã và ban giám hiệu Trường tiểu học Kim Đồng bố trí rào chắn, biển cấm, bảo vệ an toàn khu vực nói trên và thông báo rộng rãi cho người dân và học sinh có ý thức cảnh giác loài động vật hung dữ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chiều cùng ngày, ban giám hiệu Trường tiểu học Kim Đồng đã dán thông báo trước cổng trường cho học sinh nghỉ học ngày 15-10. Ông Dương Minh Em - chủ tịch UBND xã Định Bình - cho biết Công ty Quốc Việt hứa chậm nhất là hết ngày thứ hai (15-10) sẽ thu hồi tất cả cá sấu sổng chuồng, trấn an dư luận.

 

Theo chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải, Công ty Quốc Việt có tháo bớt nước theo đề nghị của kiểm lâm Cà Mau để đếm số lượng cá sấu còn lại ở trại nuôi. Nhưng do trời nắng, mới tháo được một ít thì cá vẫy vùng, phản ứng mạnh, vì vậy công ty chưa thể đếm số cá còn trong chuồng để có cơ sở xác định số cá sấu sổng chuồng là bao nhiêu.

 

Qua trao đổi, ông Nguyễn Tiến Hải - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - khuyến cáo: “Người dân trên địa bàn chớ nên hoang mang bởi tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng giám sát chặt chẽ, buộc Công ty Quốc Việt trong thời gian sớm nhất bằng mọi giá phải thu hồi và bắt hết lượng cá sấu sổng chuồng. Mặc dù tới thời điểm này vẫn chưa có trường hợp nào báo tắm sông, tắm đìa bị cá sấu gây hại nhưng trong thời điểm nhạy cảm này, bà con cũng chớ lơ là, chủ quan, nên quản lý chặt con em, không cho trẻ tắm sông, đùa nghịch nước ở ven kênh, rạch... phòng ngừa tình huống xấu nhất”.

(Nguồn:Tuổi Trẻ)