Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chất thải rắn-mối hiểm họa lớn

(00:06:46 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Lượng chất thải rắn (CTR) nguy hại chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng lượng chất thải rắn, nhưng nếu không được quản lý tốt sẽ là mối hiểm họa lớn đối với sức khỏe người dân và môi trường.

Nhiều yếu kém cần tháo gỡ

 

Cho đến nay, mặc dù đã có những kết quả nhất định, song công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp trong những năm qua vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nhận thức xã hội, nhận thức của chính quyền đô thị về vấn đề này chưa đầy đủ.

 

 

 

Công tác quản lý chất thải rắn tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết chính quyền địa phương các cấp và người dân còn tư tưởng cục bộ, chưa nhận thức được vấn đề xử lý chất thải rắn là sự nghiệp chung, không lệ thuộc vào ranh giới hành chính đô thị hay của tỉnh.

 

Công tác giảm thiểu tại nguồn, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn chưa triệt để. Việc phân loại tại nguồn và xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn chưa phổ biến, mới chỉ được thực hiện thí điểm ở một vài đô thị nhưng tỷ lệ chưa cao.

 

Việc thu gom lẫn lộn chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp, chất thải y tế nguy hại gây hậu quả lâu dài và nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe của người thu gom rác. Nghiêm trọng hơn, hình thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến hiện nay vẫn là đổ thải ở các bãi rác lộ thiên.

 

Xử lý rác thải y tế: Cần sự đầu tư lớn

 

Theo “Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025” vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, mục tiêu đến năm 2015 có 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, phân loại và vận chuyển đến các cơ sở xử lý, trong đó 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Giai đoạn đến năm 2025, 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

 

Căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 tầm nhìn đến 2020; quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020 và căn cứ vào các số liệu thống kê hàng năm, các nghiên cứu của Việt Nam và thế giới, Bộ Xây dựng cũng dự báo lượng CTR y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn cả nước đến năm 2015 khoảng 50.071kg/ngày và đến năm 2025 khoảng 91.991 kg/ngày (trong đó có hai vùng lượng rác thải y tế lớn là: Vùng đồng bằng sông Hồng chiếm khối lượng lớn năm 2015 là 14.990 kg/ngày và năm 2025 là 28.658 kg/ngày; vùng đồng bằng Nam Bộ năm 2015 là 12.839 kg/ngày và năm 2025 là 27.632 kg/ngày).

 

Những con số trên cho thấy, đã đến lúc không thể chậm trễ giải quyết vấn đề bức bách này. Và quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý CTR y tế nguy hại sẽ nâng cao hiệu quả quản lý CTR y tế nguy hại, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

 

Tuy nhiên, các cơ sở xử lý CTR y tế nguy hại được đầu tư xây dựng phải gắn liền với các khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và tại các cơ sở y tế nhằm thu gom, xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp.

 

Xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư

 

Rõ ràng, trong thời gian tới, cần đánh giá lại hiệu quả của quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn, chất thải rắn nguy hại (trong đó có chất thải y tế) cho các vùng tỉnh, vùng liên tỉnh, vùng đặc thù…, đảm bảo tất cả các đô thị và khu công nghiệp đều có quy hoạch bãi chôn lấp chất thải rắn hoặc trung tâm xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh.

 

Quy định trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan liên quan và xây dựng cơ chế cộng tác chặt chẽ nhằm thực thi các quy định về môi trường. Củng cố, nâng cao năng lực các Cty môi trường đô thị, đổi mới cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước thuộc lĩnh vực vệ sinh môi trường đô thị. Thực hiện xử lý triệt để các bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Hỗ trợ triển khai các chương trình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh, phát triển thị trường tái chế và các cơ chế khuyến khích giảm thiểu lượng rác phát sinh; mở rộng các chương trình áp dụng sản xuất sạch hơn, ít chất thải bằng chính sách ưu đãi; sản xuất túi, bao gói tự tiêu.

 

Xây dựng và thực hiện chương trình nội địa hóa, phát huy nguồn lực trong nước sản xuất trang thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục bồi thường, người được hưởng lợi từ các dịch vụ hạ tầng có nghĩa vụ tham gia đóng góp đảm bảo duy trì dịch vụ.

 

Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho quản lý chất thải rắn. Nâng cao nhận thức và giáo dục bảo vệ môi trường, tổ chức và tăng cường hiệu lực bộ máy thanh tra, kiểm tra, kết hợp các biện pháp chế tài, xử phạt vi phạm hành chính.

(Theo Thạch Long - Monre)