Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nghệ An: Cần ngăn chặn nạn “tận diệt” chim trời

(13:07:59 PM 14/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Thời điểm này, tại nhiều địa phương ở Nghệ An đang có phong trào “tận diệt” chim cò. Đây là việc làm mang tính chất mùa vụ, nhưng lại đang gây ra nhiều hậu quả về môi sinh, môi trường, đặc biệt là trong việc bảo vệ đàn chim, cò tự nhiên đang ngày càng hiếm dần.

Cần ngăn chặn nạn “tận diệt” chim trời ở Nghệ An



Tại các tỉnh Bắc miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng, do thời tiết thích hợp nên cứ vào mùa thu đông hàng năm các loại chim cò tự nhiên trở về nhiều. Đến các vùng ven biển trong tỉnh, dễ dàng bắt gặp chim cò đậu tự nhiên trên cây, trên các cánh đồng lúa đang thu hoạch hoặc trong bụi rậm. Lợi dụng điều này, nhiều người dân đã “tranh thủ” đi đánh bắt chim cò.

Đến các xã Nghi Yên, Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc), Hưng Hòa (Thành phố Vinh) và nhiều xã khác ở huyện Diễn Châu, Hưng Nguyên rất dễ nhận thấy có những bẫy chim cò được những người đi đánh bắt chim cò đặt sẵn trong bụi cây, trên cánh đồng. Do dụng cụ đánh bắt và cách đánh bắt đơn giản, không phải chi phí tốn kém nên nhiều người đã tham gia đánh bắt chim cò. Trong số những người đánh bắt, có người coi đó là thú vui trong những ngày nghỉ cuối tuần hoặc sau mỗi buổi chiều đi làm về, nhưng cũng có người coi đánh bắt chim cò là nghề để kiếm thu nhập.


“Tiếp tay” cho phong trào “tận diệt” chim cò là các nhà hàng, khách sạn, quán ăn trên địa bàn. Thời điểm này, vào bất cứ quán nhậu nào trên địa bàn Nghệ An cũng dễ dàng gọi thực đơn là những đĩa chim cò. Có những quán nhậu “sành điệu” hơn còn có món tiết chim pha với rượu mà thực khách được tận mắt chứng kiến tại chỗ việc giết chim, lấy tiết bỏ vào rượu. Tại các chợ quê ở nông thôn cũng thấy có rất nhiều chim cò được bày bán. Giá cả bình dân, trong khi đây là món ăn mới, hấp dẫn nên nhiều người đã tìm mua chim cò về chế biến. Tại Nghệ An, qua điều tra, có thể khẳng định vào mùa này, nguồn cung cấp chim cò cho các nhà hàng, khách sạn và bày bán tại chợ, phần lớn có được là từ nguồn đánh bắt tự nhiên. Lượng tiêu thụ lớn như vậy thì mỗi ngày, lượng chim cò bị “tận diệt” là không nhỏ.

Chim, cò là những loại động vật có nhiều tác dụng đối với môi sinh, môi trường; hình ảnh chim cò cũng đã được đưa vào thơ ca, nhạc họa. Việc “tận diệt” tràn lan chim cò như hiện nay là điều không nên, cần ngăn chặn. Đáng tiếc, các ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Và hàng năm, phong trào “tận diệt” chim cò lại cứ thoải mái, “đến hẹn lại lên”.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)