Nếu có thật, rồng cũng phải khóc...
Khỏi nói, xưa nay, không biết thực hư đến độ nào, nhưng người Việt, nhất là giới đàn ông, mê sừng tê giác như điếu đổ. Họ tin, đó là thần dược trong chuyện chăn gối, trong chữa bệnh nan y...
Người viết bài ngẫu nhiên chứng kiến và từng được mời nhấm nháp "món này", được mài ra pha với nước trắng, của một vị chức sắc trong cuộc rượu với bạn bè của ông.
Vị bột sừng tê giác, thì "vô vi", nhưng dư vị cuộc rượu thì hoan hỉ, ầm ĩ, háo hức bởi những câu chuyện tiếu lâm đàn ông đàn bà, với đủ kiểu hài hước thêu dệt, từ sức mạnh của chiếc sừng. Tê giác thì mất hai sừng, còn các vị tu mi nam tử trong thiên hạ thì hào sảng tặng nhau ...
Thần dược của sừng tê giác linh nghiệm đến đâu, không biết. Chỉ biết, nó đã mang đến bi kịch một cách thê thảm cho loài động vật được liệt vào Sách Đỏ của thế giới. Cho dù, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) luôn cảnh báo và kêu gọi các quốc gia bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Tê giác sống bị giết đã đành. Đến tê giác đã bị "nhồi bông" như con tê giác của đại gia Trầm Bê, một lần nữa lại bị "giết", để lấy sừng.
Cái chết lần hai của con tê giác, khiến câu chuyện rơi vào trạng thái bi hài. Báo chí ồn ào đặt câu hỏi. Lúc thì sừng tê giác trị giá 4 tỉ. Lúc thì chỉ là thú "nhồi bông"... Còn Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (Wildlife Conservation Society) lập tức vào cuộc, muốn có lời giải đáp xung quanh vụ mất trộm này.
Ông Trầm Bê đã buộc phải trình ra nguồn gốc của con tê giác- nguyên là quà tặng của người bạn, ông N. T. N, vào năm 2007, nhập khẩu hợp pháp từ Nam Phi, năm 2006.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quang Tùng, Phó GĐ Phụ trách Cites VN (Cơ quan Quản lý thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), con tê giác tại nhà ông Trầm Bê, có khớp hay không với giấy tờ nhập khẩu, thì chưa thể khẳng định. Vì con tê giác đi kèm với sừng. Muốn xác định phải rà chíp, trong khi chip gắn trên sừng, đã bị mất trộm, thì không thể kiểm tra được.
Đến tê giác đã bị "nhồi bông" như con tê giác của đại gia Trầm Bê, một lần nữa lại bị "giết", để lấy sừng |
Câu chuyện có vẻ không dừng ở đó. Mới đây, ngày 06/10, báo Đất Việt có bài viết với đầu đề, cũng là một câu hỏi: Ông Trầm Bê có hai con tê giác?
Bài báo dẫn chứng, trong cuộc trò chuyện tại nhà riêng ở t/p Cần Thơ, Trung tướng Huỳnh Tiền Phong, nguyên Tư lệnh QK 9- cho biết, cách đây gần 10 năm, ông có mượn ông Trầm Bê tiêu bản một con tê giác còn nguyên cả sừng, đem về trưng bầy ở trụ sở Bộ Tư lệnh QK 9 để trang trí và phục vụ khách tham quan.
Bây giờ thì quan trọng không phải là tê giác còn sừng, hay mất sừng, sừng "xịn" hay sừng dởm. Mà quan trọng là thời gian. Ông Huỳnh Tiền Phong mượn cách đây đã gần 10 năm, trong khi con tê giác ông Trầm Bê được tặng cách đây 5 năm. Vậy ông Trầm Bê sở hữu một hay hai con tê giác?
Vụ việc vẫn chưa rõ ràng.
Chỉ rõ ràng nhất, là có những thú vui của người Việt, của không ít đại gia mới nổi, không thể được coi là thú vui văn minh trong thế giới hiện đại này. Một thế giới mà sự khẳng định "đẳng cấp quý tộc" lẫn phong độ ăn chơi của con người, lại trở thành sự tàn bạo, độc ác và man rợ đối với thế giới loài vật quý hiếm không chút khả năng tự bảo vệ.
Điều đó, hổ thẹn thay, nó đối lập với những gì văn minh nhiều quốc gia đang hướng tới. Dù họ sống ở lâu dài, biệt thự, đi xe bạc tỉ, dùng hàng hiệu, có tất cả những điều kiện mà các tỷ phú thế giới có...
Đó là sự đối lập về tư duy văn hóa, và cả nhân cách người văn minh nữa. Vì ở đó sự sang giàu, văn minh đã bị đánh tráo khái niệm, mà chỉ có thể gọi đích danh là trưởng giả học làm sang.
Để phục vụ cho cái nhu cầu hưởng lạc, ăn chơi một cách trọc phú, mà hiện VN đã trở thành thị trường lớn tiêu thụ sừng tê giác lậu, trong con mắt của báo The Guardian tại Luân Đôn, với nhận xét tại VN, người ta nhậu với sừng tê giác.
Chỉ rõ ràng nhất, là VN cũng là một trong số 23 quốc gia được WWF đưa vào danh sách "điểm đến mạnh nhất của sừng tê". Nghe cứ như quảng cáo tự tin và hoành tráng của ngành du lịch. Và còn là một trong những quốc gia thất bại trong các mặt cơ bản về tuân thủ và áp dụng quy định, nhằm ngăn nạn buôn sừng tê giác.
Một thông tin mới nhất được đưa ra trên TP online, ngày 10/10 mới đây khiến không ít người sốc: Đó là Nam Phi đang đề xuất cho phép hợp pháp hóa việc mua bán sừng tê giác để chống lại tình trạng săn trộm tê giác nhức nhối hiện nay. Quốc gia này hy vọng với sự hợp pháp hóa, họ sẽ có thể kiểm soát được tốt hơn để bảo vệ được loài vật này đang có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2025.
Cũng bài báo cho biết, lâu nay, mỗi năm Nam Phi cho phép một số người ở quốc gia khác săn bắn, với mục đích trưng bầy. Nhưng từ tháng 4 năm nay, họ "nói không" với người có quốc tịch VN.
Cái niềm tin thần dược cho chăn gối, cho chữa bệnh nan y nó... bạo liệt đến mức, theo bài báo, kết quả phân tích của ĐH Pretoria (Nam Phi) thực hiện trên 20 mẫu sừng tê giác mua ở thị trường VN và Lào, chỉ có ba mẫu thật, còn lại là sừng trâu, cừu và linh dương được làm giả.
Không biết các quý ông người Việt nào đã sài "sừng tê giác", nghe tin này, có thấy mình đủ tự tin nữa không?
Nhưng sốc nhất, là thông tin: Mới đây, Bộ NN & PTNT có Thông tư 47, cho phép khai thác 160 loài thú rừng phục vụ thương mại (có hiệu lực bắt đầu từ ngày 09/11 tới).
Ngay lập tức, ý kiến của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học lên tiếng, lo ngại thông tư này rất dễ bị lợi dụng. Bởi cái cung cách quản lý lỏng lẻo, thả nổi trong lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên hiện nay. Hoàn toàn đúng.
Cứ đọc trên các báo thì rõ. Ngay những gốc sưa cổ thụ khổng lồ, với giá trị tiền tỷ còn bị cưa, đốn, ngang nhiên không thương tiếc, với sự tiếp tay của một số kiểm lâm. Nữa là những con vật tội nghiệp, thuộc giống loài hoang dã, quý hiếm trong Sách Đỏ cần bảo vệ, nhưng lại là những món khoái khẩu của người Việt.
Bỗng lo quá. Vì cái khoảng cách giữa giống loài được khai thác theo quy định của Thông tư, với giống loài cần được bảo vệ, chỉ mỏng manh như sợi chỉ. Mà công tác quản lý, kiểm soát, thanh tra, giám sát hiện nay ra sao? Lớn như một số vụ Vina..., còn...lọt lưới nữa là những con vật khốn khổ, dù có là "qúy hiếm" đi nữa. Có khi càng quý hiếm, mới càng cần săn bắt!
Rất có thể, sau thông tư này, các loài động vật quý hiếm, ở cả các loại vườn quốc gia, sẽ... sạch sành sanh!
Có câu nói của một lão nông mà người viết bài nhớ mãi: Ở VN, nếu rồng là con vật có thật, thì chắc chắn cũng sẽ là mồi nhậu!
Đúng vây. Nếu rồng là con vật có thật, và dù nhiều người coi là biểu tượng của nước Việt thì rồng cũng phải khóc!
Hạnh phúc giả, bi kịch thật
Có một thông tin, dù chỉ vài phút, nhưng nó đã để lại vị đắng tình yêu cho nhiều người tình cờ được xem, trên bản tin VTV1 mới đây.
Đó câu chuyện của 174 người phụ nữ tại một xã của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phải (vờ) ly dị chồng để ra nước ngoài lao động, thông qua hình thức kết hôn với người nước sở tại. Hình thức này đang trở nên phổ biến, bởi nếu so với việc xuất khẩu lao động hợp pháp, thì nó rẻ hơn nhiều về đầu tư tiền bạc.
Không biết vở kịch kết hôn giả, mà đạo diễn là kẻ môi giới lừa đảo nào đó, còn "diễn viên" tồi là những người đàn bà chân quê xã Tam Dị, có hiệu quả thế nào về kinh tế? Nhưng bi kịch thật, thì không phải chỉ là họ, là chồng họ, là gia đình họ, mà chính là những đứa trẻ thơ cuối cùng phải gánh chịu.
Hàng trăm đứa trẻ thơ ở xã này tự nhiên bị "mất mẹ" và chưa thể có giấy khai sinh, vì mẹ các em đã làm "vợ xứ người".
Cay đắng hơn, 40 gia đình trong số này đã tan vỡ hoặc đe dọa đổ vỡ. Dù những ngôi nhà cũ kỹ của họ được thay bằng những ngôi nhà cao tầng kiên cố có thể chống lại giông bão. Tiếc thay, giông bão lại đến từ lòng người, từ những vần vũ, những đổi thay của lòng người. Khiến một người chồng đã thốt lên, chua xót: Khi xưa, nghèo thì có nhau. Giờ giàu có thì...mất hết!
Những ngôi nhà cao tầng kiên cố ở Tam Dị. Ảnh: Anh Tuấn/ Báo Bắc Giang |
Được nhà mới, và mất "nhà tôi", là hai câu chuyện bi hài, đau xót luôn đặt cạnh nhau, và cười ra nước mắt của những người dân chân quê. Làng xã giờ đây, đường xá phong quang, nhiều ô tô, xe máy hơn trước. Nhưng sự phong lưu của vật chất và sự nghèo nàn về hiểu biết, sự băng hoại của đạo lý, rút cục như một tấn trò đời cay đắng, đặt đối xứng sau lũy tre làng.
Xin bạn đọc cũng đừng nghĩ chỉ thôn quê mới xảy ra hạnh phúc giả, bi kịch thật. Người viết vừa chứng kiến một chuyện đau đớn hơn thế, ngay tại Hà Nội: Bà mẹ vợ đang sinh sống, buôn bán ở nước ngoài, gợi í con gái mình "vờ" ly dị chồng để kết hôn với một anh chàng tây. Đó là điều kiện đầu tiên để có thể định cư ở nước đó.
Quá sốc trước toan tính của mẹ vợ, và có lẽ bị chấn thương tâm lý nặng, người con rể phát bệnh và cuối cùng, trở thành bệnh nhân "mãn tính" của bệnh viện tâm thần. Tiền bạc, tiền tệ quả là...bạc bẽo, là tàn tệ với những toan tính nông cạn, nông nổi, với cả người thôn quê và người thành phố.
Nhưng thông điệp của tấn trò đời này cần được chuyển tới những nhà quản lý văn hóa, những chuyên gia nghiên cứu văn hóa nông thôn.
Khi mà trong vụ việc "kết hôn giả, hạnh phúc giả, ly dị thật" không chỉ được sự thỏa thuận của người vợ, người chồng, mà ngay cả gia đình hai phía của họ cũng chấp nhận như một chuyện đương nhiên. Điều gì đang xảy ra trong gia phong mỗi ngôi nhà ở làng quê hiện nay, vốn coi trọng chữ nghĩa, chữ tình.
Hay giữa hai người, vợ và chồng, chỉ là Đồng tiền bạc bẽo và đầy ma lực?
Không phải kinh tế, không phải giáo dục, mà chính là văn hóa làng quê mới là vấn đề đáng lo ngại nhất. Cho dù còn nhiều chuyện bất ổn, nhưng nếu so với nhiều năm trước đây, kinh tế, giáo dục rõ ràng đều có nhiều phần đi lên, nhưng văn hóa làng quê VN dường như đang ...đi xuống.
Bởi VN là văn minh lúa nước, nên mỗi tác động tiêu cực của xã hội, thì dường như làng quê sẽ là nơi phải hứng chịu lâu dài. Mà xét cho cùng, cuối cùng, những đứa trẻ làng quê vô tội, sẽ phải gánh đủ bi kịch của người lớn.
Chúng sẽ lớn lên ra sao với sự trống rỗng về niềm tin ở con người?
Tình dục, và tiền bạc luôn là thú vui, là tham vọng lớn của không ít người. Nhưng nó cũng sẽ luôn mang đến bi hài kịch cho xã hội. Mà câu chuyện chiếc sừng tê giác và những người đàn bà thôn quê kia, chỉ là những nhân chứng, vật chứng xót xa.
Nếu xã hội không có tư duy quản lý đúng tầm.