“Hoang tin” về sự diệt vong của thế giới vào ngày 21/12/2012 đã được người ta rỉ tai nhau từ rất lâu. Đó là thời điểm mà theo lịch cổ của người Maya cũng như các nhà tiên tri thời Trung cổ tiên đoán, sẽ là ngày tận thế. Khi đó, cả loài người sẽ bị diệt vong.
Hoang tin
Trong lịch sử, trên thế giới, có không ít những câu chuyện liên quan đến các loài động vật, côn trùng dự báo trước được những sự kiện sắp xảy ra trong tương lai như câu chuyện nổi tiếng về sự diệt vong của thành phố Helike.
Nhiều sử sách ghi lại, vào tháng 12/373 trước Công nguyên, trong vòng 5 ngày, nhiều nhân chứng trong khu vực đã nhận thấy hàng loạt động vật nhỏ như rắn, rết, chuột và côn trùng di cư hàng loạt từ bờ biển tới những dãy núi biên giới phía Nam đồng bằng Helike.
Theo các nhà nghiên cứu, động vật có khả năng cảm nhận rõ ràng một trận động đất sắp xảy ra và cố gắng chạy khỏi khu vực nguy hiểm và điều này đã thực sự linh nghiệm với Helike. Đến nửa đêm ngày thứ 5, một trận động đất lớn chưa từng thấy đã xảy đến, theo sau là một đợt sóng thần kéo đến từ vịnh Corinth nhấn chìm cả thành phố Helike trong biển nước chỉ sau vài phút.
Poster bộ phim giả tưởng "2012", có nội dung về ngày tận thế. |
Ở Việt Nam, những đúc kết kinh nghiệm về các hiện tượng tự nhiên sắp xảy ra được dự báo từ loài vật từ thời xưa vẫn lưu truyền và được người dân tin tưởng đến nay, như “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm…”.
Nguyễn Thúy Quỳnh, sinh viên trường ĐH Thủy Lợi (Hà Nội), cho biết: “Từ khi đọc những tin tức về kiến ba khoang, nạn bọ xít hút máu quay trở lại…mấy người bạn của em cứ đồn đoán là điềm gở liên quan đến ngày tận thế theo lời tiên đoán của người Maya, không biết thực hư thế nào?”.
Ngô Thùy Trang, sinh viên trường ĐH Thương Mại, cũng tỏ ý hoài nghi về những hiện tượng lạ xảy ra thời gian gần đây: “Mặc dù em không tin lắm vào ngày tận thế nhưng cũng cảm thấy tò mò khi những côn trùng lạ xuất hiện nhiều và tấn công con người”, Trang nói.
Chỉ là hiện tượng tự nhiên thay đổi
Trao đổi với PV, các chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định việc xuất hiện các côn trùng lạ chỉ do sự tác động từ con người, yếu tố tự nhiên..., chứ không có cơ sở nào để nói là điềm báo của ngày tận thế.
Theo ông Khuất Đăng Long, Trưởng phòng Sinh thái côn trùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam, kiến ba khoang hay còn gọi với tên khác là bọ cánh cụt được xếp vào loại côn trùng có ích bởi thức ăn của chúng là những loài côn trùng hay phá hoại hoa màu.
Thực tế, loài này đã có từ rất lâu tại các vùng đồng ruộng của Việt Nam. Ông Long cho rằng, gần đây, kiến ba khoang xuất hiện nhiều, tấn công người có thể do bị con người tác động đến tập quán sinh hoạt, không còn nơi trú ẩn.
Tuy nhiên, theo TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam cho biết, hàng năm vào thời gian này khi kết thúc mùa vụ, kiến ba khoang vẫn xuất hiện nhưng không gây bệnh cho nhiều người như hiện nay. Việc xuất hiện với số lượng đột biến có thể do nguyên nhân thay đổi khí hậu, điều kiện canh tác…
Theo các nhà khoa học, việc các côn trùng lạ xuất hiện nhiều là do điều kiện tự nhiên thay đổi. |
Kiến ba khoang không quá nguy hiểm cho người. Kiến ba khoang không cắn mà hiện tượng mẩn ngứa do người dân tiếp xúc với loài này là từ dịch tiết ra ở bụng hoặc miệng của chúng.
Đối với bọ xít hút máu, theo TS Lam, ở thời điểm hiện nay, chúng đang bắt đầu mùa sinh sản nên tần xuất xuất hiện sẽ nhiều hơn so với các thời gian khác trong năm.
Khi lý giải việc bọ xít hút máu bỗng dưng xuất hiện nhiều bất thường trong khoảng gần 2 năm trở lại đây, ông Lam cho rằng, nguyên nhân có thể do đối tượng hút máu chính của loài này là các động vật nuôi trong gia đình đang có xu hướng giảm đi, nông thôn chuyển hóa thành thành thị, khu vực chăn nuôi được vệ sinh sạch sẽ hơn….nên bọ xít chuyển hướng thích nghi sang hút máu con người.
“Một nguyên nhân nữa là do việc tuyên truyền về bọ xít hút máu được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nên người dân nhận biết được loài côn trùng này nhiều hơn. Trước đó, khi chưa được tiếp cận cách nhận dạng, đặc điểm của bọ xít hút máu, người dân thấy nó xuất hiện nhưng cũng chẳng biết nó là con gì”, ông Lam phân tích.
Từ góc nhìn ngoại cảm, ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Chủ nhiệm Bộ môn Thông tin - Dự báo của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, cũng cho hay: Những loài côn trùng nguy hại như kiến ba khoang, bọ xít hút máu đang gây hoang mang dư luận trong thời gian gần đây có thể là điềm không lành cho những vận không may của tự nhiên nhưng không có cơ sở nào để nói nó có liên quan đến ngày tận thế.
“Việc xuất hiện nhiều những côn trùng như vậy có thể là do điều kiện thời tiết bất thường hay kết quả của sự phá hoại môi sinh… Còn điềm báo cho ngày tận thế, theo tôi, phải là những điều kinh khủng hơn nhiều”, ông Hải nhấn mạnh.