Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chúng tôi không muốn mất rừng!

(15:41:50 PM 11/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 10/10/2012, đại diện tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) và đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai có cuộc làm việc chính thức tại sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai xoay quanh dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có thể gây ảnh hưởng đến môi trường. Các đại diện ban ngành liên quan Đồng Nai cũng có nhiều góp ý thẳng thắn xoay quanh vấn đề này.


Một cây cũng quý!

 

“Chúng tôi không hề muốn mất rừng. Giữ được rừng thì một cây cũng quý!” Ông Nguyễn Văn Diện, giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên đã phát biểu như vậy tại sở Tài nguyên môi trường. Theo ông Diện, qua trình bày của tập đoàn Đức Long Gia Lai thì nói không ảnh hưởng gì lớn song khu Ramsar Bàu Sấu khiến ông rất băn khoăn.

 

 

 
"Báo chí có quyền tìm hiểu thông tin từ bất kỳ nguồn nào miễn đúng pháp luật. Nên nhớ, chủ đầu tư sẽ nói theo hướng có lợi cho mình...", đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhấn mạnh. Ảnh: Q.Ấn

 

Đại diện sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai, ông Lê Viết Hưng nhận xét: “Theo ý kiến chủ đầu tư thì các cơ quan liên quan đều đồng ý từ thủ tướng đến các tỉnh. Nhưng chúng tôi là tỉnh ở hạ nguồn sông Đồng Nai, chịu ảnh hưởng lớn nhất nên không thể không quan tâm. Chủ đầu tư cũng nói không ảnh hưởng môi trường, đa dạng sinh học, chất lượng nước nhưng các nhà khoa học lại nói ngược lại. Ông Phước nói không có loại thú nào nằm trong sách đỏ nhưng tiến sĩ Vũ Ngọc Long lại nói có 8 loài nằm trong sách đỏ. Vậy thì cơ sở nào để đánh giá khi có những ý kiến trái chiều khi ông Long cho rằng mình đã nghiên cứu ở đây nhiều năm trong khi đoàn khảo sát mới chỉ đến vài lần?”

 

Ông Trưởng Văn Vở, phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thẳng thắn: “Tôi không có chuyên môn nhưng nghe báo cáo của các anh (đại diện ĐLGL) thì càng thấy lo thêm. Không hiểu đơn vị tư vấn cho chủ đầu tư có nhớ cơ sở pháp lý rằng lấy 50ha rừng phải thông qua Quốc hội. 137ha dự án là trực tiếp sử dụng xây dựng, còn những ảnh hưởng xung quanh thì cần làm rõ hơn. Đơn vị tư vấn làm đánh giá tác động môi trường ít quá, cần làm rõ hơn phương pháp. Dân Đồng Nai là vùng hạ lưu trực tiếp nhưng lại không được có ý kiến gì, không lẽ làm thủy điện ko ảnh hưởng đến hạ lưu? Ở Nhật đã có lộ trình tuyên bố không thủy điện trong khi tại thủy điện sông Tranh 2 của nước ta người dân rất lo lắng. Có người nói chưa đến mức vỡ đập nhưng để dân sống không yên thì coi sao được?”

 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lại nhận xét vấn đề khái quát hơn: “Đứng trước câu hỏi bảo tồn và phát triển thì phải cân nhắc điện ở đâu ra trong khi nhu cầu điện là rất lớn. Mặt khác, điều đáng quan tâm là tình trạng thủy điện ở Việt Nam rất lớn”.

 

Ông Dương Trung Quốc đưa ra ví dụ về 123 thủy điện ở Lào Cai, một tỉnh có hướng phát triển về du lịch. Có chỗ làm tốt nhưng cũng có chỗ làm rất tùy tiện, thậm chí ảnh hưởng đến các di sản cổ. Về phía doanh nghiệp, vị này cũng có những chia sẻ khá nhân văn: “Doanh nghiệp đã đầu tư không nhỏ nhưng giờ phải hỏi có làm được nữa không, điều này phải xem lại trách nhiệm nhà nước. Một công trình được chấp nhận 5 năm nay nhưng bây giờ vẫn chưa được tiến hành thì doanh nghiệp cũng chịu thiệt nhiều...”- ông Dương Trung Quốc nói.

 

Dù vậy, ông Quốc cũng không quên cảnh báo về hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa nhiều hơn,… thì có thêm thủy điện mà hậu quả sau này sẽ tính sao. “Sông Tranh 2 là điển hình về tư duy nhiệm kỳ, vị nào cũng nói tôi đảm bảo trong nhiệm kỳ tôi làm sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nhưng đừng quên, 120 nghìn người chết ở Trung Quốc vì đập Bản Kiều vỡ là sau khi con đập này xây dựng và sử dụng khoảng 20 năm...”- ông Dương Trung Quốc cảnh báo.

 

Phải chấp nhận phản biện xã hội

 

 

 
Ông Bùi Pháp, chủ tịch hội đồng quản trị Đức Long Gia Lai cho rằng: "Báo chí đăng tải... lung tung. Muốn viết về dự án thì chỉ cần đến gặp Đức Long Gia Lai..." Ảnh: Q.Ấn

 

Ông Bùi Pháp, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn ĐLGL hùng hồn phát biểu: “Chủ đầu tư tính toán làm sao lợi ích quốc gia đặt lên hàng đầu chứ không phải lợi ích doanh nghiệp chúng tôi đâu. Chúng tôi từng gửi nhiều văn bản đến UBND tỉnh Đồng Nai, sở Tài nguyên môi trường tỉnh sau khi được đề nghị, nếu bị trách thì chúng tôi là nạn nhân thôi. Chính phủ chỉ đề nghị chúng tôi làm việc với Lâm Đồng, Đak Nông, Bình Phước hay các cơ quan chủ quản liên quan như bộ Nông nghiệp, bộ Công thương nên chúng tôi chỉ làm việc với họ chứ”.

 

Ông Pháp cũng than vãn rằng việc chuyển đổi trên 50ha rừng làm dự án phải thông qua Quốc hội không phải lỗi của tập đoàn ĐLGL bởi bộ Công thương đã phê duyệt dự án trước tháng 8.2010- thời điểm Quốc hội mới ra nghị quyết này nên tập đoàn của ông cũng không biết làm sao. Theo ông Pháp, 137ha rừng mất cho dự án là 137ha dọc vùng lõi nên ĐLGL cam kết sẽ trồng lại rừng, xây trường học, giải quyết đời sống người dân.

 

Đặc biệt, tại buổi làm việc này ông Pháp phê phán báo chí đã "đăng… lung tung". Thậm chí ông Pháp còn đề nghị nếu báo chí muốn viết về dự án thì chỉ cần đến gặp ĐLGL, cần văn bản của ban nghành liên quan nào thì ĐLGL sẽ cung cấp để không gây hiểu lầm.

 

Cũng phải nói thêm rằng trong văn bản chuẩn bị cho buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Trạc, tổng giám đốc ĐLGL cho rằng có một số tờ báo, trang mạng đã đưa “các ý kiến sai lệch, đánh giá chưa khách quan, chưa đúng” về dự án của tập đoàn này.

 

Ông Dương Trung quốc lập tức phản bác ý kiến trên. Theo ông Quốc, báo chí có quyền tìm hiểu thông tin từ bất kỳ nguồn nào miễn đúng pháp luật và báo chí thực hiện công việc ấy một cách khách quan. Vị đại biểu Quốc hội này cũng nhắc nhở thẳng thắn rằng trong việc bảo vệ luận chứng, chủ đầu tư sẽ nói theo hướng có lợi cho mình. “Không có cơ quan phản biện thì bộ Tài nguyên môi trường, bộ Khoa học công nghệ phải chịu trách nhiệm. Các đơn vị xã hội như Mạng lưới sông ngòi Việt nam (VRN) lên tiếng là vì cái chung nhưng vậy cần phải hỏi lại trách nhiệm nhà nước ở đâu? Không đánh giá được thì phải mời chuyên gia nước ngoài. Chúng ta có thể mời đại diện UNESCO hay bộ Văn hóa để xem nó có những tác động gì không?”- ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

 

Ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai cho biết qua báo chí, UBND tỉnh Đồng Nai mới biết hai dự án này ảnh hưởng đến Đồng Nai, TP.HCM vì đây là các tỉnh hạ du. Nhờ đó mà Đồng Nai tiến hành hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học và biết được nhiều mặt hạn chế của thủy điện và các hậu quả.

 

Bà Quách Ngọc Lan, trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết bà tin vào các đơn vị từng phản biện lại dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. “Phản biện thì phải khoa học căn cứ trên các luận chứng của các tổ chức xẫ hội. Tôi nghĩ các bộ chỉ là đứng ra tổ chức thôi. Chúng ta có thể nhờ Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thực hiện việc phản biện vì các tổ chức xã hội đứng trên quyền lợi của xã hội chứ không phải các nhóm lợi ích”- bà Lan góp ý.

(Nguồn: Mai Quốc Ấn/SGTT)