Sau gần một tháng “ăn nhờ ở đợ” tại phòng một người quen ở quận Thủ Đức, TP HCM với hi vọng sẽ tìm lại được việc làm tại một công ty ở TP.HCM hoặc Bình Dương không thành, anh Nguyễn Văn Thắng (26 tuổi), quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa buộc phải lên Đà Lạt kiếm sống bằng làm nghề phụ hồ.
Trước khi bị đuổi việc, anh Thắng làm công nhân cho một công ty tại khu công nghiệp Sóng Thần với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. So với mặt bằng chung của người lao động tại đây, lương của anh Thắng thuộc "top" trên.
Thế nhưng, trong một lần nhậu say, do mâu thuẫn từ trước với nhân viên quản lý của công ty, một nhóm công nhân người Thanh Hóa kéo đến gây gổ, hành hung vị quản lý này. Thêm với cái “dớp” của lần “quậy” trước, lần này anh Thắng cùng 5 người đồng hương bị công ty buộc thôi việc.
Anh Thắng cho biết: “Giờ mất việc mới thấy mình dại. Đang công việc ổn định, thu nhập được, việc làm nhẹ nhàng, giờ lại phải phơi mặt ra nắng để xách từng xô vữa. Làm việc trong môi trường bụi bẩn, mệt nhọc mà lương lại chỉ hơn 3 triệu đồng”.
“Nay nhận ra sai lầm của mình thì không tìm được việc làm tốt như chỗ cũ nữa rồi!...” - anh Thắng tỏ ra ân hận.
Anh Thắng nay lên Đà Lạt làm nghề phụ hồ |
Theo anh Thắng, phần lớn lao động người Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… vào Bình Dương và TP.HCM làm công nhân mới chỉ học hết cấp II, III, có tuổi đời đang còn trẻ nên nhận thức rất hạn chế. Chủ yếu là hành động “a dua” theo “phong trào”. Chỉ cần có người đứng ra đề xướng một việc gì đó, không biết là đúng hay sai, những người còn lại đều nhao nhao hưởng ứng, nhất là khi đã có rượu bia.
Thậm chí, trước đây không ít lần nhậu say vào ban đêm, nhóm của anh Thắng lại ôm đá choảng vào phòng bảo vệ của chính công ty mình cho “bõ ghét”, nhất là để “dằn mặt” bảo vệ vì đã dám đánh dấu các anh vào danh sách đi làm muộn.
Anh Thắng cho rằng, có tới trên 80% số nam lao động của các tỉnh này làm việc ở công ty là có máu quậy phá, ham vui hơn làm việc kiếm tiền chính đáng.
“Ban đầu khi vừa mới ở quê vào thì phần lớn là ngoan hiền, nhưng chỉ được một, hai tháng đầu, sau đó sẽ kéo bè, kết phái để quậy phá, nhậu nhẹt rồi đánh lộn. Thậm chí còn tổ chức thành nhóm để trộm cắp!..” - anh Thắng cho biết.
Cũng theo anh Thắng, có những người vào Nam làm việc nhưng cuối năm không một đồng dính túi chứ đừng nói là có tiền gửi về cho gia đình. Làm được đồng nào là cafe, ăn nhậu hết. Thậm chí, không ít người lâm vào cá độ, nợ nần chồng chất phải bỏ trốn khỏi nơi làm việc.
Chỉ còn cách tự cứu lấy mình
Ngày 10/10, trả lời với phóng viên, ông Đặng Ngọc Phú, Phó phòng Lao động - Thương binh - Xã hội thị xã Dĩ An (Bình Dương), nơi có đông công nhân người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp cho biết, phòng không thể can thiệp được vấn đề này ngoài thuyết phục người lao động cần phải tôn trọng pháp luật và những quy định của công ty, doanh nghiệp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không phải là lỗi của người sử dụng lao động mà chính người lao động gây ra khiến người sử dụng lao động mất niềm tin vào nam lao động các tỉnh này.
Hiện nay, rất nhiều công ty tại Bình Dương và TP.HCM đang thiếu lao động nhưng họ vẫn không nhận nam lao động các tỉnh Bắc miền Trung vào làm việc vì những lý do trên.
Thanh niên người Thanh Hóa này cho biết, hơn 1 tuần nay anh cầm hồ sơ đi xin việc rất nhiều công ty tại Bình Dương nhưng đều bị từ chối |
Điều tốt nhất hiện nay đối với nam lao động các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là tự cứu lấy mình bằng việc tự nhận ra những hành động sai trái mà tu chí làm ăn, nhất là tuân thủ nội quy của công ty nơi mình làm việc.
Luật sư Lê Cao Tánh, thuộc Đoàn luật sư Lâm Đồng cho biết, việc nhiều công ty từ chối nhận nam lao động người Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh trong trường hợp này rất khó xử lý. Mặc dù theo khoản 1, Điều 8, luật Lao động, quy định: Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn...