Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mỗi ngày, TP.HCM phát sinh khoảng 500 tấn chất thải nguy hại (CTNH), trong khi công suất xử lý mới chỉ đạt 30 tấn/ngày, tạo nên một áp lực lớn đối với công tác bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, TP.HCM đã tăng cường nhiều biện pháp quản lý nguồn CTNH, đồng thời ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư tham gia xử lý CTNH...
Áp lực lớn Ngoài 500 tấn CTNH do các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phát thải, mỗi ngày, TP.HCM còn tiếp nhận khoảng vài trăm tấn chất thải khác từ các tỉnh lân cận đổ về. Trong khi đó, công suất xử lý chất thải hiện nay không đảm bảo giải quyết triệt để khối lượng này, vì khoảng 20 đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của TP.HCM đều có quy mô nhỏ. Đồng nghĩa với việc thiếu đơn vị xử lý CTNH, nhiều doanh nghiệp sản xuất phát sinh CTNH đang phải đối mặt với tình trạng giá xử lý ngày một tăng. Hiện nay, giá xử lý CTNH trên địa bàn thành phố khoảng 30 triệu đồng/tấn, trong khi năm 2007 giá trung bình chỉ ở mức 6 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, các doanh nghiệp xử lý CTNH chỉ "ưu tiên" chọn những doanh nghiệp có CTNH có thể tái chế được nhiều để tăng lợi nhuận; còn những doanh nghiệp có chất thải khó xử lý, phải xử lý bằng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao thường bị từ chối. Để đối phó với giá xử lý CTNH leo cao và đảm bảo đúng yêu cầu của các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đã "bắt tay" với các doanh nghiệp có chức năng xử lý CTNH để ký hợp đồng "khống". Theo đó, định kỳ hàng quý, công ty trả cho đơn vị xử lý một số tiền theo thỏa thuận mà không hề chuyển giao bất kỳ tấn CTNH nào hoặc chuyển giao lấy lệ. Đối với các cơ quan chức năng đến kiểm tra, các doanh nghiệp chỉ cần xuất trình được chứng từ và hợp đồng chứng minh có chuyển giao CTNH là an toàn. Để "tiêu thụ" hết lượng CTNH phát sinh, nhiều doanh nghiệp đã lén lút đem CTNH đổ ra môi trường. Điển hình nhất là khu vực phường Long Bình (quận 9) nhiều năm tồn tại một bãi đổ CTNH tự phát, do các đơn vị đổ lén, không có bất kỳ biện pháp kỹ thuật an toàn nào đối với môi trường. Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều trường hợp đã bị lực lượng Cảnh sát Môi trường thành phố phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này khó khắc phục do thành phố đang thiếu nhà đầu tư xử lý CTNH đủ lớn để tiếp nhận và xử lý loại chất thải này với giá thành hợp lý. Đầu tư nhà máy xử lý CTNH quy mô lớn Từ 1/3/2011, Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy xử lý chất thải nguy hại với công suất 21 tấn/ngày. Tuy nhiên, quy mô của nhà máy xử lý này quá nhỏ so với áp lực CTNH ngày một tăng trên địa bàn thành phố. Vì vậy, TP.HCM cần sớm đầu tư nhà máy xử lý CTNH có quy mô công nghiệp lớn. Triển khai chính sách xã hội hóa trong xử lý CTNH, trong thời gian qua có một số doanh nghiệp đăng ký tham gia, tuy nhiên, do thành phố vẫn chưa có quỹ đất trống để giao cho các nhà đầu tư nên vẫn chưa có dự án xử lý CTNH với quy mô công nghiệp nào được triển khai. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia và đã được UBND thành phố chấp thuận cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý CTNH, gồm: Nhà máy xử lý CTNH của Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, công suất xử lý tối đa khoảng 500 tấn/ngày; dự án của Công ty cổ phần Kho, vận chuyển, giao nhận ngoại thương Mộc An Châu tại Khu Tây Bắc Củ Chi, có tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, công suất 500 tấn/ngày; dự án của Công ty Môi trường Đô thị tại bãi rác Đông Thạnh, Củ Chi, có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD với công suất xử lý 80 tấn/ngày. Theo dự kiến, cả 3 nhà máy xử lý CTNH này sẽ đi vào hoạt động năm 2015. Để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư, TP.HCM đang tập trung cao độ nguồn lực để triển khai đền bù giải phóng mặt bằng các địa điểm được lựa chọn đầu tư xây dựng nhà máy xử lý CTNH. Trong đó, phấn đấu trong năm 2011, thành phố sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng 200ha thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi nhằm phục vụ kịp thời cho các dự án xử lý rác, bùn thải, chất thải nguy hại và các khu tái chế chất thải. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Đối với Dự án xử lý CTNH tại Khu liên hợp chất thải rắn Tây Bắc Chủ Chi, ưu tiên cho các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến là đốt hoàn toàn, chỉ chôn lấp tro hoặc các chất thải không thể đốt được. Việc chôn lấp giao cho Công ty Môi trường đô thị thành phố phụ trách. Mặt khác, các nhà đầu tư nhà máy xử lý CTNH đều phải xây thêm hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn nhằm phục vụ công đoạn xử lý sơ bộ bằng cách rửa nên phát sinh nước thải. Để thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà máy xử lý CTNH, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia xử lý CTNH sẽ được thuê đất với giá bằng không, được thành phố hỗ trợ đường, điện, viễn thông và mạng lưới cấp thoát nước đến sát chân rào nhà máy; không nộp thuế doanh nghiệp năm đầu tiên, còn từ năm thứ hai trở đi, cũng chỉ phải nộp 50% thuế doanh nghiệp. Ngoài ra, tất cả những thiết bị phục vụ cho hoạt động xử lý chất thải khi nhập khẩu được hưởng thuế ưu đãi 0%. UBND TP.HCM cũng vừa ban hành Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, giai đoạn từ 2011 - 2015, thành phố sẽ tăng cường đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn y tế; xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế. Trong đó, TP.HCM sẽ đặc biệt ưu tiên xây dựng các công trình xử lý CTNH.