Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phố Sài Gòn thành ”sông”, vì đâu nên nỗi?

(20:53:54 PM 10/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Tuần đầu tiên của tháng 10/2012 trở thành khoảng thời gian khó quên của nhiều người dân tại TP.HCM vì…ngập. Hàng ngàn phương tiện vật vã “bơi” trên đường.

Sau bao nhiêu năm chống ngập cùng hàng loạt dự án hàng ngàn tỷ đồng được khởi công nhưng cứ mỗi khi mưa lớn, nhiều tuyến đường TP.HCM lại ngập nặng, đặc biệt trong 2 ngày đầu tháng 10.

 

Thê thảm vì ngập nặng

 

Theo báo cáo của Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập thành phố, vào rạng sáng và chiều ngày 01/10 vừa qua, xảy ra 2 trận mưa lớn với vũ lượng mưa 60,6mm và 76mm trùng vào thời điểm đỉnh triều cường lên mức 1,5m (báo động III) dẫn đến gây ngập nặng.

Người dân dắt xe máy vượt qua điểm ngập trên đường Đồng Đen

 
Vào thời điểm đó, hàng chục tuyến đường lớn tại nhiều quận đã “hóa thành sông” như: Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Kha Vạn Cân, Bình Quới, Hòa Bình, Âu Cơ, Đồng Đen, Bàu Cát…Ghi nhận vào thời điểm này cho thấy tình trạng lưu thông vô cùng khổ sở của người dân TP.HCM đặc biệt ở hướng quận 12 về quận Tân Bình.
 

Anh Phạm Văn Hải (34 tuổi, ngụ quận 12) cho biết: “Còn cách công ty ở gần ngã tư Âu Cơ - Lạc Long Quân chưa đến 200 mét nữa mà tôi phải dầm mưa ‘chôn chân’ gần 1 tiếng đồng hồ mới thoát qua được”.

 

Ngoài trường hợp anh Hải, từ khoảng 07h đến gần 10h sáng ngày 01/10, hàng ngàn người vạ vật vì ngập nước, mưa lớn trên đường. Họ mất đến 3 giờ đồng hồ để vượt qua chặng đường chưa đầy 2 km.



Do quá nhiều tuyến đường lâm vào tình cảnh thê thảm, Trung tâm chống ngập chỉ có thể huy động máy bơm lưu động, xe hút nước và thiết bị chuyên dụng ứng cứu cho tuyến đường An Dương Vương do tuyến đường này chưa có cống thoát nước và đến chiều lại chuyển sang ứng cứu đường Thảo Điền.



Tiếp đó, sáng ngày 02/10, trên suốt tuyến đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, nhiều điểm ngập sâu đến hơn nửa mét khiến xe máy khựng lại hàng loạt và dẫn bộ. Một số người té ngã và ướt từ đầu đến chân dù đã mặc áo mưa…định vòng xe quay về không đi làm nữa. 

 

Tuy nhiên, hàng trăm phương tiện “dính chùm” vật vã trên tuyến đường ngập nước khiến mọi ý định quay ngược xe lại bất thành.



Trên thực tế, công tác chống ngập của TP.HCM đến thời điểm hiện tại còn tồn đọng những vấn đề đã được đưa ra trong dự thảo về giảm ngập từ… 2 năm trước.

 

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

 

Thạc sĩ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm chống ngập cho biết, từ đầu năm 2012, Trung tâm chống ngập đã triển khai thực hiện các giải pháp xóa, giảm ngập cấp bách bằng cách lắp đặt, vận hành 615 van ngăn triều, xây dựng các tuyến đê tạm, vận hành 28 trạm bơm (42 máy bơm, công suất từ 1000m3/giờ đến 64.000m3/giờ) và thiết bị chuyên ngành để xử lý cấp bách các điểm ngập nặng, điểm ngập phát sinh.

Hút nước chống ngập dưới cầu Calmette quận 1.

 
Cho đến nay, Trung tâm chống ngập đã nạo vét 1.261 km lượt cống thoát nước, duy tu nạo vét 57 tuyến (6,5 km) kênh rạch và cửa xả, sửa chữa 1.885 hầm ga, mở rộng 2.106 miệng thu nước và thay 2.246 nắp hầm ga…


Các vị trí thường xuyên bị ngập nước như đường Gò Dưa, Quang Trung, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Đức Thọ, Quốc lộ 1A (Thủ Đức), Lê Văn Sỹ cũng đã được thực hiện 28 hạng mục bằng các giải pháp cấp bách như đấu nối, mở hướng thoát nước… và đã phát huy hiệu quả.


Tuy nhiên, 2 vấn đề tồn đọng lớn nhất được đưa ra khiến thành phố tiếp tục ngập nặng (dù sau bao nhiêu năm chống ngập cùng hàng loạt dự án hàng ngàn tỷ đồng được khởi công) đó là tình trạng lấn chiếm kênh rạch và thi công dự án gây ngập.

 
Tại quận 9, rạch Bến Chùa bị người dân lấn chiếm, xây nhà nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý dù Trung tâm điều hành chống ngập đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị đến UBND quận 9.
 

Tại quận Bình Thạnh, suốt tuyến rạch Văn Thánh không có hành lang quản lý, hộ dân chiếm hai bên rạch đã lâu. Dù đã có rất nhiều văn bản gửi cho UBND quận Bình Thạnh nhưng cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa được xử lý.


Trên địa bàn Q Thủ Đức, hàng loạt kênh rạch như: rạch Đỉa, rạch Môn, rạch Ông Dầu, rạch Cao su Việt Hưng, rạch Cầu Trắng cũng bị người dân lấn chiếm, đổ rác thải xuống lòng kênh làm giảm lưu lượng thoát nước và tạo thành nguy cơ tắc dòng chảy.
 

Tình trạng này cũng xảy ra với hàng loạt kênh rạch khác ở quận 12, huyện Bình Chánh như: rạch cầu Cụt, Chín Xiển, Bình Lộc, Cầu Chuối khiến mỗi khi mưa lớn, kết hợp triều cường không khác gì cảnh “nội công, ngoại kích” khiến nước ngập tràn trên các tuyến đường xung quanh.
(Nguồn: Minh Dũng/VNN)