Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đà Nẵng còn nhiều nơi ô nhiễm

(10:01:01 AM 10/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Dẫu được đánh giá là “thành phố đáng sống”, tuy nhiên đây đó trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn còn những nơi ô nhiễm nặng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân.

 

 

Nước thải của Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Sơn (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đổ ra con kênh khu vực tổ 14 có màu đỏ ngầu và hôi thối - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

 

 

Ở khu dân cư Đà Sơn, Khánh Sơn (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu), nhiều năm qua người dân phải sống trong cảnh ô nhiễm khói bụi, mùi hôi thối bốc ra từ rác thải, xe chở đất đá, lò giết mổ gia súc...

 

Bụi, ruồi, mùi hôi...

 

Con đường Hoàng Văn Thái dẫn lên khu dân cư Đà Sơn hằng ngày có hàng trăm lượt xe chở rác, chở đất đá chạy qua khiến bụi bay mù mịt. Nhiều con đường dẫn vào các mỏ đá xuất hiện hàng chục ổ voi, ổ gà và luôn trong tình trạng lầy lội. “Dưới chân lo bùn lầy, trên đầu sợ đất đá từ xe tải rơi trúng, tội nhất là mấy đứa nhỏ đi học về ngày nào cũng lấm lem bùn đất” - bà Nguyễn Thị Út (tổ 6) bức xúc.

 

Người dân P.Hòa Khánh Nam còn phải đối mặt với mùi hôi thối bốc ra từ bãi rác Khánh Sơn, ruồi nhặng xuất hiện ngày một nhiều tại khu vực xung quanh Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm Đà Nẵng, cảnh đất đá bay vèo vèo mỗi khi các mỏ đá nổ mìn khai thác. Theo bà Ngô Thị Hoa (tổ 2), các đám ruộng trồng rau muống dọc hai bên bờ kênh chứa nước thải từ bãi rác Khánh Sơn chảy ra thường xuyên bị héo úa, chết dần vì sử dụng nguồn nước này để chăm sóc. Còn anh Trần Quang Tuất (tổ 14, chỉ cách hố nước thải của Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Sơn chưa đầy 50m) phản ảnh: “Gần chục năm nay gia đình tôi phải chịu cảnh mùi hôi thối cứ xộc thẳng vào nhà. Ban đêm thì muỗi, ban ngày thì ruồi”.

 

Theo ông Hà Văn Thái - giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải bãi rác Khánh Sơn, hiện nay việc xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp nên quá trình phân hủy rác phát sinh mùi hôi dù đơn vị đã phun các chế phẩm sinh học và hóa chất khử mùi. Ngoài ra, việc xử lý nước thải tại bãi rác hiện áp dụng theo công nghệ kỵ khí nên không thể xử lý triệt để mùi hôi, kết hợp với thời tiết mưa bất thường thời gian qua khiến mùi hôi phát tán và nặng hơn bình thường.

 

Bà Huỳnh Thị Nga, phó trưởng Phòng tài nguyên - môi trường quận Liên Chiểu, cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu các chủ mỏ đá phải trích 3-4 triệu đồng mỗi tháng để thực hiện việc tưới nước, rửa các con đường phục vụ chở đất đá. Tuy nhiên, việc làm này chỉ có thể giảm thiểu chứ không thể chấm dứt hoàn toàn ô nhiễm bụi do hoạt động khai thác đá gây ra. Còn khu vực bãi rác và trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm, địa phương chỉ giám sát để báo cáo sở giải quyết”.

 

Đến nước thải công nghiệp

 

Trên vỉa hè đường số 4 ở Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh có bố trí một dãy hố ga đấu nối nước thải công nghiệp từ các doanh nghiệp chảy về trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh ở cuối tuyến đường này. Tuy nhiên, nhiều hố ga có nước thải đen ngòm, chưa qua xử lý chảy tràn ra vỉa hè đường số 4. Đáng ngại là nước thải có màu xanh dương (nghi của hóa chất) chảy tràn từ miệng hố ga xuống lòng đường rồi chảy vào cửa thu của cống thoát nước ở ngã ba đường số 4 - số 8 và trên vỉa hè.

 

Nông dân khu vực Hồng Phước (P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu) và các thôn của xã Hòa Liên (H.Hòa Vang) cho rằng chính nước thải công nghiệp từ KCN Hòa Khánh là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, cá chết, cây trồng chết, ruộng đồng và vườn tược bỏ hoang, khiến cuộc sống của nông dân ngày càng khốn khó.

 

Theo ông Trần Mạnh Hùng - giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (chi nhánh miền Trung), đơn vị quản lý và vận hành trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh: nước thải công nghiệp tràn xuống đường số 4 thường xuất hiện sau khi mưa do hệ thống tách, dẫn nước thải và nước mưa của các doanh nghiệp đã xuống cấp, hư hỏng.

 

“Vừa qua, công ty đã đầu tư kinh phí nâng cao thành các hố ga đấu nối nước thải của một số doanh nghiệp, qua đó hạn chế tình trạng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý chảy tràn ra môi trường. Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng đã thuê đơn vị tư vấn, sắp tới sẽ khảo sát, đánh giá, đề xuất sửa chữa, cải tạo toàn bộ hệ thống thu, thoát nước thải và nước mưa ở KCN Hòa Khánh” - ông Hùng cho biết.

 

 

Mương bốc mùi

 

Hàng trăm hộ dân ở tổ 16 (P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê) và tổ 1 (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) rất bức xúc vì đoạn mương giáp ranh giữa hai tổ có chiều dài hơn 200m dẫn nước thải sinh hoạt của cả hai quận Thanh Khê và Liên Chiểu bị ô nhiễm trầm trọng. Tình trạng này tồn tại nhiều năm nay, nguyên nhân là do đường ống dẫn nước thải sinh hoạt của hai quận này không được lắp đặt các ống cống thông nước, vì vậy nước ở đây thường xuyên bốc mùi hôi thối.

 

Ông Mai Mã - giám đốc Công ty Cấp thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng - cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận kiến nghị của người dân. Hiện đơn vị đang tập trung thi công hệ thống đường kênh dẫn nước gần khu vực trên ra cầu Phú Lộc. Việc khắc phục tình trạng trên sẽ sớm được tiến hành bằng cách lắp đặt đường ống dẫn nước thông ra đường kênh sau khi hoàn thành”.

THANH BA

 

(Nguồn: P.CHUNG - T.TRUNG - H.THƯ/TTO)