Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xót xa với những “Vệ nữ không đầu”

(19:14:04 PM 09/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Triển lãm sắp đặt “Vệ nữ ở Việt Nam” của cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân (1946-2009) kết hợp với những tác phẩm mới của nghệ sĩ Nguyễn Nghĩa Cương đã khai mạc cuối tuần qua tại Viện Goethe Hà Nội (58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) và sẽ kéo dài đến 14/10. Với các chất liệu như bìa các tông, hộp thuốc... triển lãm được cho là hướng tới chủ đề về hình tượng người phụ nữ trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Chủ đề này đã để lại nhiều suy ngẫm.

 

1. "Vệ nữ Việt Nam" trong tác phẩm của Vũ Dân Tân thắt đáy lưng ong, có bộ ngực, vòng hông, rất hấp dẫn, nhưng không có đầu. "Vệ nữ Việt Nam" trong tranh vẽ trên vỏ hộp của Nguyễn Nghĩa Cương thi thoảng có đầu, nhưng được thay bằng biểu tượng "Hàng Việt Nam chất lượng cao", hoặc trông như một vật méo mó có như không. Tóm lại, dù thế nào chăng nữa, thì các tác giả cũng không nhấn mạnh vào cái-có-trong-đầu, tức là trong bộ não của người phụ nữ.

 

Họ nhấn mạnh từ cổ trở xuống. Ý tưởng rất cổ điển. Trong bài này tôi xin tập trung vào các tác phẩm có thể gây ra nhiều tranh cãi của tác giả Nguyễn Nghĩa Cương. Trong bộ tác phẩm của anh, với biểu tượng "Hàng Việt Nam chất lượng cao" và thương hiệu Rạng Đông, tạo cảm giác (thân thể) phụ nữ như một món hàng. Chính họa sĩ, trong buổi thuyết trình về tác phẩm tối 5/10, cũng thừa nhận một phần dụng ý của anh là như thế.

Vẻ đẹp chất lượng cao (2008 – 2012), Nguyễn Nghĩa Cương, acrylic và mực trên vỏ hộp các tông

 

 

Nói tóm lại, phụ nữ, ở một khía cạnh nào đó, là hàng (có khán giả xem xong đã phát biểu cảm nghĩ như thế). Ở phần giữa thân thể của họ, họa sĩ viết chữ "Open" - một chi tiết rất dễ suy diễn theo nhiều hướng, thậm chí là nhiều hướng trái ngược. "Open" là mở (gói hàng-phụ-nữ đã mua về), hay là cởi mở, cởi trói (định kiến xã hội đối với phụ nữ)?

 

2. Lindsay Lohan từng có lần chê bai nữ diễn viên đồng lứa Scarlett Johansson là "đồ não rỗng". Tức là, đến cả một cô nàng phá phách như Lindsay cũng biết rằng phụ nữ cần có bộ não đích thực kể cả khi cô ta có đẹp và gợi tình nhất thế giới như Scarlett. Vậy mà hình như nhiều đàn ông lờ đi.

 

Thông tin về các người đẹp, người mẫu bán dâm trong xã hội hiện đại làm người ta (cả đàn ông và phụ nữ) cảm thấy hình tượng phụ nữ dường như bị rẻ rúng đi. Nhưng, những người phụ nữ tốt (nhưng không đẹp và không bán dâm) thì lại không xuất hiện trên các mục Giải trí và Pháp luật của các trang mạng, nơi mà, vô tình đàn ông lại hay lê la.

 

Nếu ai đó coi người mẫu, người đẹp bán dâm là đại diện của phụ nữ thời nay để rồi lấy đó mà thất vọng, vỡ mộng, đau buồn thì đó là vấn đề của họ. Một số phụ nữ đang dùng cái đầu để kiếm tiền và có được hạnh phúc, còn trong mắt một số đàn ông (sáng tác nghệ thuật), họ chỉ nhìn thấy những phụ nữ dùng phần dưới-cái-đầu để kiếm tiền và không có được hạnh phúc (vì suốt ngày kêu khổ).

 

Nhiều tờ báo nhận định rằng triển lãm "Vệ nữ ở Việt Nam" tôn vinh và ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Trong khi đó, trong bài giới thiệu về triển lãm, đơn vị tổ chức là Viện Goethe Hà Nội viết: "Triển lãm giới thiệu các tác phẩm tập trung ở chủ đề hình tượng và giới tính người phụ nữ, cũng như những ý nghĩa mở rộng của hai chủ đề này trong bối cảnh xã hội, văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21".

 

Nhưng người viết bài này cho rằng, những tác phẩm đầy tính châm biếm phụ nữ thời nay của Nguyễn Nghĩa Cương không đơn thuần là tôn vinh. Có thể một số đàn ông tôn sùng phụ nữ, nhưng đồng thời cũng coi họ như những món hàng. Hai thái độ đó tồn tại song song hàng thiên niên kỷ rồi. Đàn ông nghĩ như thế có ổn lắm không? Có lẽ nên tìm một thái độ khác, không mới lắm, nhưng đúng đắn hơn: trân trọng.

 Vài nét về hình tượng Vệ nữ của Vũ Dân Tân

 

Hình tượng Venus (thần vệ nữ) đã có thời gian dài là biểu trưng ưa thích của Vũ Dân Tân. Những nàng Vệ nữ được cắt ghép khéo léo, có một số nét nhấn cần thiết bằng than chì hoặc mực tàu. Từ phần cốt lõi có ảnh hưởng sâu xa của những nàng Venus bị đóng hộp, nổi bật lên serie Thời trang (Fashion). Ở đây Vũ Dân Tân đã đưa nàng Venus của mình bước ra với thế giới.
Thời Trang (2009), Vũ Dân Tân, 122cm x 35cm x 15cm, bìa các tông tận dụng

 

“Được dựng từ những tấm bìa các tông màu nâu vàng mới nguyên, những hình nổi ba chiều, tương đương kích thước người thật, là những trang phục làm lộ dần ra cái cá nhân của những nhân vật chính vô hình hài và không có cả gương mặt. Với những đường khía, nét lượn ở các khu vực xương mu làm nổi lên những đường cong điển hình, những bộ quần áo bằng giấy này dù ngắn hay dài cũng thể hiện bản năng giới tính một cách trực diện, rõ ràng. Không hề gượng gạo, có khi còn hơi thái quá, trong gợi ý về nhục tình, những phục trang đồng bộ này, tuy được cắt thủ công từ giấy bìa mềm mại và không bền, trông giống bộ áo giáp hơn là váy áo thông thường. Trong việc theo đuổi chất liệu giấy bìa này của Tân, người ta một lần nữa thấy được sự trung thành của ông với giấy, một nguyên liệu nền tảng của văn hóa Việt Nam và châu Á” – nhận xét của nhà phê bình Mỹ thuật Iola Lenzi (người thường xuyên giám tuyển cho các tác phẩm của Vũ Dân Tân).

Các tác phẩm của Vũ Dân Tân (được thực hiện khoảng gần 8 năm cuối đời) đã được trưng bày trong triển lãm ở Đức, Nhật Bản, Hà Lan,.. nhưng đây là lần đầu tiên công chúng Việt Nam được thưởng thức những tác phẩm của ông.

Thanh Lê
(Nguồn: Hạ Huyền/TT&VH)