Ngày 7 – 10, HĐND TPHCM đã phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề: “Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm của cộng đồng”.
Mỗi ngày phải vớt 9 - 10 tấn rác
Giảm ô nhiễm môi trường là một trong 6 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đã đề ra. Thế nhưng, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, hiện nay mức độ ô nhiễm tại TP còn khá nghiêm trọng, thể hiện qua nhiều yếu tố: đất, nước, không khí… Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết bên cạnh ô nhiễm trong môi trường sản xuất thì ô nhiễm trong sinh hoạt đô thị cũng là một “gánh nặng”.
Mỗi ngày, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP phải vớt 9- 10 tấn rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
(ảnh do Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP cung cấp)
(ảnh do Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP cung cấp)
Dù mỗi năm TP phải chi hàng ngàn tỉ đồng để thu gom và xử lý 6.700 - 8.100 tấn rác thải/ngày nhưng rác thải vẫn là vấn đề nhức nhối, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan đô thị.
Các đại biểu tham dự chương trình cùng thống nhất rằng ý thức của cộng đồng góp phần quyết định không nhỏ vào chất lượng môi trường.
Dẫn chứng sinh động nhất về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, cho biết TP đã tốn hàng ngàn tỉ đồng “hồi sinh” hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng người dân sống trong khu vực vẫn không ngừng vứt rác bừa bãi xuống lòng kênh và hai bên bờ. “Mỗi ngày, chúng tôi vớt khoảng 9 - 10 tấn rác. Nếu ngừng vớt rác trong 2 năm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ trở lại là dòng kênh chết như trước kia!” - ông Hoàng cảnh báo.
Ý thức chưa tốt
Bà Trần Thị Kim Yến, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy, cho rằng bên cạnh một số bộ phận người dân xả rác do kém hiểu biết nhưng cũng có những người học thức đàng hoàng cũng vô tư xả rác. Khi đó, hành động xả rác là một thói quen xấu, khó bỏ và hành động này không liên quan đến kiến thức mà do ý thức của mỗi người.
Nhiều người tỏ ra bức xúc trước hành động xả rác bừa bãi, đa phần đề xuất phương án phạt để răn đe. Hiện nay, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu cho TP một số phương án phạt “nóng” các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, ông Phước cho rằng việc phạt và giáo dục phải hài hòa thì mới phát huy hiệu quả răn đe. “Đôi khi những người xả rác là những người nghèo buôn gánh bán bưng, đối tượng này nên áp dụng hình thức buộc tái lập môi trường ban đầu hoặc phạt lao động công ích nhưng đối với các dự án lớn gây ô nhiễm môi trường bắt buộc phải phạt thật nặng mới mong không tái phạm” - ông Phước nói.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng giải pháp “thấu tình đạt lý” nhất là tuyên truyền, giáo dục cho mỗi người dân hiểu bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính họ chứ không phải vì người khác. Vì vậy, mỗi người dân hãy tự làm sạch, giữ gìn môi trường sống của mình trước khi đòi hỏi những người khác và chính quyền các cấp phải bảo vệ môi trường.