Lực lượng chức năng và gia đình đưa bà Huỳnh Thị Lượm (100 tuổi, thôn Long Thạnh, xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu) đến nơi an toàn. Ảnh: H.Ánh
Các thanh niên trong địa phương cùng giúp sức đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú. Ảnh: H.Ánh
Tại Phú Yên, sau khi mưa như trút nước vào sáng và trưa 6-10, đến chiều cùng ngày, mưa giảm và gió cũng lặng. Theo những lão ngư, đây là dự báo khi bão gần bờ. Tại các địa phương của tỉnh Phú Yên, người dân gấp rút di dời nhà cửa, tàu thuyền để tránh bão. Mọi hoạt động đang được triển khai khẩn trương khi bão đang gần bờ.
Tại thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu - địa phương được dự báo là nơi tâm bão sẽ đi qua, 45 thanh niên đang tập trung khiêng 357 tàu thuyền lên cao. Đây cũng là nơi từng xảy ra bão kết hợp với triều cường làm 31 ngôi nhà bị sập và 5 người tử vong nên mọi người đều rất lo lắng năm 1999. “Nếu tâm bão vào đây, thì cũng sẽ nguy hiểm tương tự như năm 1999, nên chúng tôi phải lo ngay từ đầu”- ông Nguyễn Thông (57 tuổi) nói.
Phụ nữ cũng giúp sức đưa ngư lưới cụ vào nơi an toàn. Ảnh: H.Ánh
Hiện, một số lồng tôm hùm nuôi ở Vũng Chào (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu) đã xảy ra tình trạng tôm hùm chết do bị sốc nước.
Tôm hùm chết vì bị sốc nước. Ảnh: H.Ánh
Đến chiều cùng ngày, Sở GD-ĐT Phú Yên đã cho học sinh nghỉ học. Công ty bay dịch vụ hàng không cũng đã hủy chuyến bay TP HCM – Tuy Hòa.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Phú Yên, đến 16 giờ chiều ngày 6-10, tỉnh đã di dời hơn 1.000 hộ gia đình vùng trũng thấp, vùng bị triều cường uy hiếp đến nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 100 người dân vẫn còn lưu lại trên các lồng bè nuôi tôm hùm ngoài biển, mặc dù các lực lượng chức năng đã yêu cầu vào bờ. Toàn tỉnh hiện còn 99 tàu cá với 934 lao động đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa, số còn lại đã tránh trú an toàn. Phú Yên đang chuẩn bị 3.500 chiến sĩ gồm Sư đoàn 2 (Quân khu V) các lực lượng vũ trang của tỉnh để ứng phó với cơn bão số 7.
Trong ngày, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã nâng mức xả lũ từ 2.000m3/giây vào buổi sáng lên 3.000m3/giây lúc 15 giờ, đến 16 giờ 30 phút giảm còn 2.400m3/giây. Ông Đặng Văn Tuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết đang đề nghị tỉnh Phú Yên cho nâng mức xả lũ lên 3.500m3/giây vào đêm 6-10.
Mưa lớn kéo dài ở Đức Phổ (Quảng Ngãi)- Ảnh: Tử Trực
Tại TP Quảng Ngãi, liên tục có những trận mưa lớn xuất hiện từ đêm 5-10. Đến sáng 6-10, tiếp tục có những trận mưa lớn hơn. Mực nước sông Trà Khúc cũng bắt đầu dâng lên cao. Trên bầu trời, mây đen vần vũ nhưng vẫn chưa có gió mạnh xuất hiện. Rất nhiều người dân liên tục chèn chống, gia cố nhà cửa lại an toàn hơn.
Người dân Đức Phổ chuyển tàu thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: Tử Trực
Tại huyện Đức Phổ (nơi dự báo gần vị trí tâm bão đi qua), trời mưa kéo dài từ đêm 5-10, đến khoảng 9 giờ sáng 6-10, bắt đầu xuất hiện những trận mưa khá lớn, tuy nhiên vẫn chưa có gió xuất hiện, cây cối đứng im.
Lực lượng chức năng và người dân nơi đây đang gấp rút chuẩn bị các phương án đối phó với bão. Riêng tại xã Phổ Thạnh (nơi dự báo chịu ảnh hưởng nặng nhất của cơn bão số 7), huyện đã cắt cử lực lượng ở đây túc trực 24/24 trong hai ngày qua.
Ông Lê Văn Mùi, chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, hiện tại huyện đã tổ chức di dời 10 hộ dân nằm trên một cồn cát ở gần biển thôn Thạch Đức, xã Phổ Thạnh. Các tàu thuyền nơi đây đã được neo trú cẩn thận, an toàn. Toàn bộ người dân ở những vùng nguy hiểm đã được di dời. Các tàu thuyền ở huyện Đức Phổ đã được về nơi trú ẩn an toàn. Lương thực, thực phẩm cũng được dự trữ khi bão đến.
Hiện tại, tất cả các trường học trên địa bàn toàn huyện Đức Phổ cũng cho học sinh nghỉ học.
Tại Bình Định, rạng sáng nay bắt đầu xuất hiện mưa trên diện rộng. Đến khoảng 10 giờ, mưa bắt đầu nặng hạt hơn, kèm theo đó là những cơn gió mạnh dần lên với cấp 4, cấp 5.
Trước tình hình trên, 8 giờ sáng nay, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức cuộc họp nhanh để triển khai các kế hoạch mới ứng phó với bão. Ngay sau cuộc họp, lãnh đạo tỉnh cùng với đại diện các sở, ban, ngành chia nhau thành nhiều đoàn tiếp tục đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác PCBL&TKCN và ứng phó với bão số 7 tại các địa bàn được phân công theo dõi.
Gió lớn làm cây cối nghiêng ngả ở Bình Định. Ảnh: Anh Tú
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết bên cạnh những công điện khẩn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành về việc thực hiện các biện pháp PCBL-TKCN, lãnh đạo tỉnh còn phân công cán bộ lãnh đạo trực tiếp đứng chân trên địa bàn để tham gia cùng địa phương ứng phó với cơn bão số 7.
Theo Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Định, cho đến thời điểm trưa ngày 6-10, trong số gần 7.600 tàu thuyền của tỉnh, có khoảng 80% đã vào bờ neo đậu an toàn, số còn lại đang hoạt động ở các ngư trường khác cũng đã nhận được tin bão và sắp về đến nơi tránh trú gần nhất.
Một trong những việc đang được chính quyền các địa phương trong tỉnh gấp rút triển khai thực hiện là di dời dân từ các điểm xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn. Tính đến thời điểm 13 giờ ngày 6-10, chính quyền địa phương đã di dời khoảng 2.000 người dân ở các vùng ven biển đến nơi trú ẩn an toàn.
Sáng ngày 6-10, hàng trăm cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang của Quân khu 5 cũng được điều động về Bình Định để sẵn sàng ứng cứu. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy, Phó Tư lệnh Quân khu 5, cho biết: “Chúng tôi xác định Bình Định là nơi bão vào nặng nhất. Do vậy, Sở chỉ huy Bổ trợ phòng chống giảm nhẹ thiên tai tiềm kiếm cứu nạn Quân khu 5 đã điều 30 đồng chí cán bộ, sĩ quan của cơ quan Quân khu và triển khai lực lượng cơ bản của Sư đoàn 2 (Tây Nguyên) gồm có phương tiện ca-nô và tàu, xuồng tập kết về TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước để sẵn sàng ứng cứu PCBL-TKCN trên địa bàn Bình Định”.
Tại những buổi kiểm tra về công tác PCBL-TKCN và ứng phó với bão số 7 tại các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện luôn nhấn mạnh: “Mục tiêu đặt ra là bằng mọi giá phải tuyệt đối bảo vệ được tính mạng và tài sản của người dân. Nếu nơi nào để xảy ra sự cố thiệt hại về người và tài sản do thiếu trách nhiệm thì cấp ủy, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm kỷ luật”.
Người dân xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chèn chống trường học chống bão số 7. Ảnh: Thúy Phương
Theo như dự báo, khoảng chiều tối ngày 6-10, bão số 7 với cường độ cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 sẽ vào đất liền của các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi. Thế nhưng, ngay từ buổi sáng, ảnh hưởng của bão mỗi lúc càng trở nên rõ nét hơn.
Tại Quảng Nam, ngày 6-10, trung tá Nguyễn Văn Mỹ, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, theo dự báo, khi bão số 7 đổ bộ sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định. Cho nên, các đơn vị chủ lực trong công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại huyện Núi Thành (vùng giáp ranh của Quảng Nam với tỉnh Quảng Ngãi) đã chủ động trong công tác vận động tàu thuyền ngư dân vào bờ tránh bão.
Theo trung tá Mỹ, hiện tại hầu hết ngư dân vùng giáp ranh giữ huyện Núi Thành, Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi đã được đưa vào gần bờ an toàn. Ngoài ra, đơn vị đã điều động 1 tàu, 1 ca nô chốt tại Cửa Đại (TP.Hội An), 2 tàu và 2 ca nô chốt tại vùng biển Tam Quang, huyện Núi Thành, sẵn sàng trong công tác TKCN khi bão số 7 đổ bộ. Còn tại trụ sở của Hải đội 2, đơn vị duy trì 10 chiến sỹ đảm bảo công tác hậu cần cho khoảng 300 người dân đến đây tránh lũ.
Theo báo cáo của Ban chỉ phòng chống lụt bão (BCH PCLB) Quảng Nam, đến cuối ngày 6-10, Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, tổng số tàu cá của Quảng Nam đang hoạt động đánh bắt xa bờ ở các ngư trường miền Trung là 7 tàu với 260 lao động. Trong đó, huyện Núi Thành có 6 tàu với 219 lao động; huyện Thăng Bình có 1 tàu với 41 lao động. Hiện nay, tất cả các tàu cá trên vẫn đang giữ được liên lạc và được Bộ Chỉ Huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh hướng dẫn tìm nơi trú bão an toàn.
Tại Đà Nẵng, sáng cũng ngày trên địa bàn thành phố đã có mưa rải rác và kèm theo gió lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 7. Người dân ở các phường ven biển của quận Thanh Khê, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã chủ động dùng bao cát chèn chống nhà cửa. Tàu thuyền của ngư dân cũng đã được tập kết về vị trí an toàn.
Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) TP Đà Nẵng, cho biết số phương tiện đang neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang và trên sông Hàn là 881 tàu, trong đó có 343 tàu ngoại tỉnh.
Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đang chuẩn bị phương án phối hợp với Công an, Sở NN & PTNT tổ chức di chuyển số phương tiện trên sông Hàn về Âu thuyền Thọ Quang.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang ông Trần Văn Trường cho biết, UBND huyện đã tăng cường kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn 11 xã, các công trình hồ, đập chứa nước và yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền về các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, đặc biệt là nhân dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở núi, sạt lở ven sông, suối và những vùng thấp lụt.
Theo Trung tâm PCLB&TKCN khu vực miền Trung – Tây Nguyên, hiện các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã có công điện đôn đốc chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai công tác chủ động phòng, chống bão số 7.
Theo đó, các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi. Tỉnh Bình Định chi đạo các địa phương tập trung thu hoạch lúa vụ ba. Tỉnh Quảng Nam có số lượng dân dự kiến sơ tán: 38.440 hộ/146.195 khẩu.