Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sạt lở dọc sông Ba

(10:49:19 AM 06/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Sông Ba (Phú Yên) đang gây sạt lở ở nhiều nơi. Người dân ở gần bờ sông lại bất an trước mùa mưa lũ mới.


Sông Ba ( Ảnh Internet)


Thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa (Phú Yên) từ xưa là một ngôi làng trù phú, bình yên bên bờ nam sông Ba. Tuy nhiên gần đây, cuộc sống người dân bị đảo lộn vì dòng chảy của sông lấn vào làng trong mùa mưa lũ. Ông Mai Tấn Lường (60 tuổi) than thở: “Nhà tôi ở đây vườn tược rộng thênh thang nhưng đến nay sông đã “ăn” vào sát nhà. Có ba hàng tre phía bờ sông đều bị cuốn trôi”.

 

Bà Phùng Thị Sự, ở gần nhà ông Lường, cho biết nhà bà giờ không có đường đi vì mảnh vườn trước nhà đã bị sông “ăn” hết. Bà phải mua lại một phần đất phía sau nhà để lấy đường đi vào nhà bằng cửa hậu. “Khổ quá, không biết mùa mưa lũ năm nay có còn nhà nữa không?”- bà Sự nói.

 

Mép nước sông Ba đã “ăn” sát vào nhiều ngôi nhà ở thôn Phước Lộc 2. Kè bằng bêtông bà con đóng góp xây dựng để chống xói lở không trụ được với sức nước, bị ngã nhào xuống sông. Ông Lê Thành Tân, cán bộ địa chính xã Hòa Thành, cho biết chỉ qua ba mùa mưa, đoạn bờ sông thôn Phước Lộc 2 bị sạt lở dài khoảng 700m, lấn vào bờ hơn 100m, cuốn trôi 30ha đất sản xuất, làm 100 hộ dân mất đất sản xuất và đe dọa cuộc sống của 250 hộ dân khác.

 

Trong khi đó ở phía bờ bắc sông Ba, tình trạng sạt lở cũng đang uy hiếp trực tiếp 19 hộ dân ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Ông Đào Tấn Hữu, phó chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, cho biết: “Địa phương phải bố trí lực lượng xung kích sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn khi tình huống xấu xảy ra”.

 

Theo Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, hiện sạt lở cũng xảy ra ở các xã dọc sông Ba, gồm: Hòa Phong, Hòa Phú (huyện Tây Hòa), Hòa Định, Hòa Hội, Hòa An (huyện Phú Hòa), Đức Bình Đông, Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) và thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa).

 

Ông Biện Minh Tâm - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên - cho biết để hạn chế sạt lở bờ sông, cách hiệu quả nhất là xây kè nhưng dự trù kinh phí xây kè các đoạn sạt lở dọc sông Ba quá lớn nên chưa được triển khai. “Chúng tôi đã khảo sát các vị trí sạt lở nặng, xung yếu để đề xuất xây dựng theo lộ trình” - ông Tâm nói.

Ninh Thuận: hơn 6.000 hộ dân cần di dời

 

Theo dự án rà soát bổ sung quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh Ninh Thuận thông qua, hiện có 6.531 hộ dân ở vùng sạt lở bờ sông, bờ biển, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và thường xuyên ngập lụt... cần được di dời đến nơi ở mới. Trong giai đoạn 2012-2015, tỉnh Ninh Thuận sẽ ưu tiên tổ chức bố trí, sắp xếp cho gần 4.000 hộ dân, giai đoạn 2015-2020 tiếp tục hoàn thiện và bố trí cho 3.000 hộ còn lại.

 

Theo dự án rà soát bổ sung quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh Ninh Thuận thông qua, hiện có 6.531 hộ dân ở vùng sạt lở bờ sông, bờ biển, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và thường xuyên ngập lụt... cần được di dời đến nơi ở mới. Trong giai đoạn 2012-2015, tỉnh Ninh Thuận sẽ ưu tiên tổ chức bố trí, sắp xếp cho gần 4.000 hộ dân, giai đoạn 2015-2020 tiếp tục hoàn thiện và bố trí cho 3.000 hộ còn lại.

 

 

(Nguồn: Lê Biết/ TTO)