Ở người cao tuổi sức đề kháng và miễn dịch suy giảm, do vậy mùa này cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh. Cần tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột, giữ ấm vào những ngày nhiều mây, mưa lạnh; lau khô và làm ấm cơ thể ngay khi đi mưa về; chú ý đến bệnh tăng huyết áp và các bệnh về hô hấp.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, khi bệnh nhẹ, chưa cần dùng thuốc men, có thể áp dụng một số biện pháp dân gian, cổ truyền, mà nguyên liệu từ các thực phẩm thường có sẵn ở gia đình như: gừng chứa tinh dầu diệt nấm, diệt khuẩn, hiệu quả với các chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng, thường được dùng để trừ cảm lạnh với cách chế biến như trà gừng nóng, cháo gừng, gừng muối.
Gừng có tác dụng ôn dương (làm ấm), tán hàn (chống lạnh), tiêu đàm trong các bệnh đường hô hấp. Cũng có thể dùng gừng nấu canh ăn để giải cảm, bằng cách: gừng tươi 6 gr, hành 15 gr, lá tía tô 6 gr; hoặc gừng tươi 10 gr cắt lát, cải bẹ xanh 500 gr cắt đoạn đem nấu canh với cá, hay thịt nạc để dùng.
|
|
Ảnh minh họa |
Cũng có thể dùng cách, gừng tươi và tỏi (mỗi loại 100 gr), nửa lít giấm ăn. Tỏi, gừng rửa sạch, cắt lát rồi ngâm trong giấm, đậy kín trong 30 ngày. Khi bị cảm cúm dùng thức ăn kèm với 2 muỗng cà phê giấm ngâm gừng và tỏi này sẽ có công hiệu rất hay. Cũng có thể dùng các loại lá như gừng, hương nhu tía, chanh, bưởi, sả, kinh giới, tía tô và lá lốt (là những loại lá có chứa tinh dầu) nấu để xông nhằm giúp sát trùng đường hô hấp.
Còn với tỏi, đây là thực phẩm chứa kháng sinh, có tính kháng khuẩn, trị các bệnh nhiễm trùng, có tính tiêu đàm nên được dùng để trị các bệnh đường hô hấp thường gặp khi bị cảm như viêm họng, viêm phế quản. Tỏi có thể kết hợp cùng hành và gừng trong nấu canh giúp cơ thể ra mồ hôi, giải cảm. Với hành thì làm lợi ngũ tạng, giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đường hô hấp và còn giúp ăn ngon miệng, nhất là với người cao tuổi.