Sáng 3/10, theo hướng dẫn của người dân xã Phước Thể, chúng tôi men theo con đường mòn phía Đông núi Tàu để tiếp cận “vùng cấm địa” của “kho báu”. Đây là con đường mà ông Trần Văn Tiệp đã cho san ủi để đưa máy móc, trang thiết bị đến địa điểm khoan thăm dò.
Vô vọng
Giữa nắng trưa gay gắt, một nhóm 4 nhân công đang hì hục điều khiển máy để đưa những mũi khoan từng chút một xuống lòng đất. Hơn 3 giờ quần quật với đá núi, nhóm nhân công bắt đầu rút một mũi khoan lên. “Lại không thấy gì nữa rồi”, một người trong số họ thông báo. Tiếp sau đó, lần lượt 4 mũi khoan thăm dò được “triệu hồi” với chung một kết quả: Không phát hiện gì.
Khu sinh hoạt của những người được thuê thăm dò “kho báu” khá đơn giản. Một túp lều được dựng tạm làm chỗ ở. Một hồ chứa nước mưa để tắm. Nước nấu ăn và uống thì xuống núi mua chở lên. Sau bữa cơm trưa, họ lại tiếp tục đưa giàn khoan đến một địa điểm khác để tiếp tục… thăm dò.
Đi dọc đỉnh núi Tàu, quanh khu vực thăm dò, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều hố sâu đầy nước. Bên cạnh các hố là những đống đất đá vụn ngổn ngang. Men theo triền núi là những tảng đá lớn nằm chênh vênh.
Thấy chúng tôi tỏ ra quan tâm đến “kho báu”, chị Nguyễn Thị Lệ, chủ quán nước dưới chân núi Tàu, lắc đầu: “Mấy năm rồi nhưng có kiếm được kho báu đâu…”.
Theo ông Đặng Thiên Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thể, chính quyền chỉ quản lý việc tạm trú của nhóm nhân công và xem có gây ô nhiễm môi trường hay không. Còn chi tiết thăm dò thế nào thì xã không rõ. Ông Nguyễn Nhứt, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy Phong, cho biết việc thăm dò “kho báu” núi Tàu có một ủy ban chỉ đạo riêng, huyện không được giao theo dõi.
Mãi mãi là giấc mơ
Theo quyết định cấp phép ban đầu của UBND tỉnh Bình Thuận, ông Trần Văn Tiệp được phép thăm dò kho báu trong 270 ngày (bắt đầu từ ngày 10-10-2011) và được khoan 5 mũi thăm dò, ở độ sâu 35 m. Tháng 4-2012, những mũi khoan đầu tiên trong hành trình “đi tìm kho báu” của ông Tiệp mới được thực hiện. Ròng rã nhiều tháng trời, những mũi khoan liên tục “vòng quanh” nhiều điểm trên đỉnh núi Tàu nhưng không phát hiện được gì.
Khi thời hạn thăm dò sắp hết thì cuối tháng 6-2012, UBND tỉnh Bình Thuận bất ngờ trao thêm cơ hội cuối cùng cho ông Tiệp, khi gia hạn thời gian thăm dò thêm 90 ngày. Số mũi khoan lần này cũng được tăng lên, trên diện tích thăm dò 2.400 m2 với độ sâu không hạn chế. Tuy nhiên, theo tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, đơn vị thăm dò đã sử dụng gần hết cơ hội được trao thêm - khoan đến 16 mũi trên núi Tàu với những độ sâu khác nhau nhưng “kho báu” vẫn không thấy.
Ông Trần Văn Tiệp nay đã cận kề tuổi bách niên. Có lẽ đã đến lúc ông phải khép lại giấc mơ “hơn nửa đời người đi tìm kho báu”. Và núi Tàu Bình Thuận với lời đồn đại có kho vàng 4.000 tấn sẽ mãi mãi là chuyện trong mơ.
Hành trình tìm kho báu
Năm 1963, thông tin về kho báu núi Tàu bắt đầu hé lộ khi ông Tiệp được Tỉnh trưởng Bình Tuy Lê Văn Bường, người giữ tấm bản đồ kho báu, tiết lộ. Năm 1976, Tỉnh đội Bình Thuận phát hiện xác con tàu đắm ngoài khơi xã Phước Thể, sát chân núi Tàu, trùng với dữ liệu về kho báu mà ông Tiệp có.
Năm 1987, ông Tiệp được ông Lê Văn Hiền, lúc đó là bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cung cấp thêm thông tin về kho báu. Năm 1992, ông Tiệp cùng ông Hiền xin UBND tỉnh Bình Thuận thăm dò kho báu và được chấp thuận. Chi phí thăm dò khoảng hơn 2 tỉ đồng theo thời giá lúc đó. Từ đó đến năm 2003, họ tiếp tục dồn tiền của, thăm dò kho báu nhiều đợt, tìm được một số cổ vật và “dấu vết” kho báu. Tháng 10-2011, UBND tỉnh Bình Thuận tái cấp phép thăm dò, với dự toán chi phí 3,3 tỉ đồng. Tháng 6-2012, được tiếp tục gia hạn thăm dò kho báu thêm 3 tháng. Thời hạn chấm dứt thăm dò là ngày 10-10-2012. |