Hành động của Coca-Cola và Zing diễn ra sau khi AP cảnh báo họ về mối lo ngại trong nước cũng như quốc tế về trang mạng nghe nhạc đang đứng thứ 6 trong top các trang mạng được truy cập nhiều nhất ở Việt Nam.
Chính lượng khách truy cập phần đông là người trẻ tuổi của Zing Mp3 đã khiến trang này trở thành điểm quảng cáo hấp dẫn đối với các công ty muốn quảng cáo sản phẩm của mình tới thị trường Việt Nam, nơi có tới 30 triệu người truy cập internet.
Ngoài Coca-Cola và Samsung, nhiều các tập đoàn đa quốc gia khác có quảng cáo trên Zing gồm Canon, Yamaha, Intel và Colgate Palmolive.
Về phần mình, Zing chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Việc các hãng nước ngoài quảng cáo trên Zing.vn đã gây bức xúc trong giới nghệ sỹ trong nước, vốn cho rằng trang mạng này vi phạm bản quyền của họ một cách trầm trọng.
Gỡ bỏ quảng cáo để tôn trọng bản quyền
Trả lời AP, đại diện của Samsung cho hay: “Chúng tôi tôn trọng bản quyền và phản đối bất kỳ hành vi vi phạm bản quyền như sao chép và phân phối trái phép các tài liệu đã đăng ký bản quyền. Theo đó, các quảng cáo của chúng tôi trên Zing.vn sẽ được chấm dứt”.
Coca-Cola cũng tuyên bố, đã quyết định rút quảng cáo và "sẽ điều tra trước khi đưa ra quyết định tiếp theo".
Coca-Cola có quan hệ khá thân thiết với Zing khi 2 hãng này từng tổ chức chung nhiều chương trình.
Trong năm 2011, 2 hãng đã hợp tác tổ chức một giải thưởng âm nhạc. Một trang mạng đã được xây dựng dành cho sự kiện này và thu hút 6 triệu người truy cập.
Các công ty trong ngành công nghiệp thu âm ở Mỹ từ lâu đã phàn nàn về việc các công ty nổi tiếng quảng cáo trên các website cho phép tải nhạc lậu và có nhiều nỗ lực nhằm chặn các hành động này. Những quảng cáo trên các website cho phép tải nhạc không bản quyền hấu hết được kí kết qua các công ty quảng cáo trung gian. Tháng 5/2012, Hiệp hội các nhà Quảng cáo Mỹ đã ra thông báo tới các thành viên nhằm ngăn chặn các quảng cáo dạng này.
Giữa tháng 8/2012, 5 website âm nhạc trong nước bao gồm Zing Mp3 đã ký kết với Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam và công ty MV Corp đồng loạt thu tiền người dùng khi tải nhạc trực tuyến từ ngày 1/11/2012 nhằm mang lại nguồn thu cho đơn vị sản xuất và nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc ký kết này không nêu rõ khi nào các website âm nhạc sẽ xóa các bài hát vi phạm bản quyền trên dịch vụ của mình bao gồm cả các bài hát quốc tế.
Theo thống kê từ Alexa, 20% lượng truy cập của Zing đến từ nước ngoài và khoảng 60% lượng truy cập vào Zing vì mục tải xuống.
Liên minh bản quyền IIPA – trước đó đã cáo buộc Zing vì các hành vi vi phạm bản quyền, vừa lên tiếng hoan nghênh quyết định của Coca-Cola và Samsung.