Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Trước mùa mưa bão năm 2012: Nhiều hồ đập thủy lợi mất an toàn

(11:07:05 AM 03/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Trên địa bàn tỉnh hiện có 62 hồ chứa thủy lợi bị hư hại nặng, mất an toàn, có nguy cơ đe dọa tính mạng hàng nghìn hộ dân và các công trình ở hạ lưu trong mùa mưa bão năm 2012.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Những hồ đập thủy lợi này có dung tích từ dưới 1 triệu đến trên 3 triệu m3nước. Trong đó, hồ có dung tích trên 3 triệu m3 là 18 hồ, hồ chứa từ 1 triệu đến 3 triệu m3 là 15 hồ và hồ chứa dưới 1 triệu m3 là 483 hồ.


 Cầu chính qua tràn hồ thủy điện Cư Kpô (Krông Buk) bị hư hỏng, người dân phải đi lại bằng cầu tạm rất nguy hiểm, nhất là trong thời điểm nước lớn về.  Ảnh: H.T

Cầu chính qua tràn hồ thủy điện Cư Kpô (Krông Buk) bị hỏng, người dân phải đi lại bằng cầu tạm rất nguy hiểm, nhất là trong thời điểm nước lớn tràn  về. Ảnh: H.T


Trong các huyện thị, M’Drak là huyện có nhiều hồ đập có nguy cơ lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Tại đập Đội 36 ở xã Ea M’lay, mái thượng lưu đập bị xói lở, trong khi mái hạ bị người dân lấn chiếm canh tác, thân đập rò rỉ nước. Không chỉ thế, tràn của đập làm bằng ống bi tiếp giáp với đất tự nhiên có một hố xói rất nghiêm trọng. Hố xói cách tim đập 7 mét, rộng 20 mét, sâu 8 mét, dài 143 mét. Để giảm phần nào nguy hiểm trong mùa mưa bão, huyện M’Drak đã tạm thời khắc phục hố xói bằng rọ đá. Không chỉ đập Đội 36 mà nhiều đập thủy lợi khác tại các xã Ea Riêng, Krông Jing, Ea M’Đoan… cũng chung tình cảnh: thân đập bị rò rỉ nước, tràn đất tự nhiên bị hỏng, có nhiều hố xói lở, mái đập hạ lưu bị người dân lấn chiếm canh tác…


Hồ thủy điện xã Cư Kpô (huyện Krông Buk) cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tràn xả lũ bị xói rỗng, có nguy cơ làm sập cầu giao thông qua tràn, cống lấy nước qua đập bị hư hỏng nặng gây xói rỗng bên trong thân đập” . Ông Hoàn cho hay, đập đe dọa đến cuộc sống của 50 hộ dân 2 thôn Thống Nhất và Quảng Hà ở vùng hạ lưu. Năm 2006, đập này từng vỡ một lần làm ngập 4 hộ dân ở vùng hạ lưu. Trong thời gian trước, tỉnh đã đồng ý chủ trương cấp 3 tỷ đồng để sửa chữa đập nhưng vẫn mãi chưa thấy kinh phí về đến địa phương.

Cầu chính qua tràn hồ thủy điện Cư Kpô bị hư hỏng.

Cầu chính qua tràn hồ thủy điện Cư Kpô bị hư hại nặng nề

 

Nguyên nhân các hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị hư hại nhiều là do thời tiết cực đoan trong các năm qua khiến nước về hồ lớn và nhanh so với thiết kế, tràn xả lũ không đáp ứng yêu cầu thoát lũ dẫn đến nước tràn qua đập, gây vỡ đập. Một số công trình có thiết kế không phù hợp điều kiện tự nhiên; việc quản lý chất lượng xây dựng công trình của chủ đầu tư còn nhiều yếu kém. Trong đó, quan trọng nhất là nhiều công trình sau thời gian dài từ 20–30 năm khai thác nay xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa kịp thời nên mức độ hư hỏng qua các năm càng tăng cao. Bên cạnh đó, việc người dân không có ý thức bảo vệ công trình thủy lợi như xâm lấn, chiếm đất, san ủi trái phép ở mái đập hạ lưu khiến công trình nhanh xuống cấp.

 

Ông Nguyễn Hữu Chung cho biết: Trước tình hình trên, tỉnh đã yêu cầu các địa phương chú trọng phương châm “4 tại chỗ” trong phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012; đồng thời cắt cử người thường xuyên theo dõi các hồ chứa, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố gây mất an toàn công trình; quản lý điều tiết hồ chứa theo quy trình vận hành; đồng thời kiến nghị Trung ương sớm bố trí vốn để khắc phục sửa chữa các công trình hư hỏng nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi cũng như khu dân cư và các công trình ở hạ lưu.

 

Mùa mưa bão ở Dak Lak đang đến gần. Thực trạng của nhiều công trình thủy lợi bị xuống cấp nghiêm trọng được coi như những quả bom nước lơ lửng trên đầu hàng nghìn hộ dân ở vùng hạ lưu. Trong khi chờ kinh phí để sửa chữa các hồ đập từ Trung ương rót về thì các hộ dân phải sống thấp thỏm trong nguy cơ vỡ đập.

(Nguồn: Hà Thương/ Đak Lak Online)