Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thú rừng lâm nguy !

(08:55:34 AM 03/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Thông tư 47 của Bộ NN-PTNT cho phép khai thác 160 loài thú rừng phục vụ thương mại khiến các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên, chủ rừng... lo ngại nhiều loài thú quý hiếm ngoài danh mục này cũng bị vạ lây

Thông tư  47 (có hiệu lực từ ngày 9-11-2012)  quy định điều kiện, khai thác,  nuôi các loài động vật rừng thông thường, các tổ chức, cá nhân  phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định; được sự đồng ý của chủ rừng và một số điều kiện khác. Theo Cơ quan Cites Việt Nam (đơn vị soạn thảo), Thông tư 47 nhằm thiết lập quy định pháp lý để đưa việc khai thác từ tự nhiên vào khuôn khổ, đồng thời lấp “khoảng trống” chế tài xử lý các vi phạm đang diễn ra trong nhiều năm qua.

 

Quản không chặt sẽ nhiều hệ lụy

 

PGS-TS Nguyễn Xuân Đặng, Phòng Động vật học có xương sống - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho rằng việc ban hành thông tư này là cần thiết vì đây là công cụ để xử lý vi phạm hàng loạt trong khai thác và nuôi động vật rừng thông thường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm phải hết sức chặt chẽ, nếu không sẽ gây ra nhiều hệ lụy, như việc lợi dụng vào rừng khai thác động vật thông thường rồi tiện thể săn bắt luôn động vật hoang dã.

 

Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), lo lắng: Trên thực tế, các cơ quan chức năng địa phương rất hạn chế trong việc định dạng chính xác các loài; những người khai thác, buôn bán, nhân nuôi vì mục đích thương mại lại càng thiếu kiến thức này. Vì vậy, việc khai thác và nhân nuôi vì mục đích thương mại chỉ nên hạn chế ở một số nhóm loài dễ dàng phân biệt, kể cả khi sống và chết. Còn một số loài có đặc điểm gần hay tương tự nhau như chim, cầy, chồn, rắn, thằn lằn... rất khó phân biệt thì chỉ nên cho khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học.
 
Thú rừng săn bắt trái phép trong Vườn Quốc gia Yok Đôn- Đắk Lắk .Ảnh: CAO NGUYÊN
 
 
Ông Jack Todoff, chuyên gia về các loài chim hoang dã quốc tế - Tổ chức Bảo tồn quốc tế, cho rằng việc khai thác, nhân nuôi vì mục đích thương mại có thể gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật thông qua việc cho phép các hoạt động buôn bán hợp pháp vì rất khó phân biệt giữa những cá thể hợp pháp, sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt với những cá thể bất hợp pháp, khai thác trái phép ngoài tự nhiên.
 
 
Trong khi đó, ông Simon Mahood, chuyên gia chim hoang dã quốc tế, quan ngại việc cho phép săn bắn những loài như nai, heo rừng và các loài cầy có nghĩa là hợp pháp hóa việc đánh bẫy trên diện tích rừng lớn. Như vậy sẽ dẫn đến việc vô tình bắt cả những cá thể sao la hay loài mang lớn còn sót lại trong tự nhiên.
 

Thú trong vườn quốc gia cũng lo “lên thớt”

 

Dù Thông tư 47 quy định không được khai thác thú rừng vì mục đích thương mại trong các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn thiên nhiên, tuy nhiên, ông Đào Duy Phiên, Giám đốc VQG Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh), cho rằng sẽ rất khó trong quản lý và bảo vệ sự đa dạng sinh học của VQG. Bởi lẽ, khi cho phép người dân vào rừng khai thác các loại động vật, do ý thức tự giác chưa cao nên gặp loài nào cũng bắt, dẫn đến nhiều loài động vật nằm trong danh mục cấm sẽ bị ảnh hưởng.

 

“Quan điểm của chúng tôi là khi người dân ý thức chưa cao, để bảo đảm sự đa dạng sinh học của các loài động, thực vật, sự an toàn cho các VQG, chúng ta chưa nên cho áp dụng” - ông Phiên nói.

 

“Xung quanh các khu rừng đặc dụng đều là miền núi, người dân chủ yếu là dân tộc ít người, nếu cho phép khai thác các loài động vật rừng theo Thông tư 47, họ sẽ lợi dụng săn bắt các loài động vật quý hiếm khác. Tôi nghĩ chủ trương của Bộ NN-PTNT không sai nhưng trong điều kiện ý thức của một số người dân chưa cao thì việc thực hiện cần cân nhắc kỹ để tránh những tác động không tốt” - ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc VQG Pù Mát, tỉnh Nghệ An, lo lắng.

 

Theo ông Trần Văn Thành, quyền giám đốc VQG Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk), không chỉ VQG Yok Đôn mà tại nhiều khu rừng đặc dụng ở Việt Nam, một số loài động vật được quy định trong Thông tư 47 hiện nay cực kỳ hiếm do bị săn bắn trái phép. Việc mở rộng các loài động vật được cấp phép săn bắn sẽ làm suy giảm một cách đáng kể động vật rừng, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 

“Chúng ta phải quy định rõ cho phép săn bắn theo từng mùa dựa vào đặc điểm sinh sản của loài đó, tránh săn bắn khi chúng mang thai, sinh sản hoặc chỉ cho phép săn bắn con đực…” - ông Thành nói.

 

Ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đắk Lắk), cho rằng hiện nay, một số loài trong danh mục động vật rừng thông thường đã trở nên cạn kiệt. Việc khai thác sẽ làm suy giảm đáng kể loài và ảnh hưởng đến cả quần thể thú rừng. Vô tình, việc này sẽ tạo phong trào cho các đối tượng săn bắn động vật rừng trái phép xâm nhập khu bảo tồn.
 
 

Nhiều loài đã nguy cấp

 

Trong danh mục 160 loài động vật rừng được khai thác tự nhiên và nuôi theo Thông tư 47 quy định, đáng chú ý có các loài: thỏ nâu, thỏ rừng Trung Hoa; cầy tai trắng, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, cầy lỏn tranh; chồn bạc má bắc, chồn bạc má nam, chồn vàng; heo rừng; hoẵng (mang); nai; hươu sao; sóc bụng đỏ, sóc đỏ, sóc bụng xám, sóc sọc hông bụng xám, sóc sọc hông bụng hung, sóc sọc đỏ, sóc má vàng, sóc mõm hung, sóc vằn lưng, sóc đuôi ngựa; dúi nâu, dúi mốc lớn, dúi mốc nhỏ, dúi má vàng, don; nhím đuôi ngắn; gà gô, gà rừng; trĩ đỏ; rùa dứa, rùa đất sêpôn; rồng đất; rắn hổ, rắn lục; các loại rắn nước...Nhiều chuyên gia khẳng định trong danh sách này có nhiều loài đang đứng trước tình trạng tuyệt chủng.

 

Thạc sĩ Lê Trọng Đạt, Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế - VQG Cúc Phương, cho rằng một số loài nên đưa ra khỏi danh mục này vì chúng đang dần quá hiếm ngoài tự nhiên, như thỏ nâu, thỏ rừng Trung Hoa; nai; cầy tai trắng, lửng chó; rùa dứa, rùa đất Sêpôn; tắc kè núi Chứa Chan; thằn lằn núi, thằn lằn núi Bà Đen; nhông cát; rồng đất; rắn lục đầu trắng, rắn lục cườm…
 
(Nguồn:NLĐ)