Liên tục trong những ngày qua, mưa lớn diễn ra liên tục ở Phú Yên. Nhiều hộ dân sống bên bờ sông Ba, sông Ngân Sơn cũng như những vùng hay bị triều cường xâm thực như xóm Rớ (xã An Phú - TP Tuy Hòa), thôn An Vũ (huyện Tuy An) lại lo lắng nhà và tài sản bị sông, biển nuốt chửng.
Lo vì dự án rùa
Ông Đỗ Văn Thanh (ngụ xã Hòa An, huyện Phú Hòa) nói 8 năm qua, mỗi năm sông ngoạm vào gần 10 m đất nên giờ sông chỉ còn cách ngôi nhà hơn 5 m. Bà Nguyễn Thị Được, có nhà gần sông Bình Bá (thị xã Sông Cầu), cũng chung nỗi lo vì con sông hung dữ này đã lấy đi gần 40 m chiều sâu vườn nhà, giờ đang đe dọa đến ngôi nhà.
Huyện Tuy An - Phú Yên còn có 2 dự án xây kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ các khu dân cư, được lập cách đây hơn 3 năm, nhưng hiện vẫn “nằm” trên giấy. Đó là kè hạ lưu sông Ngân Sơn dài 1 km, kè đập Hà Yến dài 1,3 km với dự toán 14 tỉ đồng. Ông Hồ Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa - Phú Yên, cho biết dự án di dời hơn 100 hộ dân thường xuyên bị triều cường xâm thực đe dọa đang được triển khai với kinh phí hơn 40 tỉ đồng. Phải di dời vì nếu xây dựng kè biển thì tỉnh không đủ kinh phí. “Tuy nhiên, cũng sẽ không thể di dời kịp trong năm nay”- ông Hùng khẳng định.
khi chờ Nhà nước xây dựng kè biển. Ảnh: HỒNG ÁNH
Mỏi mòn chờ vốn
Tại huyện Diên Khánh - Khánh Hòa, nhiều căn nhà dọc sông Cái đang bị bỏ hoang mặc dù có vị trí ở mặt tiền Tỉnh lộ 2. Anh Nguyễn Thành Tiến, một thợ sửa xe máy ở đây, cho biết từ năm 2009, nước lũ dâng cao khiến gần mấy ngàn mét vuông đất bị sông Cái cuốn trôi gây sạt lở kinh hoàng khiến người dân luôn sống trong cảnh lo sợ mỗi khi mưa lũ về. Nhiều người sợ quá nên bỏ nhà đi.
Ông Lương Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, cho biết huyện có rất nhiều địa điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài cần được xây dựng, gia cố kè lên đến 2,5 km. Huyện đã khảo sát và thống kê, trước mắt có hơn 500 m các điểm xung yếu nằm sát tỉnh lộ, huyện lộ, khu dân cư… cần xây dựng khẩn cấp với kinh phí trên 10 tỉ đồng nên không thể lo được. Để giải quyết phần nào mối nguy hiểm, trong năm nay, huyện xây dựng hơn 200 m bờ kè với kinh phí khoảng 5 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Thái Như Trị, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, hiện tỉnh này còn một loạt dự án chưa được cấp vốn xây dựng, như kè bảo vệ thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn); kè Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh); kè ở phường Vĩnh Nguyên, kè bờ hữu sông Cái (Nha Trang)… và sửa chữa nâng cấp hồ chứa nước Suối Hành (TP Cam Ranh), hồ chứa nước Đắc Lộc (Nha Trang)… với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng. Những dự án này hầu hết đã được phê duyệt nhưng thiếu kinh phí triển khai.
Tìm giải pháp đối phó Trước mắt, để đối phó với tình hình thời tiết phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các địa phương phải cụ thể hóa những giải pháp đối phó trước, trong và sau cho từng loại hình thiên tai, xác định rõ các vùng nguy hiểm để tổ chức dự báo… Ở các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ban yêu cầu tổ chức cắm biển báo tại các vùng nguy hiểm và có phương án chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn... |