Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Giáo dục giới tính: Hãy công bằng với người trẻ

(01:02:04 AM 02/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Giáo dục giới tính là một đề tài không mới. Các quốc gia phát triển trên thế giới đều có học phần về giáo dục giới tính (sex-education) trong học đường.

Ngay cả các quốc gia châu Á với nền văn hóa vốn khép kín và xem chuyện tính dục là điều cấm kỵ cũng dần cởi mở hơn về vấn đề này.

 

 
Giáo dục giới tính là một đề tài không mới.

 

 

Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhất là khi sự giao hòa với các nền văn hóa phương Tây ngày càng đậm đặc trong những chương trình truyền hình và ấn phẩm văn hóa. Các trường học cũng có chương trình giáo dục giới tính. Nhưng Việt Nam hiện là quốc gia có tỉ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ năm trên thế giới (*). Vì sao?

 

Vẫn là nỗi sợ, sau… 10 năm

 

Tôi nhớ bài học đầu tiên của tôi khi đặt chân vào cổng trường trung học phổ thông là cái lắc đầu của thầy giáo bảo rằng: Con gái dễ bị lừa lắm. Trong năm học ấy lũ học sinh chúng tôi râm ran chuyện một cặp yêu nhau “ăn cơm trước kẻng”. Nạn nhân nữ sau đó phải tìm đến cô giáo nhờ giải quyết hậu quả, trong khi kẻ “hưởng lợi” vừa được ăn vừa được nói. Câu chuyện xảy ra đã 10 năm, nhưng đến hôm nay vẫn có những cô bé lo lắng và hoảng loạn về cơ thể mình.

 

10 năm trời là quãng thời gian làm nên những đột phá về công nghệ, 10 năm làm nên những biến đổi trong cấu tầng xã hội, 10 năm tạo ra những thế hệ người Việt mới bản lĩnh hơn, nhưng 10 năm không làm thay đổi được cách suy nghĩ về giáo dục giới tính.

 

 

Chỉ cần gõ cụm từ “giáo dục giới tính” trên một công cụ tìm kiếm của Internet, truy xuất dữ liệu lên đến hơn 19 triệu kết quả.

 

Tuy nhiên, lướt qua những website được quảng cáo giáo dục giới tính chỉ thấy thông tin về tư thế, về clip hot, về thuốc tránh thai khẩn cấp, một số website chính thống hơn thì đưa ra những khuyến cáo về các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc có thai ngoài ý muốn nếu người trẻ trót quan hệ mà không có biện pháp bảo vệ.

 

Những thông tin về giáo dục giới tính kiểu nửa vời này chỉ càng khiến người ta tò mò và muốn thử trái cấm, trong khi điều cần thiết là kỹ năng đàm phán và làm chủ cảm xúc của người trẻ khi những va chạm giới tính diễn ra lại không được đề cập một cách cụ thể.

 

Hai câu chuyện được chia sẻ trên báo TTCT ngày 23.9.2012 vẫn là hai người trẻ bơ vơ trước các kiến thức về an toàn tình dục. Muốn biết nhưng không dám hỏi. Gia đình lẽ ra là chốn bình yên cuối cùng giúp người trẻ chống đỡ với rủi ro của cuộc sống thì lại trở thành một chiếc hộp bí mật dán nhãn cấm kỵ và biển kiểm soát trẻ dưới 18 tuổi.

 

Quan hệ tình dục không làm chết người. Nó sinh ra thêm người. Không sớm thì muộn, người ta có gia đình và cũng phải quan hệ tình dục. Vậy tại sao phải ngăn cấm người trẻ quan hệ tình dục? Cái cần ngăn cấm chính là những đứa trẻ ra đời không có sự chuẩn bị của cha mẹ, là những bà mẹ trẻ chưa có kỹ năng nuôi sống bản thân, là những chấn thương tâm lý do sự thiếu hiểu biết về cơ thể mình. Vậy tại sao phải hạn chế nói về một trong những đề tài mấu chốt của giáo dục giới tính - là quan hệ tình dục?

 

Câu trả lời là vì chúng ta - những người tự cho mình đã trưởng thành, có thu nhập - có cái nhìn kém công bằng đối với nhóm người trẻ tuổi, những người bị xã hội mặc định chỉ có ăn và học, không có sự phát triển của cảm xúc giới tính.

 

Một trong những điều kém công bằng chính là cách người lớn nói về tình dục và quan hệ tình dục của lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong các văn phòng hiện đại hay những quán cà phê vỉa hè, người lớn thoải mái nói chuyện tiếu lâm mặn với đủ các mức độ khác nhau. Tôi từng làm việc tại Tổ chức NGO, tình dục an toàn là một chủ đề hoạt động của tổ chức. Mọi người có thể tự do trao đổi với nhau về hiện tượng thanh thiếu niên thiếu các kiến thức về an toàn tình dục với những câu chuyện người thật việc thật, nhưng ai cũng mặc nhiên loại trừ con mình ra. Những chị phụ nữ văn phòng sẵn sàng gán mác hư hỏng cho nhóm quan hệ tình dục trước hôn nhân, rồi lại bảo chắc nịch rằng: Con chị không bao giờ làm như thế.

 

Điều kém công bằng thứ hai là chúng ta tự dựng nên những điều kiện tương đồng giữa người lớn và thanh thiếu niên để buộc thanh thiếu niên phải sống như cách người lớn muốn. Sự hấp dẫn về giới tính trong lứa tuổi học đường mặc nhiên bị cha mẹ loại trừ bởi họ cho rằng trường học không có chỗ cho những cám dỗ. Cho nên khi con gái, con trai họ bị cám dỗ bởi sự hấp dẫn về tính dục, đó là điều xấu hổ và nhục nhã dù nó là minh chứng cho bản chất con người với những rung động của cảm xúc.

 

Giáo dục giới tính không phải là kiểm soát đức hạnh

 

Giáo dục giới tính không chỉ hướng dẫn người trẻ sự an toàn về tình dục mà nhìn rộng ra còn là cách xã hội kiểm soát những hậu quả của vấn đề này. Những đứa trẻ ra đời ngoài ý muốn, trong sự ghẻ lạnh của người thân là tiền đề đẩy chúng vào những ngõ cụt trong khoảng 20 năm sau. Những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục không được kiểm soát ổn thỏa là gánh nặng cho ngân sách và phúc lợi xã hội tương lai. Những lệch lạc về tình dục tạo ra những con người không hoàn hảo, làm nên một thế hệ lạc lối, ảnh hưởng nỗ lực của cả xã hội. Giáo dục giới tính để kiểm soát tác động xã hội chứ không phải đánh giá sự đức hạnh của một con người.

 

Trường học Việt Nam cũng có chương trình giáo dục giới tính, nhưng những dữ liệu trên cho thấy hiệu quả thực chất của hoạt động này trong nhà trường. Tuy nhiên, trong câu chuyện này không thể quên vai trò của gia đình. Sự chia sẻ của cha mẹ với thanh thiếu niên về quan hệ tình dục trước hôn nhân và những hậu quả xảy ra có giá trị sinh động hơn những con chữ của sách giáo khoa.

 

Là những người gần gũi với thanh thiếu niên nhất, cha mẹ là người bắt sóng nhanh nhất những biến chuyển tâm lý của từng cá nhân thanh thiếu niên và kịp thời đưa ra chỉ dẫn. Cuối cùng, vấn đề chỉ dẫn vẫn chỉ là quan điểm của người lớn về chuyện quan hệ trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

 

Người lớn hãy nhìn bằng đôi mắt của người trẻ, trở về với những rung động cảm xúc và tò mò giới tính ngày xưa. Hãy chấp nhận sự khác biệt, lắng nghe nhiều hơn thay vì áp đặt những nhãn đánh giá đức hạnh lên người trẻ. Xã hội lành mạnh là xã hội của các mảng màu khác biệt. Chừng nào vẫn còn những gương mặt thất thần và những dằn vặt tổn thương vì phá thai, chừng đó giáo dục giới tính vẫn chỉ là kiến thức giáo khoa khô cứng.

Theo Hương An/TTCT