Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Gangster Việt Nam khiến tê giác diệt vong

(00:53:22 AM 02/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Tờ Global Post mới đây đăng tải một bài viết có tiêu đề “Các băng đảng Việt Nam thèm khát săn lùng sừng tê giác” (Vietnamese gangsters horny for poached rhino), trong đó quy trách nhiệm về vấn nạn săn trộm tê giác trên thế giới cho các băng nhóm người Việt.

Các đường dây buôn bán sừng tê giác ở Việt Nam sẽ làm gì khi loài tê giác đã tuyệt chủng trên mảnh đất hình chữ S? 

 

 
Một con trong cặp tê giác này ở khu bảo rồn Tugela, ở Nam Phi, đã bị bọn săn trộm cưa sừng. Ảnh Brent Stirton 

Thị trường sừng tê giác đem lại cho những đường dây này một lợi nhuận khổng lồ từ nhu cầu của giới đại gia, cùng quan niệm cho rằng sừng tê giác là một phép màu có thể điều trị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Khi không còn nguồn cung từ trong nước, họ sẽ tìm kiếm sừng tê giác từ những vùng đất xa xôi.

 

Theo TRAFFIC, tổ chức bảo vệ động vật hoang dã có trụ sở ở Anh, điểm đến chính của các đối tượng này là Nam Phi, một đất nước mà hoạt động săn bắn tê giác được chính quyền cấp giấy phép.

 

Giới chức Nam Phi đã ghi nhận sự gia tăng đột biến của những nhóm săn lùng sừng tê giác do người Việt điều hành. Khi bị nghi ngờ, các băng nhóm đã tăng cường tuyển mộ thành viên từ các nước châu Á khác để lách luật.

 

“Để đối phó với quy định về các giới hạn dành cho thợ săn, một trong số các băng nhóm đã sử dụng tên của những người này để có thêm giấy phép. Dĩ nhiên là những người đó không biết phải sử dụng súng như thế nào, thay vào đó những tay thợ săn chuyện nghiệp sẽ thực hiện công việc của họ”, ông Richard Thomas, phát ngôn viên của TRAFFIC cho biết.

 

Bên cạnh đó, báo cáo gần đây còn cho biết, các băng đảng người Việt còn đứng sau sự gia tăng đột biến của các hoạt động thu mua sừng tê giác phi pháp khác, trong đó có hàng loạt vụ đánh cắp sừng tê giác ở các bảo tàng ở Mỹ, châu Âu và châu Phi, nơi có các mẫu vật tê giác được nhồi bông.

 

“Việc tăng nhu cầu sừng tê giác từ Việt Nam giờ đây không chỉ liên quan đến sự đáp ứng nhu cầu của nền y học truyền thống. Uống rượu pha sừng tê giác đang trở thành cách thể hiện đẳng cấp của giới lắm tiền. Các bệnh nhân ung thư đang cận kề cái chết cũng tìm đến sừng tê giác với hi vọng viển vông rằng, thần dược này sẽ giúp mình qua khỏi", ông Tom Milliken, một chuyên gia về tê giác của TRAFFIC và là đồng tác giả của báo cáo trên cho biết.

 

Giới “thượng lưu mới” ở Việt Nam tin rằng nước hoặc rượu pha với sừng tê giác được mài thành bột là một thứ thuốc đại bổ, thậm chí là trị được bách bệnh và việc sử dụng sừng tê giác trong các buổi tiệc tùng là minh chứng cho sự giàu có và địa vị xã hội. Những kẻ bán sừng tê giác cũng xuất hiện tại khu vực điều trị ung thư của các bệnh viện để mời chào bệnh nhân giai đoạn cuối mua sừng tê giác - được quảng cáo như một loại thuốc đặc trị mọi loại bệnh ung thư.

 

Trong một ngõ hẻm tối tăm và ẩm thấp của khu phố cổ Hà Nội, một người phụ nữ tên Hương đang cầm trên tay mình phần sừng của một con tê giác châu Phi. Cô cho biết, ban đầu công ty “xuất nhập khẩu” của mình chỉ chuyên về mặt hàng ngà voi nhân tạo. Nhưng với một cái giá “đẹp”, công ty sẵn sàng cung cấp cho khách hàng ngà voi thật, sừng tê giác và nhiều mặt hàng bị cấm liến quan đến động vật hoang dã khác.

 

"Trước kia, khách hàng của chúng tôi chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á lân cận. Nhưng sau vài thập niên, kinh tế Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Nhiều người Việt rất háo hức chi tiền để chứng minh cho bạn bè thấy rằng mình giàu.

 

Đối với tôi, ngà voi hữu dụng hơn sừng tê giác vì chúng có thể được chế tác thành những sản phẩm đẹp và hợp thời trang. Còn công dụng của sừng tê giác thì cũng như thuốc aspirin mà thôi. Thế nhưng, nhu cầu sừng tê giác của khách hàng luôn lớn hơn nhu cầu ngà voi. Họ mua sừng tê giác đơn giản để cho mọi người biết rằng, họ giàu đến mức có thể dành cả một đống tiền chỉ để uống nước”.

 

Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ là một thị trường tiêu thụ. Quan trọng hơn, đây là nơi quá cảnh cho một khối lượng khổng lồ sản phẩm từ động vật hoang dã đến thị trường cuối cùng, có quy mô lớn hơn nhiều lần.

 

Theo ước tính của TRAFFIC, chỉ có 13 con tê giác bị săn bắn tại Nam Phi trong năm 2007. Con số này ước đoán lên đến 515 vào năm 2012 và nhóm bảo tồn cho rằng, các băng đảng Việt Nam phải chịu trách nhiệm chính cho thực trạng này.

 

Theo nhà chức trách Nam Phi, người Việt Nam chiếm đến 58% trong tổng số người châu Á bị bắt giữ trong đợt càn quét những kẻ buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp ở nước này năm 2012.

 

Các chuyên gia quốc tế ước tính có khoảng 4.400 tấn sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp được trung chuyển qua Việt Nam hàng năm. Trong khi đó, sự gia tăng nhu cầu từ nội địa không chỉ làm tổn hại đến các công tác bảo tồn của Việt Nam, mà còn gây áp lực lên môi trường sống của động vật hoang dã các nước láng giềng Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.

 

Theo ông Huỳnh Tiến Dũng, một điều phối viên chính sách tại văn phòng Hà Nội của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) nói, vấn đề lớn ở Việt Nam là sự thiếu vắng các nỗ lực bảo tồn. Không chỉ các loài có nguy cơ tuyệt chủng trong nước như voi và hổ cần được bảo vệ khỏi những kẻ săn trộm, mà việc buôn bán động vật hoang dã khác từ châu Á và châu Phi cũng cần được tích cực điều tra và truy tố.

 

Mặc dù những lời cảnh báo đã được cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra từ lâu, nhưng thảm họa đã không thể được ngăn chặn. Con tê giác một sừng cuối cùng của Việt Nam đã bị bắn chết tại Vườn quốc gia Cát Tiên vào năm 2010, bất chấp việc khu bảo tồn tê giác tại nơi đây được tài trợ hàng triệu USD.

 

Giờ đây chỉ còn dưới 50 cá thể của loài động vật này tồn tại trên đảo Java của Indonesia. 

(Nguồn:Global Post/SGTT)