Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một góc Cát Tiên - Ảnh minh họa
Thuở chăn trâu, thấy ngách suối nào có nhiều cá, bọn trẻ con chúng tôi thường lấy đất chặn lại, rồi lấy rễ cây mật hoặc lá cơi đạp nát rắc xuống để cá say nhao lên thì bắt. Sau đó thì phá đập đi cho nước chảy vào. Những con cá sót lại có dòng nước sạch giải độc, lại hồi tỉnh dần ve vẩy bơi lội như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Đó là lối kiếm sống thời nguyên thủy, không di hại đến môi trường bao nhiêu.
Thói thường, thấy lợi thì không ai bỏ. Nhưng nó sẽ hạn chế nếu như có luật chặt chẽ và có sự kiểm soát.
Mới rồi tôi nghe một chuyện mà thấy bàng hoàng: Một bọn muốn phá rừng đầu nguồn lấy gỗ. Nhưng phải hợp pháp hóa thì việc mới trôi. Họ bèn nghĩ kế: Trình chính quyền một dự án thủy điện. Tính độ cao công trình quét mấy ngàn ha rừng đầu nguồn khi nước dâng lên.
Thiết kế có trong bản đồ quy hoạch được duyệt nên song song với việc gãi đất ngăn đập cho có cớ thì họ bắt đầu cho chặt rừng đầu nguồn “tận thu” gỗ ở diện tích nước dâng. Cây được khai thác hợp pháp. Xong đâu đấy thì việc xây đập chững lại vì dự án thiếu vốn…treo vô thời hạn vì việc kiếm chác đã xong.
Sự lợi dụng dự án mà địa phương được quyền phê duyệt kia tác hại đến môi trường thế nào thì sau đó đã rõ cả.
Cách làm của nhóm người chỉ nhằm kiếm tiền cũng không khác gì cách đánh bắt của bọn trẻ trâu xưa ngăn dòng bắt cá. Nhưng tàn ác hơn là dưới mục đích phát triển.
Ở ta, miền Trung đã từng có con sông có đến 5 dự án đập thủy điện.
Miền núi phía Bắc có dòng chảy lên đến 17 đập thủy điện. Liệu có bao nhiêu cái thuộc loại dự án nhằm phá rừng lấy gỗ?
Sẽ còn bao nhiêu dự án các loại khác bị lợi dụng như kiểu làm thủy điện (?) mà chính quyền không biết hay giả vờ không biết, để khi vụ việc xảy ra lại “ rút kinh nghiệm sâu sắc vì trình độ có hạn”.
Xã hội càng phát triển thì sự cướp bóc càng tinh vi!