Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cá sấu chết ở TP HCM vì nguồn nước ô nhiễm

(00:05:29 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Nguồn nước tại các kênh A, B, C, kênh Ngang (chảy ra sông Vàm Cỏ) thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM, ô nhiễm nặng khiến nhiều cá sấu chết do nhiễm độc nguồn nước nhưng đến nay các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Nguồn nước tại các kênh A, B, C, kênh Ngang (chảy ra sông Vàm Cỏ) thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM, ô nhiễm nặng khiến nhiều cá sấu chết do nhiễm độc nguồn nước nhưng đến nay các ngành chức năng  vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

 

Bán tháo

 

Nhiều công ty, doanh nghiệp, hộ nuôi cá sấu trên địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (TPHCM) phải bán tháo bán đổ cá sấu vì sợ chúng sẽ chết hàng loạt trong thời gian tới do nguồn nước bị ô nhiễm quá nặng. Thậm chí nhiều hộ nuôi cho biết có thể di dời đi nơi khác.

 

Anh Trần Hoàng Dũng, chủ nông trại - cơ sở sản xuất Minh Huy, xã Phạm Văn Hai - nói: “Nước này (nước trong ao) tôi đã lóng qua ba ao cả tuần nay mới dám cho vào nhưng màu nước vẫn còn đục. Tôi chỉ còn gần 50 con cá sấu đẻ vốn có sức đề kháng mạnh nên chưa đến nỗi”.

 

Anh cho biết thêm, ngày nào anh cũng nhận vài cuộc điện thoại từ các cơ sở khác hỏi cá có bị gì chưa. Vài ba hộ ở khu vực kênh T1, T2 đã có cá bị bệnh mắt mờ màu đỏ au và một vài con đã chết. Anh lo lắng nếu tình trạng nước ô nhiễm như thế này kéo dài thì nguy cơ cá chết là chắc chắn.

 

Còn tại cơ sở 2 của Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn (FORIMEX) nằm trên địa bàn ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM, từ cuối năm 2007 đến nay, có 30 con cá sấu chết với các biểu hiện như đồng tử giãn to, bỏ ăn.

 

Ông Lưu Thanh Luân, Trưởng phòng Kinh doanh FORIMEX, cho biết, công ty đã lấy mẫu nước nuôi cá sấu ở kênh T1 đến Viện Pasteur TPHCM phân tích. Kết quả cho thấy một số chỉ tiêu an toàn như độ oxy hóa, sắt tổng vượt quá xa giới hạn cho phép.

 

Công ty cũng đưa một số mẫu bệnh phẩm của cá sấu chết đến xét nghiệm tại trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị thuộc Chi cục Thú y TPHCM. Kết quả phổi cá bị nhiễm tế bào lympho, tế bào gan, thận bị hoại tử.

 

Theo bác sĩ thú y Đặng Xuân Minh - Phòng kinh doanh Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn - với kết quả trên có thể chẩn đoán cá sấu chết do bị nhiễm độc nguồn nước. Vì vậy, công ty không dám để trao đổi nước tự nhiên từ khu vực nuôi cá sấu với nguồn nước kênh T1 như trước nữa.

 

Theo FORIMEX, nguyên nhân chính khiến nguồn nước kênh T1 bị ô nhiễm là do chất thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp dọc theo tuyến kênh T1 thải ra trong mấy năm gần đây.

 

Doanh nghiệp tiếp tục xả trực tiếp nước thải

 

Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Củ Chi cho biết nhiều doanh nghiệp nằm trong Khu Công nghiệp Tân Phú Trung như Công ty TNHH Hiệp Thành (sản xuất nhuộm sợi, vải), Công ty TNHH sản xuất cồn Tường Trung, Công ty TNHH Exel Kind - Đông Á (giặt tẩy) và Công ty TNHH Tiến Phát (sản xuất giấy bao bì) tiếp tục xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra kênh Thầy Cai. Mà kênh An Hạ lấy nước từ kênh Thầy Cai, rồi tỏa ra các kênh T1, T2, A, B, C…

 

Trở lại Bình Chánh ngày 26/3, sau khi phản ánh tình trạng cá sấu chết hàng loạt trên báo Sài Gòn giải phóng, tình hình vẫn không khả quan hơn.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, cho biết tình hình ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến xã Tân Nhựt mà còn lan rộng ra các xã Lê Minh Xuân, Bình Lợi nằm ở đoạn cuối của hệ thống kênh Thầy Cai, An Hạ.

 

Mấy năm trở lại đây, chất thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất ở Củ Chi, Hóc Môn - nơi thượng nguồn các con kênh này - xả ra thì ruộng, vườn nơi đây phải hứng chịu hết.

 

Thêm vào đó, Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân là nơi tập trung các đơn vị sản xuất thuộc lĩnh vực gây ô nhiễm nhiều như xi mạ, tẩy nhuộm, thuộc da lại thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch.

 

Ông Nguyễn Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nhận xét, từ năm 2007 đến nay, nguồn nước trên địa bàn huyện ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn.

UBND huyện đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND TPHCM sớm chỉ đạo các ngành chức năng xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân đơn vị để phát sinh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, không khí nhằm có biện pháp xử lý; đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý Khu Chế xuất – Khu Công nghiệp TP tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình ô nhiễm tại các khu công nghiệp.

 

Nhưng tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Kết quả phân tích mẫu nước của Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi (Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn) vào cuối tháng 12/2007 cho thấy, mức độ ô nhiễm trên hệ thống kênh, rạch đã đến mức báo động.

 

Theo tiêu chuẩn Việt Nam, chỉ số BOD5 cho phép là trên dưới 50 mg/l nhưng tại kênh B (đoạn cống cuối kênh C16) lên đến 450mg/l, còn tại kênh C (cống đầu kênh C12) lên đến 470 mg/l.

 

Về chỉ tiêu TDS chuẩn là 400mg/l thì tại cống cuối kênh 16 là 1.875 mg/l, cầu Tân Tạo trên kênh C là 2.107 mg/l, v.v...

 

Việc ngăn chặn ô nhiễm ở các kênh, rạch, hệ thống thủy lợi Bình Chánh là công việc vô cùng cấp thiết, bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân nơi này. Tiếc là động thái từ các cơ quan chức năng quá chậm.

Ngay như việc cá sấu chết hàng loạt, theo ông Lưu Thanh Luân, Trưởng phòng Kinh doanh FORIMEX, hơn hai tuần qua, dù công ty đã có công văn gửi Sở Tài nguyên&Môi trường và nhiều sở, ngành liên quan đề nghị các ngành chức năng sớm khảo sát, nghiên cứu và có biện pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. 

 

(Theo SGGP)