Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Giữa mùa dịch, ”cò” bệnh viện thỏa sức tung hoành

(11:02:44 AM 01/10/2012)
(Tin Môi Trường) - "Chỉ khi nào bệnh viện hết quá tải thì tình trạng cò mồi mới chấm dứt", đó có lẽ là chia sẻ của rất nhiều người khi được hỏi về tình trạng cò bệnh viện đang hoành hành như hiện nay.

 "Cò" tung hoành

Trong vai một bệnh nhân đi khám bệnh tại một bệnh viện thuộc tuyến TƯ và cũng là một trong những bệnh viện đầu ngành về chuyên khoa xương - bệnh viện Việt Đức, tôi được chứng kiến cảnh "cò" tung hoành nhưng lại vô cùng kín đáo tại đây. 

Tấm biển phía ngoài bệnh viên Tai mũi họng TW. Ảnh: Lê Hiếu.

 Dãy ghế chờ trong khoa Khám bệnh đầu giờ chiều, giữa cái nóng oi bức, đông nghẹt bệnh nhân từ khắp các tỉnh, thành đổ về đây. Không khí như càng ngột ngạt hơn khi càng lúc càng đông người chờ tới lượt đọc tên mình vào khám.

Lân la ở một quán nước trước cổng, vờ than phiền với bà chủ quán về sự đông đúc đến ngạt thở của căn phòng chờ phía sau cánh cổng viện, tôi liền được bà chủ nhanh nhảu hỏi: "Cháu đi khám gì? trong đó đông và phải xếp hàng chờ lâu lắm". Như vớ được vàng, với cái vẻ ngây ngô nhất có thể tôi nói: "Cháu chỉ đi chụp Xquang thôi, nhưng cháu phải đi làm, chắc chẳng có thời gian mà xếp hàng, chờ đợi thế kia". Rồi không đợi bà chủ quán trả lời tôi liền hỏi thêm: "Cô xem có quen ai trong viện, nhờ đưa cháu vào khám nhanh, khám dịch vụ cũng được, cháu sẽ không quên ơn cô".

Rất nhanh, như đã quen với công việc giới thiệu khách cho đội ngũ "cò", bà chủ quán nước liền nói giá luôn: "Khám và chụp Xquang là 500.000 đồng", mà không nói rõ đâu là tiền viện đóng cho Nhà nước, đâu là khoản phí dịch vụ. Với cách làm đó, những bệnh nhân ở quê lên đây khám chữa bệnh và những người muốn khám nhanh mà không phải chờ đợi rất dễ bị "làm tiền".

Thấy tôi ngần ngừ, bà chủ quán liền nói: "Sao? có khám không? để cô còn gọi người ta không thì muộn hết giờ, không khám được đâu". Tôi liền trả lời: "Để cháu đợi thêm chị cháu đến nữa, chị ấy muốn khám để lấy giấy khám sức khỏe, đang trên đường tới rồi, cô đợi lát nữa, lúc nào chị cháu đến rồi cô gọi".

Trong lúc chờ đợi, tôi quan sát thấy có rất nhiều người đến đây để khám bệnh nhưng đều tỏ ra nản với số lượng người đang xếp hàng phía trong kia và đang cố tìm cho ra cách nào đó nhanh hơn để được gọi tên mình.

Đợi 1 lúc lâu tôi liền bảo bà chủ quán gọi điện thoại. Qua cuộc nói chuyện thấy bà nói với một người đàn ông và hỏi: "Mấy đứa lúc trước xong chưa? Ra đây có thêm hai khách chụp Xquang thôi, nhanh nhé!". Bà chủ quán vừa cúp máy được chừng hai phút thì đã thấy một người đàn ông mặc đồng phục trông xe hỏi bà chủ quán: "Đây hả?" - "Hai người đấy" - bà chủ đáp... 

Lợi dụng đông bệnh nhân, "cò" thỏa sức tung hoành lừa đảo những người tới khám bệnh

Mất cả buổi chiều ngồi tại quán nước của một “cò mồi”, tôi mới biết được rằng, một đường dây cò mồi phải hoạt động qua ba tầng.

Tầng thứ nhất là bà chủ quán nước, chuyên “nhận đơn hàng” của khách và ra giá (muốn khám cái gì, giá bao nhiêu).

Tầng thứ hai với vai trò vừa trông xe, vừa quan sát (quan sát xem đối tượng muốn khám bệnh có gì khả nghi không), sau đó có nhiệm vụ cầm thẻ đã có sẵn, đưa người muốn khám bệnh vào bệnh viện (muốn vào khám ở bệnh viện Việt Đức phải có sổ khám bệnh, hoặc phải có thẻ ra vào mới qua được cửa bảo vệ).

Và tầng thứ ba là một người đã được gài sẵn trong bệnh viện, có nhiệm vụ đưa bệnh nhân đến tận phòng khám, giao cho bác sĩ, và ngồi đợi bên ngoài, trực đón khi người bệnh trở ra. Sau khi khám xong, người ở tầng thứ ba sẽ đưa thẳng bệnh nhân ra ngoài quán nước ngồi đợi lấy hồ sơ bệnh án.

Còn ở bệnh viện Mắt TƯ, điều đáng chú ý là quanh bệnh viện này, trước cổngbệnh viện và ngay cả con phố bên hông Bùi Thị Xuân, phòng khám tư nhân mọc lên như nấm. Chỉ cần xách túi đồ, lớ ngớ đứng trước cổng bệnh viện là sẽ có ngay một tới hai "cò" đến hỏi xem đi khám gì, và nếu bệnh nhân chưa một lần đặt chân tới đây sẽ được giới thiệu, tư vấn và dẫn dắt ngay tới một phòng khám tư nhân ngay gần đó với đủ lời mời chào và đủ các loại dịch vụ, với thời gian khám bệnh nhanh nhất.

"Cò" ngay tại cổng bệnh viện Mắt TƯ

 Theo ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TƯ: “Cò bệnh việnMắt đã tồn tại từ lâu, có lúc còn hoạt động công khai cả trong lẫn ngoài như bán sổ khám bệnh, môi giới làm xét nghiệm, phẫu thuật rồi dẫn bệnh nhân đến các phòng khám tư”.

Thực tế, bệnh viện đã tuyên truyền qua loa phóng thanh ngay từ cổng vào và dán những biển cảnh báo nhưng người bệnh nhiều khi thấy đông đúc, chật chội nên thỏa thuận với cò khám cho nhanh. Trong khi đó, xung quanh bệnh viện có tới 6 cơ sở khám mắt khác nên người bệnh dễ bị cò rủ rê, lôi kéo.

Bác sĩ có bắt tay với "cò"?

"Tệ nạn “cò” bệnh viện vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có sự phối kết hợp của chính các cán bộ, nhân viên trong bệnh viện", một vị bác sĩ chia sẻ. Nhưng từ trước đến nay, chỉ có các “cò” bị xử lý chứ chưa có cán bộ y tế nào bị kỷ luật cả. Bộ Y tế mới ra một văn bản chỉ đạo lập tổ công tác chuyên biệt để dẹp nạn “cò” BV, cùng với những quy định khá cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, không biết bộ máy này đã được thành lập và phát huy tác dụng như thế nào mà “cò” vẫn ngang nhiên.

Chị Hồng, quê Phú Thọ nói chuyện với tôi trong lúc ngồi đợi:  "Tôi xuống bệnh việnđược hai ngày rồi, hôm nay là ngày thứ ba, đợi mãi, xếp hàng từ sáng tới giờ mà chưa tới lượt chụp cộng hưởng từ và làm xét nghiệm, nhưng tôi để ý có mấy người được bác sĩ đưa vào khám trước rồi, họ nói đó là người quen, người nhà của bác sĩ nên cũng đành chịu. Chỉ khổ những người ở quê xa như chúng tôi, ăn chực nằm chờ, khổ lắm cô ạ".

Theo bác sĩ Vũ Quý Hợp, Chủ tịch Công đoàn bệnh viện Nhi TƯ: “Bệnh viện Nhi TƯ cũng là một trong những BV có đông bệnh nhân đến khám và nhập viện. Nhưng đông thì đông, chúng tôi vẫn hạn chế được tình trạng “cò mồi” bằng cách: Xây dựng một hệ thống khám chữa bệnh quy củ, có hệ thống. Vì thế, tuy bệnh nhân đông nhưng hệ thống khám chữa bệnh vẫn trôi chảy, “cò” không thể chen vào được.

Chúng tôi cũng phòng ngừa “cò” bằng cách bổ sung thêm nhiều chỗ thanh toán viện phí để hạn chế bệnh nhân đi lại cũng như phòng tránh sự trà trộn, gạ gẫm, móc nối của “cò mồi”".

Vị bác sĩ này cũng khẳng định điều quan trọng nhất, từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện đều quyết tâm, đồng lòng chống “cò”.

Để vấn nạn "cò mồi" không còn là nỗi lo của người bệnh thì điều quan trọng nhất đúng như vị bác sĩ kia chia sẻ, chính là sự đồng lòng của tất cả đội ngũ y bác sĩ, chỉ có như thế tất cả người bệnh mới an tâm và đặt trọn niềm tin nơi từ mẫu.

(Nguồn:Bảo Bình/Infonet)